Ngày 12-8, Hội nghị Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 miền Trung - Tây Nguyên đã diễn ra tại TP Huế. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo 19 tỉnh, thành trong khu vực.
Chưa phát huy hết lợi thế
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT), cho biết kinh tế 14 tỉnh, thành vùng miền Trung trong 6 tháng đầu năm 2019 đang đồng loạt khởi sắc, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8,05%, cao hơn so với bình quân chung cả nước.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong thời gian này ước tính đạt 6,95 tỉ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi cả nước chỉ tăng 9,05%. Tính đến hết tháng 6, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 100.000 tỉ đồng, bằng 57% dự toán trung ương giao, cao hơn mức bình quân cả nước 52,8%, tăng 18% so cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, số vốn FDI đăng ký mới tăng cao hơn so với cùng kỳ 2018.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, thành thì chỉ có Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trong năm 2019 có dự án động lực quy mô lớn. Các địa phương còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế như Đà Nẵng - Quốc lộ 1 và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông-Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ.
Xuất khẩu miền Trung tăng cao nhưng tỉ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chỉ chiếm 4,76%. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng.
Dự án đầu tư bến số 3 Cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế), một dự án kinh tế quan trọng ở miền Trung
Nhiều vướng mắc
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đề nghị Bộ KH-ĐT có cơ chế đặc thù cho những đô thị như TP Huế, Hội An. "Nếu áp theo các tiêu chí đô thị hiện nay thì Huế không còn là đô thị di sản nữa. Vì vậy, nên cho Huế có cơ chế đặc thù và có thể làm khuôn mẫu cho các đô thị phát triển theo hướng bền vững, di sản phù hợp" - ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị.
Trong lĩnh vực đầu tư, theo ông Định, Luật Đất đai nêu rõ điều kiện đấu giá là đất sạch. Phần lớn các dự án đất không sạch phải đấu thầu theo Nghị định 30 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai thì lại không quy định giao đất, cho thuê đất trong trường hợp này.
Đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Nghệ An, các địa phương không làm nữa bởi các điều kiện thực hiện quy định chưa rõ ràng, các bộ trả lời khác nhau. "Khi địa phương hỏi thì mỗi bộ trả lời mỗi kiểu để bảo đảm sự an toàn cho mình. Ví dụ như Bộ Tư pháp trả lời chúng tôi là căn cứ các quy định của pháp luật mà làm" - ông Độ dẫn chứng.
Còn ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nói việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Thông tư 16 của Bộ KH-ĐT thì địa phương này bị vướng mắc trong việc xác định giá trị M3 (là giá trị tối thiểu nhà đầu tư phải cam kết nộp ngân sách nhà nước không điều kiện), hoàn toàn độc lập tiền thuê đất. "Trong Thông tư 16 nói xác định M3 căn cứ lợi thế thương mại lô đất nhưng tất cả hướng dẫn mang cảm tính nhiều quá, rất khó cho địa phương. Tôi đề nghị bộ nên sửa lại thông tư này, nói rõ công thức tính nhưng nếu khó quá thì bỏ luôn M3" - ông Đa nói thêm.
Chưa rõ vai trò vùng kinh tế trọng điểm
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đến bây giờ chưa có quyết định về phân vùng kinh tế. Đã nhiều năm vẫn cứ loay hoay về vai trò các vùng kinh tế trọng điểm như thế nào. Quy định rõ vai trò thì đi theo đó phải có một cơ chế phù hợp. "Lâu nay cứ nêu ra nhưng mang tính tự nguyện, vui vẻ thì hợp tác còn chẳng có chế tài" - ông Thanh nhấn mạnh.
Bình luận (0)