Sáng 19-11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận: Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng, theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 56 điểm cầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Đống Đa. Ảnh: TTXVN
Sau khi nghe thông báo những kết quả chính của Kỳ họp thứ 4 và công tác giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp, đông đảo cử tri trên địa bàn 3 quận đã phát biểu bày tỏ phấn khởi trước những kết quả to lớn, toàn diện mà Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2022, đồng thuận rất cao với chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng: phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, tập trung của Đảng và nhà nước; hành động kiên quyết, với quyết tâm chính trị cao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục theo dõi, đôn đốc giải quyết rốt ráo các vụ án, vụ việc; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả rõ nét không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng, không nghỉ, rõ đến đâu, xử lý nghiêm minh đến đó, đúng như chỉ đạo mới nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, tại phiên họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực vừa diễn ra ngày hôm qua 18-11.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa. Ảnh: TTXVN
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành trung ương sớm đề ra những giải pháp nhằm ngăn chặn xử lý thu hồi tài sản tham nhũng, giải pháp khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
Cử tri cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành trung ương quan tâm chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực ngân hàng, đầu tư nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp…
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết, xác đáng của đông đảo các cử tri trên địa bàn, khẳng định tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã bàn luận nhiều vấn đề lớn, khó, phức tạp, với nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận rất sôi nổi, trí tuệ tinh thần chung là vì đất nước, vì nhân dân.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho biết hiện nay không chỉ có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà 100% các tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Tổng Bí thư cũng nhắc lại quan điểm ai trong Ban chỉ đạo mà tham nhũng thì "xử lý trước" và cán bộ tham gia vào Ban Chỉ đạo mà tham nhũng là không được, dứt khoát phải gương mẫu, giữ gìn.
Cử tri kiến nghị tới đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: VOV
Theo Tổng Bí thư, nếu không quyết tâm chống cho được tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, suy thoái cán bộ thì đến lúc nào đó coi chừng ảnh hưởng tới chế độ. Do đó phải giữ được phẩm chất, tư cách, đạo đức, lối sống trong sạch và giữ cho được kỷ luật, kỷ cương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết vừa qua đã "bắt một loạt vụ tưởng như không làm được" và trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo hôm qua (18-11) có thống kê bao nhiêu vụ làm và sắp tới sẽ làm vụ nào. "Kể tên từng vụ, không có gì bí mật và khối anh sợ", Tổng Bí thư nói và cho rằng không thể không làm vì đã rõ quá, đồng thời việc này trở thành xu thế, phong trào, là niềm tin của dân, đòi hỏi của cuộc sống.
Tổng Bí thư cũng nhắc lại việc Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ nào có sai phạm tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng sẽ được miễn giảm, xử nhẹ hơn và điều này rất nhân văn.
"Không phải xử nặng mới là tốt, không phải cách hết chức vụ mới là tốt" - Tổng Bí thư nói và đề cập lại việc 3 ủy viên trung ương tự giác xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương sau khi bị kỷ luật. Nếu cán bộ nào ngoan cố phải xử và hiện nay đang làm một số vụ.
"Đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính chúng ta, trong mỗi con người. Do vậy phải làm kiên trì, làm bền bỉ, phương pháp đúng, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng. Chúng ta khuyến khích ai đã trót "nhúng chàm' rồi thì rửa tay đi" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại có vụ khi xảy ra thì có người trốn đi nước ngoài. Nhưng trốn đi nước ngoài thì thực hiện các biện pháp để bắt về nước rồi xử lý. Trường hợp thực hiện các biện pháp mà không có kết quả thì xử vắng mặt.
"Luật pháp của chúng ta cho phép xử vắng mặt, trốn cũng không được, trốn đi vẫn có quyền xử vắng mặt, tuyên bố công khai. Phải phòng, chống tham nhũng quyết liệt, nếu không hư hỏng bộ máy, làm mất chế độ" - Tổng Bí thư nói.
Bình luận (0)