Ngày 22-11, UBND TP HCM tổ chức Hội thảo "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP HCM". Nhiều giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp luật, quy hoạch đất đai được đề cập tại hội thảo này.
Thừa nhận thất thoát
Đánh giá chung về thực trạng quản lý đất đai tại TP HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP, cho rằng do tốc độ phát triển kinh tế cao, dân số tăng mỗi ngày, giá đất tại TP HCM cao nhất cả nước; sự phát triển nóng khiến quản lý đất đai tại TP gặp nhiều thách thức do thiếu đồng bộ giữa chính sách pháp luật đất đai và chính sách pháp luật khác. "Ngoài ra, còn có các tồn tại như công cụ hành chính trong quản lý đất đai còn thủ công, chưa số hóa bằng hệ thống điện tử; quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với các quy hoạch khác; nguồn thu từ đất đai chưa đúng, chưa đủ dẫn đến thất thoát, thiếu hiệu quả..." - ông Nguyễn Toàn Thắng chỉ ra.
Đất công ở quận 12 được TP HCM cho doanh nghiệp thuê nhưng sử dụng sai mục đích, phân thành nhiều kho bãi cho thuê lại
Để tháo gỡ những vướng mắc này, theo Giám đốc Sở TN-MT TP, trước mắt TP phải xây dựng hệ thống quản lý đất đai điện tử, người dân cùng tham gia giám sát và quản lý, giảm chi phí dịch vụ công, giảm nhũng nhiễu. Kế đến, quy hoạch giữa các ngành khi thực hiện phải đồng bộ, phải quản lý chặt nguồn thu từ việc giao đất, cho thuê đất công đối với các chủ đầu tư nhằm tránh tình trạng lãng phí, sử dụng không đúng mục đích.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhấn mạnh TP cần phải quản lý tốt việc giao đất, cho thuê đất công thật hiệu quả. Ở các nước, đưa đất công vào thị trường phải áp đúng giá thị trường để thành nguồn thu chính đáng. Còn ở ta, có đưa vào thị trường nhưng chưa trở thành nguồn thu đúng, thu đủ, áp giá chưa đúng thực tế. Theo ông Đặng Hùng Võ, nếu cho thuê theo giá thị trường sẽ khuyến khích doanh nghiệp (DN) phấn đấu làm ăn, phát huy hiệu quả kinh tế cho xã hội, không lãng phí tài sản của nhà nước. Muốn như vậy, TP phải công khai danh sách đất công đã giao các cơ quan nhà nước sử dụng trên cổng thông tin điện tử của địa phương; tổ chức tiếp nhận ý kiến giám sát của người dân và phải có chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, sử dụng đất sai mục đích.
Đặc biệt, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng TP HCM cần có giải pháp tăng nguồn thu từ đất đai. "TP nên xem xét tăng thuế đất đai và bất động sản bởi nguồn thu từ thuế đất hiện nay quá thấp (chiếm khoảng 20%), vì đây là nguồn lực chính để phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng, hạn chế đầu cơ bất động sản, phân bố dân cư hợp lý theo thu nhập phù hợp với mức thuế đã nộp…" - ông Đặng Hùng Võ đề xuất.
Mấu chốt là minh bạch thông tin
Đề xuất TP HCM sớm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý đất đai, ông Hamasaki Hiroshi, chuyên viên nghiên cứu cấp cao Công ty CP Fujitsu Soken, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản. Theo ông, việc quản lý đất đai mấu chốt vẫn là phải công khai, minh bạch thông tin, không chỉ giúp chính quyền quản lý hiệu quả hơn, giảm thời gian đi lại của người dân mà còn hạn chế tình trạng giấy tờ giả, dự án ảo, lừa mua bán đất, đầu cơ… "Trong thời đại 4.0, Việt Nam cần xây dựng hệ thống CNTT trong vận hành, quản lý đất đai và xây dựng cơ chế chia sẻ công khai thông tin. Song song đó, cần phải xem xét hành lang pháp lý, phát triển nguồn nhân lực và lập kế hoạch tài chính trong lĩnh vực đất đai" - ông H.Hiroshi tư vấn.
Tán thành các giải pháp do các chuyên gia hiến kế, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết sắp tới, TP tập trung 4 nhóm giải pháp trong quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai. Cụ thể, trong quy hoạch sử dụng đất sẽ bao quát tổng thể, có tầm nhìn và chặt chẽ hơn, quy hoạch liên ngành từ quy hoạch y tế đến giáo dục, giao thông. Tăng cường kiểm tra, quản lý, bổ sung, thu hồi kịp thời các dự án "xí đất" rồi để đó. Vốn hóa đất đai cho các khu đất công, tính toán lại nguồn thu từ đất…
Ông Võ Văn Hoan cho biết thêm TP sẽ cùng các sở - ngành bàn tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt của các dự án đầu tư liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau khiến TP lúng túng. "Đặc biệt, để bảo đảm quyền lợi người dân trong quá trình thu hồi đất thực hiện dự án, TP cũng nghiên cứu phương án đất thuộc quyền sử dụng đất của người dân để họ tự thỏa thuận với DN, riêng đất công thì tổ chức đấu thầu đấu giá" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói.
Đề xuất chỉ chia đất đai thành 2 loại
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, phân loại đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 bị chia nhỏ tùy mục đích sử dụng như đất ở có đất ở đô thị, đất ở nông thôn khiến người dân, chính quyền địa phương bị rối khi giải quyết các thủ tục. "Vì vậy, theo tôi, Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung sắp tới chỉ nên chia thành 2 loại là đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đất phi nông nghiệp phân thành 2 loại là đất đô thị và đất dân cư để người dân dễ sử dụng, nhà nước dễ quản lý" - ông Nguyễn Văn Xa đề xuất.
Bình luận (0)