Trong chuyến hành trình của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đi thực hiện nhiệm vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trên con tàu CSB 8004, Song Tử Tây là điểm đến đầu tiên của chúng tôi sau quãng đường 750 hải lý. Lúc đoàn chúng tôi đặt chân lên đảo, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân cũng đã đưa 4 ông bố, 4 bà mẹ và 17 người vợ từ đất liền ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đây.
Vợ chồng anh Đỗ Đại Hiếu - chị BùiThị Nhung
Hạnh phúc đong đầy
Sẽ có 9 ngày để những gia đình chiến sĩ được ở bên nhau. Khó có thể nói hết niềm xúc cảm của những ông bố, những bà mẹ, những người vợ được ra tận nơi, tận mắt chứng kiến người thân đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.
Cặp đôi đầu tiên mà tôi gặp là thượng úy Đỗ Đại Hiếu và chị Bùi Thị Nhung. Hai vợ chồng ngồi bên nhau mân mê hai con ốc biển bé xíu dưới gốc bàng vuông. Anh Hiếu bảo anh sẽ gửi hai con ốc bé xíu này để vợ đem về đất liền tặng cho hai con.
Anh chị quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Thượng úy Hiếu là quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên kỹ thuật của đảo Song Tử Tây. Còn chị Nhung là giáo viên Trường Tiểu học và THCS căn cứ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Được ra đảo thăm chồng, hiểu rõ hơn công việc của người chiến sĩ, chị càng thương chồng nhiều hơn. Chị thủ thỉ vào tai chồng: "Mong anh cố gắng, an tâm công tác. Em sẽ chu toàn việc nhà, dạy bảo con, làm hậu phương vững chắc cho anh".
Ánh mắt thượng úy Hiếu sáng lên niềm hạnh phúc. Anh ấp úng: "Tôi cảm thấy rất vui, phấn khởi... Xin cảm ơn thủ trưởng các cấp đã tạo điều kiện cho tôi được gặp vợ và những người thân của anh em trên đảo Song Tử Tây này".
Cách chỗ vợ chồng anh Hiếu vài chục bước chân, có một phụ nữ ngồi một mình, dõi theo những đợt sóng vỗ. Đó là chị Đặng Thị Thanh Hương, công tác tại Bệnh xá Lữ đoàn 101 - Vùng 4 Hải quân. Lần này chị ra thăm chồng là anh Phạm Quốc Hùng, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 đảo Song Tử Tây. Chị ngồi một mình vì anh Hùng đang bận thực thi nhiệm vụ. Chị Hương bộc bạch: "Em cũng là một quân nhân nhưng vì chỉ ở trong đất liền nên không thể tưởng tượng hết được cuộc sống, sinh hoạt, học tập của chồng như thế nào. Ra tận đây mới biết cuộc sống ngoài này khó khăn hơn so với đất liền rất nhiều. Càng nghĩ càng yêu quý chồng hơn. Đã một năm vợ chồng em phải xa nhau".
Vợ chồng trung tá Đậu Đình Dân bên cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây
Quyết chí vì chủ quyền
Có lẽ ấn tượng nhất trong số những cặp đôi mà tôi gặp trên đảo là vợ chồng trung tá Đậu Đình Dân - Đảo trưởng đảo Song Tử Tây. Anh Dân quê ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; còn vợ anh, chị Trần Thị Cường, ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2000, chị theo chồng vào TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa lập nghiệp, hiện là giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự (TP Cam Ranh). Tháng 7-2017, trung tá Dân ra nhận công tác tại đảo Song Tử Tây.
Khi biết tin mình có tên trong đoàn thăm thân đi Trường Sa, hầu như đêm nào chị Cường cũng không ngủ tròn giấc, bởi chị rất nhớ, từng giờ từng phút mong được gặp anh. Chị chia sẻ: "Mỗi người vợ khi nhìn thấy chồng mình ở đây, nước mắt cứ tuôn trào. Cảm xúc khó tả lắm! Nó dồn nén bao nhiêu ngày, cứ như muốn vỡ òa. Biển càng rộng, tình yêu anh càng đong đầy. Đây có lẽ là chuyến công tác đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi".
Chuyến đưa người thân ra đảo thăm cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Hải quân mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. 25 gia đình được gặp nhau, được ở bên nhau giữa biển đảo Trường Sa thân yêu của đất nước đã đem đến biết bao niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. Chỉ vỏn vẹn có 9 ngày được ở bên nhau nhưng những gì mà những người thân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã bù đắp cho nhau cũng phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhung, giúp người lính thêm chắc tay súng bảo vệ biển, đảo quê hương.
Nắm chặt tay vợ, trung tá Đậu Đình Dân nhắn nhủ đầy chất lính: "Anh hứa cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết chí trung thành bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc!".
Tình mẫu tử giữa trùng khơi
Trung sĩ Nguyễn Vũ Tuấn Huy đưa mẹ tham quan đảo Song Tử Tây
Trong 25 gia đình được trùng phùng có người mẹ Nguyễn Thị Hiên và con là trung sĩ Nguyễn Vũ Tuấn Huy - chiến sĩ nghĩa vụ của đảo Song Tử Tây. Chị Hiên có chồng là đại úy Nguyễn Văn Bắc - quân nhân chuyên nghiệp của Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Gặp được mẹ, chàng trung sĩ trẻ mừng như trẻ lên ba. Còn chị Hiên nửa năm xa con trai và chồng cũng thường xuyên phải xa nhà làm nhiệm vụ trên biển, trong lòng luôn chất chứa nhớ nhung. "Nhưng mình vừa là vợ bộ đội vừa là mẹ bộ đội nên dẫu khó khăn thế nào cũng cố gắng vượt qua. Chỉ mong con công tác tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".
Bình luận (0)