Ngày 13-9, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận, cho biết đang chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát diện tích các lâm phần trên địa bàn để bố trí đất trồng rừng thay thế khi thực hiện dự án hồ chứa Ka Pét.
Theo quy định pháp luật, việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên để làm dự án phải trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích hiện hữu. Trước đó, khi dự án hồ chứa nước Ka Pét thực hiện các bước chuẩn bị triển khai, không ít ý kiến dư luận lo ngại việc trồng rừng thay thế sẽ được thực hiện như thế nào, ai sẽ giám sát? Lo ngại này là có cơ sở bởi một số dự án trồng rừng thay thế trên cả nước khi triển khai rất khó khăn.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Sơn cho biết toàn tỉnh đã triển khai thành công nhiều dự án trồng rừng thay thế và đây là cơ sở để thực hiện dự án hồ Ka Pét. "Năm 2022, HĐND tỉnh đã có cuộc giám sát về công tác trồng rừng thay thế giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả giám sát đánh giá là bảo đảm được diện tích" - ông Sơn khẳng định.
Cũng theo đại diện Sở NN-PTNT Bình Thuận, đối với diện tích trồng rừng thay thế của dự án hồ Ka Pét là 1.844 ha, đơn vị này đã chỉ đạo cho các chủ rừng rà soát toàn bộ diện tích trên lâm phần đang quản lý để đăng ký về sở, sau đó sẽ giao cho lực lượng kiểm lâm phúc tra. "Theo quy định mới, đối tượng trồng rừng thay thế được mở rộng trên rừng sản xuất và rừng trồng chết thanh lý. Với quỹ đất qua rà soát bước đầu còn hơn 2.000 ha, chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai trồng rừng thay thế khi thực hiện hồ Ka Pét" - ông Lê Thanh Sơn nói.
Rừng xanh tốt bên trong dự án hồ Ka Pét
Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên tỉnh Bình Thuận cho rằng quy định trồng rừng với diện tích gấp 3 lần số rừng chuyển đổi làm dự án là tương xứng, phù hợp để giữ lại mảng xanh cho đất. "Làm hồ nào cũng mất rừng cả nhưng hãy nhìn diện tích đất nông nghiệp chủ động tưới và thành quả từ hệ thống thủy lợi đem lại hôm nay so với khi không có hồ thủy lợi, sẽ thấy sự khác biệt và lợi ích mà thủy lợi mang lại cho cuộc sống người dân Bình Thuận" - ông Quý nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Quý, đây không phải lần đầu Bình Thuận chuyển đổi rừng làm hồ thủy lợi. Trước đây, khi làm 2 hồ Hàm Thuận - Đa Mi, tỉnh đã chuyển đổi gần 3.000 ha rừng. Ngoài ra còn có các hồ Sông Quao, Cà Giây và một số hồ thủy lợi khác cũng đều phải chuyển đổi rừng.
Công trình hồ nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam có dung tích 51 triệu m³, cần 697,73 ha đất để triển khai. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng 619,5 ha, gồm rừng đặc dụng 137,95 ha; rừng phòng hộ 0,51 ha; rừng sản xuất 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,1 ha); đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, trong số 619,73 ha rừng chuyển đổi làm hồ Ka Pét chỉ chiếm 0,15% tổng diện tích rừng tại Bình Thuận. Trong số này, riêng rừng đặc dụng trong hồ Ka Pét là 137 ha, chiếm 0,6% trong tổng số 24.355 ha rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.
Ông Đỗ Văn Thông - Phân viện trưởng Phân viện điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ, đơn vị tư vấn, đánh giá hiện trạng rừng xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét - cho biết đây là dự án quan trọng nên việc lấy mẫu rừng được thực hiện rất kỹ. Kết quả điều tra từ tỉ lệ rút mẫu trên 1,57% tổng diện tích vùng dự án cho thấy mật độ bình quân của các trạng thái rừng là trên 500 cây/ha. Chủ yếu là các loài bằng lăng, căm xe, sổ, cóc rừng, thầu tấu, dầu đồng, cà chắc...
Bình luận (0)