xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tôn tạo tháp Bánh Ít ở Bình Định: Giám đốc sở ký nhiều văn bản "lạ"

Đức Anh

(NLĐO) – Liên quan đến vụ việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít khiến dư luận bức xúc vì có dấu hiệu xâm hại di tích cấp quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Bình Định Tạ Xuân Chánh đã ký 2 văn bản “lạ” và đều bị "tuýt còi"


Tôn tạo tháp Bánh Ít ở Bình Định: Giám đốc sở ký nhiều văn bản lạ - Ảnh 1.

Đơn vị thi công đưa máy đào vào trong di tích tháp Bánh Ít để đào múc đất cạnh các tháp

Cụ thể, ngày 7-3, Giám đốc Sở VH-TT Tạ Xuân Chánh đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định về việc tạm dừng để thi công, sửa chữa, chỉnh trang cơ sở hạ tầng cảnh quan tại di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) từ ngày 5-3 đến 5-4. Lý do: lượng khách tham quan khá đông nên tạm dừng thi công để bảo đảm an toàn.

Dư luận cho rằng Sở VH-TT xin ý kiến UBND tỉnh Bình Định theo kiểu "tiền trảm hậu tấu". Cụ thể, văn bản được ông Tạ Xuân Chánh ký ngày 7-3 nhưng lại xin tạm thời dừng đón khách từ ngày 5-3. Và cũng từ ngày này, tháp Bánh Ít đã chính thức tạm thời dừng đón khách.

Nguồn tin của phóng viên cho biết do văn bản của Sở VH-TT được trình theo kiểu "tiền trảm hậu tấu" nên sau đó UBND tỉnh Bình Định không phản hồi.

Đến ngày 18-3, Giám đốc Sở VH-TT Bình Định Tạ Xuân Chánh tiếp tục ký văn bản yêu cầu Giám đốc Bảo tàng tỉnh này khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cán bộ, viên chức tại đơn vị cung cấp thông tin, hình ảnh, video cho báo chí xung quanh việc xây dựng, tu bổ và tôn tạo các hạng mục tại di tích tháp Bánh Ít.

Tôn tạo tháp Bánh Ít ở Bình Định: Giám đốc sở ký nhiều văn bản lạ - Ảnh 2.

Văn bản của Giám đốc Sở VH-TT Bình Định về việc “truy” người cung cấp thông tin tôn tạo tháp Bánh Ít cho báo chí

Theo đó, ông Chánh yêu cầu xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không đúng quy định và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 21-3. Cũng trong văn bản trên, ông Chánh cho rằng dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt dự án đầu tư; Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản Văn hóa đã thỏa thuận, thẩm định.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án tại tháp Bánh Ít , báo chí, dư luận và các trang mạng có một số phản ánh trái chiều, không mang tính chất xây dựng. Sau đó, mặc dù đã tạm dừng các hạng mục chỉnh trang trên sân tại cụm tháp Bánh Ít nhưng một số báo, trang mạng và dư luận vẫn còn thông tin trái chiều, làm nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn cho việc tiếp tục tổ chức thực hiện các hạng mục tại di tích theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định.

Trước nội dung "kỳ lạ" của văn bản trên, chiều 21-3, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã chỉ đạo Giám đốc Sở VH-TT thu hồi. Theo ông Giang, sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tiếp thu ý kiến và cho dừng thi công các hạng mục liên quan trực tiếp đến việc bảo tồn di tích tháp Bánh Ít. UBND tỉnh cũng giao Sở VH-TT mời Cục Di sản văn hóa  vào để bàn biện pháp tổ chức triển khai thực hiện dự án cho phù hợp.

"Tôi thấy văn bản của Sở VH-TT là không ổn! Việc đó chưa có một kết luận cụ thể thì không thể nói như vậy. Còn việc có dư luận trái chiều là bình thường" - ông Giang nói.

Tôn tạo tháp Bánh Ít ở Bình Định: Giám đốc sở ký nhiều văn bản lạ - Ảnh 3.

Hiện trường xây dựng, tu bổ, tôn tạo các hạng mục tại di tích tháp Bánh Ít

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của ông Lâm Hải Giang, chiều tối cùng ngày, Sở VH-TT Bình Định đã "thu hồi" văn bản nói trên. Tuy nhiên, việc "thu hồi" này được thực hiện theo kiểu "rút văn bản" trên hệ thống điện tử chứ chưa có văn bản chính thức. Nói về nguyên nhân thu hồi văn bản, ông Tạ Xuân Chánh cho rằng là do "anh em soạn thảo câu chữ chưa rõ ràng dẫn đến hiểu nhầm".

Cụm di tích tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 1982. Cụm tháp Chăm ngàn năm tuổi này được đưa vào tập sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh. Mỗi năm, tháp Bánh Ít thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, du lịch.

Trước tình hình di tích tháp Bánh Ít xuống cấp, tháng 9-2021, UBND tỉnh Bình Định có chủ trương tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Công trình do Sở VH-TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với tổng vốn 25,6 tỉ đồng.

Ngày 27-10-2021, Bộ VH-TT-DL có văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Đến tháng 12-2021, công trình được chính thức khởi công xây dựng cho đến nay.

Thời gian gần đây, các nhà thầu đã đưa máy múc vào vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di tích tháp Bánh Ít để thi công, dùng gạch không nung rồi quét màu để xây bồn hoa xung quanh di tích. Nhiều khu vực bị đào bới san gạt, không có chuyên gia văn hóa giám sát. Đơn vị thi công còn đào hố móng, đổ bê tông xây dựng công trình bên trong khu di tích... Vụ việc đã khiến nhiều chuyên gia, người dân bức xúc.

TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho rằng việc đưa máy đào vào bên trong di tích tháp Bánh Ít để đào múc đất cạnh các tháp là sai. Theo quy định của Luật Di sản, đó là khu vực bất khả xâm phạm, chỉ được làm thủ công mà thôi. Theo ông Hoà, du khách tới đây là để ngắm tháp cổ, ngắm không gian tự nhiên từ xa xưa ông bà để lại, chứ không phải để ngắm hoa hòe trồng dưới chân tháp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo