Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản sắp xếp tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, hoạt động có hiệu lực hiệu quả.
Kinh nghiệm từ TP Hà Nội
Báo cáo của Sở Nội vụ TP Hà Nội cho biết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, đến nay TP đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 sở và tương đương, với kết quả giảm từ 208 phòng xuống còn 159 phòng, giảm 29 trưởng phòng, 120 phó phòng; kiện toàn, sắp xếp 102 ban chỉ đạo (BCĐ) thuộc UBND TP còn 28 BCĐ, giảm 74 BCĐ.
Việc đề xuất điều tiết tăng biên chế cho giáo viên nhận được nhiều đồng tình của đội ngũ giáo viên ở TP Hà Nội Ảnh: VĂN DUẨN
Đối với khối sự nghiệp, sau sắp xếp, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở giảm từ 401 còn 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị. Bên cạnh đó, chuyển 125 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ chi thường xuyên.
Theo Sở Nội vụ TP Hà Nội, về số lượng cán bộ giảm sau sắp xếp, ban đầu sắp xếp chỉ là phép cộng các đơn vị lại với nhau. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập các đơn vị, các sở đã hướng dẫn, rà soát theo vị trí việc làm, từ đó từng bước tinh giản, giảm biên chế. Từ năm 2016 đến nay, sau khi sáp nhập các đơn vị, rà soát theo vị trí việc làm, đã giảm được hơn 1.000 biên chế.
Ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội, khẳng định những kinh nghiệm từ việc sáp nhập TP Hà Nội với tỉnh Hà Tây từ hơn 10 năm trước đã giúp TP sớm hoàn thành công tác tinh gọn bộ máy. "Kinh nghiệm là TP đã sắp xếp các vị trí cấp trưởng, cấp phó, chuyên viên vào đúng vị trí việc làm, từ đó ổn định đội ngũ cán bộ, công chức, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy" - ông Đoàn nhấn mạnh.
Việc tinh giản biên chế ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, quyền lợi của nhiều người, gây ra nhiều tâm tư, lo lắng cho cán bộ. Theo ông Đoàn, việc này khó tránh khỏi nên cách làm là phải bảo đảm công khai, dân chủ. "Các trường hợp trưởng phải xuống phó, phó phải xuống chuyên viên, ít nhiều đều có tâm tư. Tuy nhiên, nhờ bảo đảm các nguyên tắc trên mà sau đó tư tưởng của cán bộ hoàn toàn thông suốt, trong quá trình thực hiện không có đơn thư" - ông Đoàn khẳng định.
Đại diện Phòng Tổ chức - Biên chế, Sở Nội vụ TP Hà Nội cho biết trong quá trình sắp xếp bộ máy, TP đã quán triệt các bước rất chặt, dân chủ, công khai; chú trọng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị sau khi sắp xếp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn.
Nhìn từ cách làm của TP Hà Nội, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương, cho rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải đi vào thực chất, tránh tình trạng cơ học, cộng gộp mà không giảm về biên chế. Theo ông Thưởng, giảm đầu mối, giảm cấp trưởng, phó phòng là việc cần thiết để bộ máy tinh gọn, đi vào chất lượng cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Để làm được việc này, cần sự quyết tâm rất cao của địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, không ngại khó, không ngại đụng chạm.
Phải làm tốt công tác tư tưởng
Cùng với TP Hà Nội, việc tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW đã và đang được một số địa phương vào cuộc quyết liệt, hiệu quả.
Tại TP HCM, các cơ quan, đơn vị của TP đã xây dựng đề án tinh giản biên chế và đề ra lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2015-2021 và từng năm. Trong đó, xác định tỉ lệ tinh giản đến năm 2021 tối thiểu là 10% so với biên chế được giao năm 2015. TP cũng thực hiện nghiêm việc tuyển dụng không quá 50% biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã tinh giản và không quá 50% biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc. Kết quả sau 3 năm,TP HCM tinh giản 472 trường hợp.
Ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai đồng bộ. Tỉnh đã giảm 107 phòng, bộ phận cấp sở, huyện và giảm 131 cấp trưởng, phó. Về biên chế, giảm được 139 biên chế công chức, 1.544 biên chế viên chức. Tính chung từ năm 2015, tỉnh đã giải quyết chính sách tinh giản biên chế cho 370 người.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nêu con số tổng số biên chế công chức khối hành chính của TP Đà Nẵng phải tinh giản đến năm 2021 là 203 chỉ tiêu. Đến nay, TP đã cắt giảm 137 biên chế công chức theo số giao của Bộ Nội vụ. Trong năm 2020-2021, TP phải tinh giản 66 biên chế, trung bình mỗi năm giảm 33 biên chế. Đối với khối sự nghiệp, tổng số biên chế sự nghiệp phải tinh giản đến năm 2021 là 1.974 chỉ tiêu. Đà Nẵng cũng đã giảm một tổ chức hành chính trực thuộc UBND TP, sắp xếp 45 đơn vị và giảm 26 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 109 đơn vị cấp phòng.
Ông Đồng đánh giá trong quá trình thực hiện, công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ ở TP Đà Nẵng được thực hiện công khai, đúng quy định, khách quan nên mang lại hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao.
TP Cần Thơ cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác tinh gọn bộ máy. Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, TP đã tinh giản và cắt giảm 3.796 trường hợp, trong đó có 460 biên chế hành chính, 3.336 biên chế sự nghiệp, đạt 126,32% kế hoạch trong giai đoạn 2015-2021. Riêng năm 2009, tính đến ngày 30-9, TP thẩm tra và phê duyệt tinh giản biên chế 100 cán bộ, công chức, viên chức; cắt giảm 943 biên chế và 108 chỉ tiêu hợp đồng lao động.
Ngoài ra, thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW, đến thời điểm hiện tại, TP đã sắp xếp, kiện toàn 30 phòng chuyên môn thuộc 15 sở, ngành, 5 phòng thuộc chi cục; qua đó giảm 105 chức danh trưởng và phó trưởng. Đồng thời, hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 138 BCĐ, tổ chức phối hợp liên ngành xuống còn 64 BCĐ và 29 hội đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, khẳng định thành công của Cần Thơ là nhờ làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt sâu rộng chủ trương của Đảng và nhà nước. "Trước khi sắp xếp bộ máy, do có làm công tác vận động tư tưởng nên cán bộ, công chức, viên chức nằm trong diện tinh giản đều đồng tình. Trước giờ cũng chưa có ai thưa kiện hay cự cãi về việc này" - ông Ba chia sẻ.
Còn bất cập, vướng mắc
Dù vậy, quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW tại các địa phương bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần khắc phục. Ông Nguyễn Hoàng Ba chỉ rõ trong việc thực hiện đề án sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, giữa các quy định của Đảng và các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ...
Còn theo ông Bạch Chơn Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa thể triển khai việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Nguyên nhân là đến nay Chính phủ chưa ban hành nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5-5-2014 quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đã có Công văn số 5954/BNV-TCBC ngày 15-12-2018 về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó yêu cầu tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Sở Nội vụ TP Hà Nội cũng cho rằng quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế bộc lộ những bất cập, khó khăn do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu chưa tin tưởng vào việc sắp xếp, ngại thay đổi.
Bộ Nội vụ đánh giá việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương thực hiện thí điểm chưa được đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, cơ cấu lãnh đạo cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện ở một số địa phương còn chưa hợp lý, tổ chức bộ máy chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Hà Nội đề xuất tăng 2.692 biên chế giáo viên
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình, báo cáo HĐND TP xem xét về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP năm 2020.
Cụ thể, đối với biên chế hành chính là 9.479 biên chế, trong đó biên chế công chức là 8.042 biên chế, giảm 185 biên chế so với năm 2019; biên chế sự nghiệp là 142.564 biên chế, trong đó biên chế viên chức là 122.765 biên chế (dự phòng: 2.793 biên chế), giảm 1.000 biên chế so với năm 2019.
Về điều tiết biên chế, UBND TP báo cáo HĐND TP xem xét giảm 3.721 biên chế hưởng lương ngân sách do chuyển 19 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ chi thường xuyên và giảm 51 biên chế tại đơn vị sự nghiệp khác (theo tỉ lệ giảm 2%); tăng 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5-11-2014 của Bộ Nội vụ và một phần dự phòng phát sinh năm 2020. Tạm thời sẽ đưa vào quỹ dự phòng biên chế và sẽ phân bổ cho các trường trên cơ sở định mức và kết quả thực tế tuyển dụng đối với các giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách còn tiếp tục phải giải quyết.
Bình luận (0)