Họ là hàng chục hộ dân ở tỉnh Tây Ninh. Tất cả các hồ sơ có chung một điểm: Hơn 40 năm trước, họ được nhà nước khuyến khích khai hoang ở khu vực hồ Dầu Tiếng để trồng cây và hoa màu. Năm 1993, họ được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Hàng chục năm trời họ canh tác trên diện tích đất ấy, không hề có tranh chấp gì. Đùng một cái, mới đây, chính quyền địa phương thu hồi đất, giao cho một doanh nghiệp làm thủy điện. Dân không chịu, chính quyền tổ chức cưỡng chế…
Đơn khiếu nại của người dân đang chờ sự hồi đáp từ các cơ quan có trách nhiệm nhưng ngay lúc này có thể tiên lượng rằng nếu không có sức ép từ công luận và sự giám sát, thậm chí thanh - kiểm tra từ cấp cao hơn thì địa phương sẽ vẫn bảo lưu những gì mình đã làm, đồng nghĩa rằng người dân thấp cổ bé họng đành ngậm ngùi mất đất.
Từ đây, đã lờ mờ nhận ra bóng đáng của nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích thân hữu, nhiều tiền, không cần lộ diện, không trực tiếp tiếp xúc dân, chỉ cần "đi đêm" với người có quyền quyết định dự án. Chính vì lẽ này mà trong rất nhiều trường hợp, chính quyền địa phương dù biết làm sai vẫn bẻ cong pháp luật để phục vụ lợi ích của nhóm "tư bản thân hữu" (trong đó có phần của mình), bất chấp sự thống khổ của bên "bị hại" và uy tín của nhà nước bị xói mòn. Đây là một dạng tham nhũng chính sách, tinh vi nhưng khá phổ biến, rất đáng lo sợ, đe dọa và kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đất đai là lĩnh vực nóng, chiếm đại đa số trong tổng số các vụ khiếu kiện đông người và kéo dài hiện nay. Thu hồi đất trái luật, đền bù rẻ mạt hoặc không tổ chức tái định cư thỏa đáng mà phần thiệt thòi luôn thuộc về người mất đất là hệ lụy từ việc thi hành chính sách đất đai tùy tiện của chính quyền. Trong mỗi câu chuyện như vậy thường thấy một "bóng ma" thập thò, có đôi chân luôn chạy rất nhanh và khéo: chạy chính sách!
Tại hội thảo "MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí" khu vực phía Nam do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ở TP HCM ngày 6-8, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, đã nêu tham nhũng chính sách ngày càng nhiều và nhận định: "Bản chất của tham nhũng là những người có chức vụ và quyền hạn lạm dụng quyền lực để vụ lợi. Do đó, kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí thì nhất thiết phải kiểm soát được quyền lực".
Vấn đề là kiểm soát quyền lực thế nào? Đã có rất nhiều thiết chế giám sát và kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, trong đó chủ trương bít các lỗ hổng pháp lý, nhốt quyền lực vào chiếc lồng pháp luật được đề cao nhưng thực tế cho thấy tham nhũng - đặc biệt là tham nhũng chính sách - không dễ trị.
Kỹ xảo đầu tiên của tham nhũng chính sách là chủ ý chèn câu chữ vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, cách hay nhất là tổ chức phản biện chính sách thật chặt chẽ, bài bản để triệt nó ngay từ đầu.
Bình luận (0)