Dạo một vòng TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi thấy có hàng ngàn tờ rơi quảng cáo cho vay tiền chỉ cần thế chấp CMND, sổ hộ khẩu hoặc cà vẹt xe dán khắp nơi. Nhiều nhất là ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.
Vay 50 triệu đồng, trả gấp 8 lần
Tại khu vực cổng Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, tờ giấy có nội dung "cầm cà vẹt xe lãi suất thấp, hỗ trợ tiền đến 90% giá trị xe máy" dán khắp nơi. Gọi vào số điện thoại ghi trên giấy, chúng tôi được cho biết mức lãi suất 5.000 đồng/ triệu đồng/ngày. Khi chúng tôi thắc mắc lãi suất quá cao, người bên kia khẳng định: "Đó là lãi suất thấp nhất hiện nay. Nếu muốn vay thì qua đường Lê Thánh Tông để định giá trị xe máy".
Tiếp đó, chúng tôi liên hệ với số điện thoại trên tờ rơi cho vay trả góp hằng ngày được dán chằng chịt trên tường của Trường ĐH Tây Nguyên và đặt vấn đề muốn vay 10 triệu đồng. Người nghe máy cho biết với số tiền vay này thì mỗi ngày góp 300.000 đồng, góp trong vòng 40 ngày là xong cả gốc và lãi.
Mới đây, gia đình ông Nguyễn Minh V. - ngụ đường Y Nuê, TP Buôn Ma Thuột - phải bán nhà trả nợ cho con trai đang học một trường trung cấp trên địa bàn vì vướng vào tín dụng đen.
Theo ông V., do thua cá độ bóng đá nên con trai ông vay 50 triệu đồng trả nợ. Sau đó, các đối tượng cho vay nặng lãi tính tổng cộng gần 400 triệu đồng. Dù ông V. đã báo với chính quyền địa phương nhưng lo sợ bị trả thù nên gia đình đành bán nhà trả nợ cho con để yên thân.
Tờ rơi quảng cáo cho vay nặng lãi dán khắp nơi ở Đắk Lắk
Mở đợt cao điểm trấn áp
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn diễn biến phức tạp với khoảng 30 nhóm cùng hàng trăm đối tượng. Tín dụng đen đã len lỏi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn nên khi vướng vào, người dân khó thoát cảnh khốn cùng, thậm chí bị khống chế, đe dọa, hành hung.
Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết công an tỉnh vừa mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trọng tâm là rà soát, lên danh sách, đối sách đấu tranh với các nhóm hoạt động tín dụng đen trên địa bàn. Từ kết quả rà soát, công an tỉnh đã ban hành kế hoạch đấu tranh chuyên đề với hoạt động này.
Bên cạnh đó, công an tỉnh cũng báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị ban hành công văn chỉ đạo, huy động cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành cùng phối hợp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen. Trọng tâm là tuyên truyền cho người dân hiểu, nhận thức được bản chất của hoạt động tín dụng đen để cảnh giác, không tham gia; đồng thời tố giác hoạt động của những đối tượng này đến các cơ quan chức năng.
"Công an đang tiếp tục nắm tình hình, tập trung thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ các hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động tín dụng đen của các nhóm, đối tượng như cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản… để xử lý nghiêm theo quy định" - đại tá Thắng khẳng định.
Khởi tố băng nhóm cho vay nặng lãi
Liên quan đến băng nhóm từ Hải Phòng vào Đắk Lắk hoạt động tín dụng đen, ngày 19-10, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã khởi tố bị can 4 đối tượng để điều tra hành vi cho vay lãi nặng và cưỡng đoạt tài sản, gồm: Bùi Văn Thịnh (26 tuổi), Vũ Văn Mạnh (26 tuổi), Hoàng Văn Cương (27 tuổi), Lê Trung Hiếu (30 tuổi).
Nhóm này bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk bắt vào ngày 1-10 khi đang cưỡng đoạt hơn 100 triệu đồng của một con nợ.
Theo điều tra ban đầu, Thịnh từ Hải Phòng vào, cấu kết với một đối tượng ở Đắk Lắk để hoạt động tín dụng đen. Phương thức hoạt động của nhóm này là tạo vỏ bọc bên ngoài dưới dạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính. Hằng ngày, Thịnh chỉ đạo đàn em in hàng trăm tờ quảng cáo rồi chia nhau đi phát cho người dân hoặc dán trên các bức tường, cột điện. Với hình thức này, đã có 269 hộ dân sập bẫy, vay tiền và trả lãi suất cắt cổ 30%/tháng.
Bình luận (0)