Trong khi đó, một phụ nữ ở xã Phú Sơn của huyện này thì bỏ thuốc trừ sâu vào bịch ni-lông rồi treo lên để thuốc ngấm dần vào gốc, cây sẽ chết dần mòn. Người này cũng bị bắt quả tang đang sát hại cây tại hiện trường vào ngày 29-5 vừa qua.
Những kẻ trên đã bức hại rừng thông bằng tác động lên cây bằng sức người và bằng chất độc. Họ bức hại rừng thông để lấy gỗ, để bao chiếm đất… Tất cả cũng chỉ vì tiền, ham hố làm giàu bất chính bằng cách phạm pháp. Hầu hết những vụ bức hại rừng thông đều có tổ chức, băng nhóm. Trong vụ phá rừng thông ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, kẻ chủ mưu, cầm đầu là Bạch Đình Kế (ngụ xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) đã bỏ trốn.
Những năm qua, cùng với hàng trăm ngàn hecta rừng cả nước, hàng trăm cánh rừng thông đặc dụng ở các tỉnh Tây Nguyên bị đốn hạ, bức hại. Ở Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, nhiều cánh rừng thông biến mất. Có những cánh rừng ngay trong vùng dân cư đông đúc, gần sát trụ sở cơ quan chức năng địa phương nhưng không ai hay biết, chỉ khi rừng trơ trụi thì cũng là sự đã rồi.
Rừng mất, nhưng kẻ phá rừng, kẻ giàu lên từ rừng thì vẫn nhởn nhơ. Thỉnh thoảng, cơ quan hữu trách một số địa phương có phát hiện một vài vụ nhỏ lẻ và xử phạt không nghiêm nên lâm tặc xem thường, lờn mặt.
Rừng là tài nguyên quý giá của quốc gia. Lợi ích của rừng với đời sống, môi trường bền vững thì nhân loại ngày càng thấu hiểu và thấm thía tác hại lớn lao phủ lên đời sống con người khi mất đi những cánh rừng. Biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần lên, nước biển dâng cũng một phần từ nạn phá rừng. Ở nước ta, những trận lũ kinh hoàng cướp đi sinh mạng hàng trăm người, cuốn trôi bao hoa màu nhà cửa, bao gia đình lâm cảnh khốn cùng vì nạn phá rừng đem lại. Thành phố hoa Đà Lạt, nơi mệnh danh là "máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ" của Việt Nam vì quanh năm mát mẻ, thì nay nhiệt độ đã tăng lên, nhà hàng khách sạn đã phải dùng đến máy lạnh. Xung quanh Đà Lạt, nhiều vùng đồi không còn bóng thông, nham nhở và đỏ quạch màu đất, trắng toát màu nhà kính. Nạn phá rừng đã lấy đi quá nhiều thứ trên đất nước ta, đánh đổi bằng cái giá quá đắt, hậu quả khủng khiếp và rừng vẫn tiếp tục chảy máu…
"Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt". Cha ông ta đã đúc kết như thế để xác định thái độ ứng xử đúng mực với rừng; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển rừng hàng ngàn năm qua. Người dân hôm nay cũng nói rằng những kẻ bức tử rừng trước sau cũng bị quả báo, cách này hay cách khác.
Phá rừng là tội ác, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bộ Luật Hình sự đã quy định rõ về tội hủy hoại rừng với các mức xử lý tương ứng với tính chất, hành vi phạm tội. Với những kẻ hủy hoại rừng có tổ chức và tái phạm, gây thiệt hại lớn là những tình tiết tăng nặng, cần xử thật nghiêm. Có như vậy mới đủ sức răn đe kẻ khác không dám phá hoại rừng, không để mất rừng thêm nữa.
Bình luận (0)