xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm đối sách giữ vững tăng trưởng kinh tế

Minh Chiến

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, ngành thực hiện ngay các đối sách giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh do virus corona; giữ vững phát triển kinh tế

Ngày 5-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2020. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) diễn biến phức tạp. Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận giải pháp mạnh mẽ phòng chống dịch, đồng thời bảo đảm phát triển kinh tế ổn định, tránh tác động của dịch bệnh ở mức thấp nhất.

Biến bại thành thắng

Phát biểu khai mạc phiên họp, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm bảo đảm tăng trưởng và phòng chống dịch để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được trung ương, Quốc hội, Chính phủ đề ra. "Không đặt vấn đề giảm tăng trưởng, chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng trưởng đối với năm 2020" - Thủ tướng quán triệt.

Để thích nghi với điều kiện phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là về kinh tế, Thủ tướng yêu cầu cần đặt ra mục tiêu "biến bại thành thắng", vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục đưa nền kinh tế Việt Nam tiến bước đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Đây cũng là yêu cầu mới đặt ra trong tình hình hiện nay.

Tìm đối sách giữ vững tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu quyết liệt chống dịch, vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế Việt Nam tiến bước. Ảnh: QUANG HIẾU

Báo cáo trước Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết về các tác động trực tiếp của dịch bệnh, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may. Ngoài ra, lượng khách quốc tế giảm mạnh, trong đó, khách Trung Quốc không được cấp visa đến Việt Nam trong thời gian có dịch. Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất do thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn... Từ những tác động này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Đại diện Bộ Công Thương dự báo mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế tùy thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh. Bộ này dự kiến nhiều kịch bản ảnh hưởng tới XNK của Việt Nam. Trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát dưới 3 tháng, dự kiến trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 400 - 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5%-8%. Để chủ động ứng phó, Bộ Công Thương sẽ theo dõi, đánh giá thường xuyên tình hình thị trường để xây dựng kịch bản, tham mưu phương án sản xuất, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam để đáp ứng nhu cầu trong trường hợp dịch bệnh kéo dài. Đồng thời, tăng cường mua sắm, tích trữ đề phòng giai đoạn sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát sẽ tăng trưởng mạnh về tiêu dùng, mua sắm hồi phục nhanh.

Nhận định tình hình khó khăn với ngành nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất, xuất khẩu nông sản, nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây là cơ hội để các ngành hàng chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh. Trong trường hợp dịch kéo dài nhiều tháng, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đơn vị ngành công thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, ưu tiên thị trường nội địa. Đồng thời, chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế của từng địa phương.

Trình 2 kịch bản mới

Kết luận nội dung kinh tế - xã hội tại phiên họp vào chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh nCoV; có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2020. "Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các bộ có liên quan phải có kế hoạch chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng để phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời tìm kiếm thị trường mới, có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp để yên tâm sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản mới, tận dụng nền tảng của năm 2019 để hoàn thành các mục tiêu năm 2020, đặc biệt là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nhắc lại dù có tác động từ dịch nhưng không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà coi đây là nhiệm vụ để thử thách bản lĩnh, sự quyết tâm, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ ngành không được sơ sẩy với những mục tiêu đã đề ra, trong đó có mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỉ USD.

Trên tinh thần đó, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác. Trước mắt giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa, đặc biệt là nông sản tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai, đề cao công tác phòng chống dịch bệnh khi thực hiện thông quan hàng hóa. Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý công tác điều hành phải linh hoạt, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường để có giải pháp phù hợp, hạn chế sự tăng giá bất thường, đặc biệt không tăng giá điện, dịch vụ công.

Để ứng phó với dịch bệnh, ổn định sản xuất, kinh doanh, tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết bộ đang tính đến xây dựng gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ triển khai các gói hỗ trợ này đối với những ngành, nhóm đối tượng bị thiệt hại.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng xác nhận thêm Bộ KH-ĐT đã trình Chính phủ 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020. Theo đó, nếu như khống chế dịch trong quý I/2020, tăng trưởng năm 2020 sẽ là 6,27%; nếu khống chế dịch trong quý II, tăng trưởng kinh tế dự kiến 6,09%. Như vậy so với mục tiêu 6,8% nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ là bị thấp rất nhiều. Với kịch bản như vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo có các giải pháp khác để bù đắp những vấn đề ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Không để dịch chồng dịch

Ngày 5-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản chỉ đạo về việc chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp; đồng thời khẩn trương phòng chống dịch bệnh cúm A/H5N1, ngăn chặn không cho dịch cúm gia cầm vào Việt Nam, không để dịch chồng dịch.

Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức phòng chống dịch cúm gia cầm trên động vật có hiệu quả. Bên cạnh đó, bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm A/H5N1 cũng như các loại cúm gia cầm khác, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Bộ Công Thương có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối. Bộ Y tế chỉ đạo giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan.

N.Dung

Có thể cho học sinh nghỉ học thêm

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết sau khi nghỉ học 1 tuần, học sinh có thể học bù vào thứ bảy, chủ nhật. Trong trường hợp nghỉ kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh thời gian năm học, có thể kết thúc muộn hơn so với bình thường, việc thi học kỳ cũng sẽ điều chỉnh theo nhưng vẫn bảo đảm chương trình học. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tùy vào diễn biến dịch bệnh, chủ tịch UBND các địa phương cân nhắc, có thể cho học sinh nghỉ thêm 1 hoặc 2 tuần.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo