xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ

PHAN ANH

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ động nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, chính sách đột phá phát triển vùng, trong đó lấy TP HCM làm đầu tàu cho phát triển vùng

Ngày 18-7, tại TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), chủ trì hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐNB lần thứ nhất. Đồng chủ trì có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Điều phối vùng ĐNB.

Phát triển đô thị vệ tinh

Tại hội nghị, lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các chương trình phối hợp, giải pháp phát triển vùng ĐNB.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng vùng ĐNB cần giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng; thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để vừa giảm ùn tắc giao thông vừa cải thiện môi trường không khí tại các đô thị lớn. Ông Dũng cũng đề xuất nghiên cứu các cơ chế đặc thù của vùng, hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.

Về phát triển giao thông vùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng dự kiến tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐNB khoảng 735.500 tỉ đồng, tập trung vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa. Phấn đấu đến năm 2025, vùng sẽ có trên 400 km đường cao tốc đưa vào khai thác.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Thắng kiến nghị triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng ĐNB. Trong đó nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định người dân mơ ước một trung tâm đô thị không bị kẹt xe, ùn tắc. Ông gợi mở: Muốn vậy, đường bộ phải như thế nào, đường thủy như thế nào, đường sắt đô thị ra sao… để làm thông thoáng trung tâm đô thị của vùng. Làm sao đi từ tỉnh Bình Phước về TP HCM 150 km chỉ mất hơn 1 giờ và quãng đường 100 km từ Tây Ninh về TP HCM tốn dưới 1 giờ. Nếu đường sá thông thoáng, người dân có thể sáng đi chiều về, đi chữa bệnh, đi du lịch thuận lợi. Để làm được việc này, cần có bộ cơ chế, chính sách.

Tìm cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các bộ, địa phương tại hội nghịẢnh: NGUYỄN PHAN

Vận dụng cơ chế từ Nghị quyết 98

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP HCM nhất quán quan điểm mở rộng liên kết vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP HCM đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, như thành lập quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng; thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng và xây dựng mạng lưới bệnh viện tuyến cuối của vùng. Cùng với đó, đề xuất thành lập trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vùng hoặc quốc gia.

Theo ông Phan Văn Mãi, cần ban hành cơ chế đặc thù vùng như Nghị quyết 98 áp dụng cho TP HCM hoặc vượt trội hơn, nhất là các cơ chế phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), sử dụng ngân sách địa phương đầu tư phát triển vùng, thu hút nhà đầu tư chiến lược. Đồng tình với đề xuất của lãnh đạo TP HCM, TS Trần Du Lịch nói: "Nếu làm tốt TOD thì quỹ đất đô thị hóa là ngân hàng "đẻ trứng vàng" cho ngân sách. Từ quỹ đất đô thị hóa tạo nguồn lực để phát triển giao thông là cách làm hiệu quả mà không phụ thuộc lớn vào ngân sách".

Cùng đưa ra đề xuất mở rộng các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 98 cho các tỉnh vùng ĐNB, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, nêu ý tưởng áp dụng mô hình TOD để thực hiện tuyến metro số 1 kết nối TP HCM - Bình Dương. Theo ông Vũ, với cơ chế sử dụng ngân sách địa phương cho phát triển dự án vùng và liên vùng, trước mắt có thể áp dụng TOD cho vùng, những tỉnh có giao thông kết nối trực tiếp với TP HCM, như dự án đường Vành đai 3, tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài...

Những đề xuất trên nhận được nhiều đồng thuận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bộ này cũng đang nghiên cứu mở rộng cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98 cho cả vùng ĐNB.

Lấy TP HCM làm đầu tàu

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Hội đồng Điều phối vùng ĐNB là một trong 4 hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập để khắc phục những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Để hội đồng điều phối hoạt động hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các bí thư, thành viên hội đồng vùng tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các bộ, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh và giao việc cụ thể, bảo đảm các tổ điều phối bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng.

Nhấn mạnh những việc vùng ĐNB cần làm ngay, Thủ tướng lưu ý tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Song song đó, cần xử lý ngay 3 vấn đề gồm ách tắc giao thông, môi trường và nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Ngoài ra, cần tập trung cho công tác quy hoạch vùng. Quy hoạch phải lâu dài, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, nhất là phải phát huy được tối đa tiềm năng, cơ hội, tính cạnh tranh và hóa giải được những mâu thuẫn, yếu kém của vùng.

Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Điều phối vùng chủ động nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, chính sách đột phá phát triển vùng ĐNB, thúc đẩy liên kết vùng. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập các quỹ, trước hết là nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng ĐNB. Bộ Tài chính phải hoàn thành đầu việc này trong quý III/2023.

Thủ tướng lưu ý hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng ĐNB cần đồng bộ với hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98, cũng do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban. Tinh thần là lấy TP HCM làm đầu tàu, là trung tâm, hạt nhân của vùng ĐNB.

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng với khí thế mới, cách tổ chức mới cùng với tự lực, tự cường của "Miền Đông gian lao mà anh dũng", Hội đồng Điều phối vùng ĐNB sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đưa vùng ĐNB phát triển thịnh vượng. 

Cần có cơ chế để TP HCM vay 20 tỉ USD làm metro

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị nghiên cứu cơ chế cho TP HCM vay khoảng 20 tỉ USD để sớm hoàn thành các tuyến metro theo quy hoạch.

Theo ông Dũng, 16 năm qua, TP HCM chưa làm xong 20 km tuyến metro số 1, trong khi tuyến metro số 2 vẫn đang loay hoay giải phóng mặt bằng. Tiến độ này là quá chậm nên thành phố cần giải pháp sớm hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị. Nếu có thể huy động được nguồn lực, khai thác các nguồn lực mới, cơ hội mới, sẽ là đòn bẩy đẩy nhanh tiến trình đầu tư, thúc đẩy liên vùng cùng phát triển.

Trong tháng 7 phải hoàn thiện hồ sơ cảng Cần Giờ

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đi tàu thủy khảo sát cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ, TP HCM).

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast (đơn vị tư vấn), cho biết dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 5,4 tỉ USD; khi hình thành sẽ giúp phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời giúp TP HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển.

Sau khi nghe đơn vị tư vấn giới thiệu về dự án, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với TP HCM và các cơ quan triển khai những bước tiếp theo, hoàn thiện hồ sơ dự án vào tháng 7 này. Nhấn mạnh cảng Cần Giờ chỉ là một dự án nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển của huyện Cần Giờ, Thủ tướng nêu rõ cần phát triển Cần Giờ thành một đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, sinh thái của TP HCM và cả vùng Đông Nam Bộ.

H.Phong

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo