Ngày 6-8, tại TP HCM, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo "MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí" khu vực phía Nam. Tham dự hội thảo có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Phản biện báo cáo PCTN
Tại hội thảo, GS-TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng để công tác PCTN đạt kết quả, cần nâng cao nhận thức về cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực, phản biện xã hội. "MTTQ cần kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước. Bên cạnh đó, cần xác định các nội dung giám sát. Ngoài ra, MTTQ phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để phản biện báo cáo công tác PCTN của Chính phủ, của UBND các cấp" - GS-TS Trần Ngọc Đường nêu.
Nói về dự án Luật PCTN, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng về phương pháp đặt vấn đề, pháp lý giữa một bên là PCTN, một bên là tham nhũng trong dự án Luật PCTN còn mờ nhạt. Theo ông Điện, phải xác định tổ chức xã hội là trung tâm trong việc PCTN và bản thân tổ chức xã hội phải thực sự là đại diện của tầng lớp xã hội hoặc giới nghề nghiệp có liên quan, phải bảo đảm sự minh bạch và trong sạch trong tổ chức và hoạt động. Về phần mình, nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đó tham gia PCTN cả trong giai đoạn xây dựng cũng như quá trình thực hiện chính sách, luật pháp.
Bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Bến Thành - TP HCM; hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) bị kháng nghị từ chung thân lên tử hình về tội "Tham ô tài sản". Ảnh: PHẠM DŨNG
Thay đổi cách làm chính sách
Góp ý cho hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, nhấn mạnh cần phải xử lý tận gốc tham nhũng chính sách. Tham nhũng chính sách được đặt ra trong trường hợp một bộ phận xã hội, phổ biến nhất là các nhà đầu cơ, mưu cầu lợi ích riêng cho mình hoặc lợi ích nhóm bằng cách móc nối với những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền soạn thảo, ra quyết định thông qua chính sách, để nhà nước đưa ra chính sách có lợi cho họ, bất chấp lợi ích chung. Ông Hậu dẫn chứng Luật Đất đai đang là dấu chấm hỏi lớn về tham nhũng chính sách, khi các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội không rõ ràng, nhất là quy định về giá thu hồi đất. Giá thu hồi rất thấp, nhất là đất nông nghiệp, trong khi nhà đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cửa thì bán với giá cao hơn rất nhiều lần, lợi nhuận rất cao.
Tham nhũng chính sách dẫn tới việc kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự méo mó, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến độc quyền gây ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. "Cần thay đổi tư duy quản lý và nhận thức về vai trò của chính sách, pháp luật. Khi đưa ra chính sách thì phải lường trước được hệ quả và không để các nhà đầu cơ tác động lên chính sách và làm sai lệch chính sách. Bên cạnh đó, phải nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, phản biện trong quá trình xây dựng, quyết định và thông qua chính sách" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Ngoài ra, theo ông Hậu, việc làm tiên quyết hiện tại là phải kiểm soát quyền lực, nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân; kiểm soát tài sản, thu nhập, nhất là cơ quan thanh tra; tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; có phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý. Đặc biệt, phải phát huy vai trò của báo chí trong PCTN.
Lấy phiếu tín nhiệm cán bộ do HĐND bầu
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng tham nhũng là giặc nội xâm, rất tinh vi mang danh đội lốt, ẩn mình trong hệ thống chính trị nên khó nhận ra và phòng chống. Vì vậy, theo ông Huỳnh Đảm, công tác PCTN chỉ phát huy hiệu quả khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong đó, MTTQ cần phải phát huy vai trò của mình để góp phần xây dựng Đảng, nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, ông Huỳnh Đảm còn đề nghị mặt trận nên kiến nghị việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ hoặc mỗi năm một lần đối với những người do HĐND bầu. "Muốn phát huy vai trò của mặt trận trong công tác PCTN thì trước hết mặt trận phải mạnh. Có mạnh mới giám sát được" - ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh.
Bình luận (0)