Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XV, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết đến tháng 8, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ giải ngân được 13,5/16.035 tỉ đồng phân bổ năm 2022. Trong phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp, các đại biểu (ĐB) QH đã mổ xẻ những nguyên nhân làm chậm quá trình giải ngân gói hỗ trợ đang rất được doanh nghiệp (DN) trông chờ này.
Tiêu chí "khả năng phục hồi" làm khó doanh nghiệp
Gói hỗ trợ lãi suất 2% được quy định trong Nghị định 31/2022/NĐ-CP về việc hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM) đối với khách hàng là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 43/2022 của QH và Nghị quyết 11/2022 của Chính phủ. Theo đó, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm có hạn mức tối đa 40.000 tỉ đồng.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, đánh giá gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai khá chậm khi đến nay chỉ có 580 khách hàng được tiếp cận. Ông Hùng đề nghị cần sớm có giải pháp tập trung triển khai hiệu quả gói hỗ trợ này vì nhiều dự án không thể tiếp tục thực hiện do thiếu vốn, các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.
Doanh nghiệp rất cần vốn để phục hồi và phát triển sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng việc tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Sản xuất khuôn mẫu ở Công ty Cơ khí Duy Khanh (TP HCM). Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), trong 580 khách hàng được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, chỉ 1 DN ở Quảng Bình được vay với số tiền 500 triệu đồng. "Đây là những con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra của Nghị quyết 43" - ĐB này đánh giá.
Để được vay vốn trong gói hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu khách hàng phải có "khả năng phục hồi". ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng quy định này là nguyên nhân chính khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm giải ngân.
Theo ĐB Nguyễn Hải Dũng, DN dù chứng minh được khả năng trả nợ nhưng cũng không dám khẳng định có "khả năng phục hồi". Bởi lẽ, "khả năng phục hồi" thường được thể hiện thông qua các tiêu chí như: doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, đánh giá diễn biến chiều hướng kinh doanh... Việc đánh giá các tiêu chí này rất khó trong bối cảnh hiện nay khi tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn; chi phí sản xuất tăng, phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu; áp lực lạm phát; đồng USD tăng giá… Đặc biệt, một số khách hàng có doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn dịch bệnh cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá tiêu chí phục hồi.
"Đề nghị Chính phủ xem xét, báo cáo QH sửa đổi Nghị quyết 43 theo hướng không đặt ra quy định về khách hàng có khả năng phục hồi để thuận lợi hơn khi triển khai gói hỗ trợ 2%" - ông Dũng nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chính sách này.
Cụ thể, ban hành thông tư hướng dẫn; ra nhiều nhiều văn bản đôn đốc các NHTM và chi nhánh NHNN 63 tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện chính sách; tổ chức 4 hội nghị toàn quốc và các hội nghị kết nối ngân hàng - DN tại địa phương để triển khai cũng như giải đáp các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; thành lập đường dây nóng tại NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các NHTM và chi nhánh để tiếp nhận phản ánh của DN trong trường hợp không được cho vay và hỗ trợ lãi suất theo quy định.
"Tính đến cuối quý III/2022, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt trên 17.000 tỉ đồng đối với 900 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi là trên 32 tỉ đồng" - NHNN thông tin.
Dù vậy, NHNN cũng nêu ra những nguyên nhân khiến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm. Về phía khách hàng, có DN đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ. Nhiều khách hàng lo ngại trong trường hợp bị xác định phải thu hồi gói hỗ trợ (do sau đó xác định cho vay không đúng đối tượng) thì rất khó xử lý vì đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức. Ngoài ra, cũng có khách hàng đủ năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các NHTM cho vay với lãi suất ưu đãi nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất do nhiều hộ sản xuất - kinh doanh nhưng không đăng ký.
Theo đại diện NHNN, quy định tại Nghị quyết 43/2022 của QH và Nghị định 31/2022 của Chính phủ liên quan việc khách hàng "có khả năng phục hồi" khiến các đối tượng muốn vay rất khó đáp ứng yêu cầu.
Đối với các NHTM, nhiều ngân hàng có tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện chính sách này do một số chương trình hỗ trợ lãi suất khác vẫn chưa được quyết toán. "Các NHTM còn lo ngại trường hợp phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất đã đưa đến khách hàng nhưng khách hàng đã tất toán khoản vay, không còn quan hệ với ngân hàng thì rất khó thu hồi" - đại diện NHNN giải thích.
Về giải pháp, NHNN cho biết sẽ trình Chính phủ báo cáo QH xem xét không đặt ra quy định về khách hàng "có khả năng phục hồi"; đồng thời cho phép điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ khác, như các chương trình cho vay hỗ trợ khôi phục kinh tế thông qua ngân hàng chính sách xã hội - đang giải ngân rất tốt.
Sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận những phân tích, đánh giá nguyên nhân khiến việc chậm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% của ĐBQH là hoàn toàn chính xác. "Chúng tôi cũng thấy được việc này. Thời gian tới, NHNN cùng các bộ, ngành sẽ đánh giá lại những khó khăn, vướng mắc liên quan gói hỗ trợ này và báo cáo Chính phủ trước khi báo cáo QH" - bà Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Chuyển sang hỗ trợ thuế, phí…
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đề nghị QH và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. "Nếu thực hiện như vậy sẽ giúp được nhiều DN, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh" - ĐB Trần Hoàng Ngân nhận định.
Bình luận (0)