Sau 2 năm tạm hoãn do dịch Covid-19, sáng 13-4, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND TP Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2022 với chủ đề "Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn".
Đến dự lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà báo lão thành và đông đảo người làm báo, công chúng báo chí cả nước.
Ngày hội lớn của báo chí
Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết Hội Báo toàn quốc năm 2022 được tổ chức trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là ngày hội lớn của giới báo chí và công chúng báo chí cả nước; là hoạt động thiết thực của giới báo chí trong việc tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, mừng thành tựu của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới và các sự kiện lớn trong năm 2022 như: Kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam; 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và tiếp tục thực hiện chương trình hoạt động toàn khóa Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng (thứ 2 từ trái sang) tham quan các sản phẩm báo in của Báo Người Lao Động. Ảnh: HỮU HƯNG
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Báo toàn quốc năm nay nhằm tôn vinh những thành tựu to lớn của báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn liền với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước; tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân; góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống xã hội nói chung. Đây cũng là dịp biểu dương, động viên những đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào sự nghiệp báo chí cách mạng của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá những thành tựu mà đất nước đạt được trong thời gian qua, trước hết là sức mạnh tổng hợp và khát vọng cả dân tộc ta, trong đó có sự đồng hành của công tác tuyên truyền nói chung và công tác báo chí của nước nhà. Đội ngũ những người làm báo và cơ quan báo chí đã chủ động, hiệu quả, linh hoạt, bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan các hoạt động của nhân dân ta và cả hệ thống chính trị, góp phần rất quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo động lực trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước qua những thành tựu, những kết quả phòng chống dịch bệnh, phục hồi - phát triển kinh tế và những kết quả bước đầu rất quan trọng mà nhân dân ta đã đạt được trong thời gian vừa qua.
"97 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chăm lo, dìu dắt của Bác Hồ kính yêu, sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, trong mỗi bước đi của Đảng, báo chí luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Trong những thành tựu chung của báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò rất quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Muốn tồn tại phải chuyển đổi số
Tại lễ khai mạc, khu trưng bày của Hội Nhà báo TP HCM, trong đó có sản phẩm báo in của Báo Người Lao Động thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công chúng báo chí.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đã xem sản phẩm báo in của Báo Người Lao Động phục vụ bạn đọc tại hội báo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi xem báo in Báo Người Lao Động đã hỏi về quá trình triển khai chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM - cho biết đến nay Báo Người Lao Động đã trao và ký kết trao được gần 700.000 lá cờ Tổ quốc cho đồng bào các tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ hưu trí ở Hà Nội, nhận xét: “Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” của báo thực hiện vô cùng ý nghĩa”
Cầm tờ Báo Người Lao Động trên tay, ông Nguyễn Văn Tuấn - cán bộ hưu trí ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - cho biết ông thường xuyên đọc tin tức trên Báo Người Lao Động điện tử. "Những thông tin được báo phản ánh rất chính xác, nhanh. Đặc biệt qua theo dõi, tôi thấy chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của báo thực hiện vô cùng ý nghĩa" - ông Tuấn nói.
Trao đổi bên lề hội báo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết báo chí đang trong quá trình chuyển đổi số chung với nỗ lực chuyển đổi số của toàn quốc và không có cách nào khác là phải đi theo con đường chuyển đổi số và số hóa nội dung. "Báo chí muốn giữ chân độc giả, khán thính giả, muốn tồn tại và tạo nguồn thu mới để nuôi sống chính mình thì phải chuyển đổi số" - ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
"Đặt hàng" các cơ quan báo chí
Trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng chuyển đổi số là nhu cầu thực tế và cấp bách. Báo chí không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, để làm được điều này, không chỉ tự thân các cơ quan báo chí mà cần có sự hỗ trợ của nhà nước cũng như các tổ chức khác - trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam. Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tập trung tổ chức các lớp học, mở các diễn đàn, hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số.
Nói về hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế báo chí, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết có thể Hội Nhà báo Việt Nam sẽ mời các diễn giả, những người có trách nhiệm tham gia rồi mở các lớp học hoặc các buổi tọa đàm về vấn đề này. "Hội cũng sẽ có góp ý, tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách của Đảng, Nhà nước đối với báo chí, trong đó có vấn đề tạo nguồn thu, kinh tế báo chí, chẳng hạn như vấn đề đặt hàng các cơ quan báo chí" - ông Nguyễn Đức Lợi nói.
Nhiều hoạt động phong phú
Hội Báo toàn quốc năm 2022 diễn ra trong 3 ngày (từ 13 đến 15-4) có nhiều hoạt động phong phú với các gian trưng bày của các cơ quan báo chí trung ương, bộ, ngành, địa phương. Hội báo trưng bày các loại ấn phẩm, gồm báo Tết dương lịch 2022, báo Tết Nhâm Dần, các chương trình phát thanh, truyền hình Tết đặc sắc, giao diện báo điện tử đẹp; biểu dương những thành quả lao động xuất sắc của những người làm báo cả nước. Đặc biệt, những điểm nhấn làm nên nét đặc sắc cho hội báo năm nay gồm: Lễ trưng bày "100 năm Báo Le Paria" (Người cùng khổ); Triển lãm ảnh báo chí "Những nẻo đường xuân"; Diễn đàn "Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số"; tọa đàm "Chuyện nghề: Hai chữ nhân văn"...
Bình luận (0)