Tôi có may mắn được giúp việc cho đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười từ giữa những năm 1980.
Gần gũi, bình dị
Đến khi được gặp và làm việc với đồng chí thì cảm tưởng đầu tiên của tôi đây là một con người lãnh đạo nhiệt huyết rất cao, hết lòng hết sức vì công việc của đất nước.
Lúc đó, tôi đang công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (cũ), là người đứng thứ hai của sứ quán. Một lần, đại sứ đi vắng, tôi coi như là người đứng đầu thì được điện của đồng chí Đỗ Mười gọi sang, yêu cầu vận động bạn cung cấp lúa về đất nước vì lúc bấy giờ nhân dân ta rất khó khăn, thậm chí là đói. Ngay hôm sau, đồng chí đã gọi điện hỏi: "Tình hình đến đâu rồi? Ra làm sao? Như thế nào?".
Nhưng việc như vậy đâu đơn giản, gom mấy chục vạn tấn lúa mì đâu có thể liền một lúc mà có được. Điều đó thì mãi về sau, được làm việc với đồng chí, tôi càng hiểu là đồng chí việc gì cũng rất năng nổ, tâm huyết để giải quyết cho bằng được những vấn đề của đất nước. Cộng với năng lực tổ chức, đồng chí Đỗ Mười đã được giao nhiệm vụ đứng đầu những công việc, những công trình lớn của đất nước như xây Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, lúc đấy đồng chí đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Hay công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo, chúng tôi đã được chứng kiến sự năng động của đồng chí như thế nào.
Đồng chí Đỗ Mười rất chịu học, đọc sách nhiều lắm. Ông cũng là người rất gần gũi, bình dị. Chúng tôi khi đó còn là cán bộ trẻ nên nhiều khi ngại vì đồng chí ở cương vị cao, lại là thế hệ tiền bối, nhưng đồng chí không bao giờ xa cách. Mình có ý kiến hoặc thậm chí cãi lại, đồng chí cũng không nổi đóa mà sẵn sàng lắng nghe.
Làm việc với đồng chí Đỗ Mười rất mệt, rất căng thẳng vì đồng chí sát việc, yêu cầu cao. Anh em cấp dưới chúng tôi phải hết lòng hết sức để giải quyết công việc. Cho nên, đó là tấm gương và là động lực để chúng tôi phấn đấu. Chúng tôi phải nói là may mắn được phục vụ các đồng chí thế hệ lãnh đạo đầu tiên của đất nước (sau năm 1975), trong đó có đồng chí Đỗ Mười, những kỷ niệm ấy cũng là những bài học cho các thế hệ cán bộ lãnh đạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở ngôi nhà gắn liền với tuổi thơ của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, rạp đã được dựng để phục vụ người dân đến thắp hương. Ảnh: HUY THANH
Nêu cao ý chí tự cường
Ấn tượng sâu sắc mà đồng chí Đỗ Mười để lại trong tôi là luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996), trong khi thảo luận để xây dựng văn kiện thì có luồng ý kiến cho rằng đất nước ta nên học tập kinh nghiệm của các con rồng, con hổ của châu Á, phải hướng mạnh ra xuất khẩu.
Lúc đó, đồng chí Đỗ Mười không phản đối nhưng nhấn mạnh ngoại lực là quan trọng song nội lực mới quan trọng nhất. Do đó, đồng chí kiên quyết đưa vào văn kiện đại hội ý tưởng đó, nêu cao tinh thần tự lực để phát triển các ngành kinh tế mà nước ta có khả năng, có hiệu quả. Nhưng đồng chí cũng chỉ đạo chúng tôi, những người làm ngoại giao, là tìm mọi cách đẩy lùi chính sách bao vây cô lập của nước ngoài. Bản thân đồng chí cũng tham gia vào hoạt động này.
Khi đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Tổng Bí thư, đồng chí đã tự đổi mới rất nhiều. Người khởi đầu đổi mới là đồng chí Trường Chinh, người đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, bắt đầu triển khai đổi mới là đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhưng toàn bộ sự nghiệp đổi mới ở giai đoạn đó và sau này nở hoa kết trái vào những năm 1990 là đồng chí Đỗ Mười trực tiếp chỉ đạo. Những năm 1990, kinh tế Việt Nam phát triển bùng phát, tốc độ tăng trưởng 7%-8%/năm, có lúc 9%/năm. Cho nên, đó cũng là đóng góp quan trọng của đồng chí Đỗ Mười.
Thời điểm Liên Xô sụp đổ là một thử thách rất lớn đối với Đảng ta, với nước ta. Tôi còn nhớ lúc đó, khoảng 18 giờ, đồng chí triệu tập ngay cuộc họp, tôi đại diện cho ngành ngoại giao. Đồng chí nói: "Trong kho hết cả rồi, xăng dầu sắt thép không còn. Giờ làm thế nào? Phải tìm mọi cách cho đất nước khỏi khó khăn đi".
Lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Đỗ Mười, có 2 điều may mắn: Thứ nhất là chúng ta bình tĩnh, tỉnh táo để phân tích tình hình. Trong đó có phân tích rất tỉnh táo, khoa học tại sao Liên Xô sụp đổ và rút ra bài học gì? Thứ hai, đồng chí Đỗ Mười và các đồng chí lãnh đạo chọn con đường ta đi là đổi mới nhưng kiên trì mấy việc. Cụ thể là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giữ con đường chủ nghĩa xã hội nhưng phải đổi mới. Chính quan điểm chỉ đạo đó đã giúp Đảng ta, nhân dân ta vượt qua bước ngoặt, không co lại mà mở rộng ra, đẩy lùi được chính sách bao vây cấm vận và tạo xung lực cho phát triển đất nước. Đấy là một công lớn.
Lịch sử phải ghi nhận
Đồng chí Đỗ Mười nhận chức Tổng Bí thư năm 1991, đó là lần đầu tiên Đảng ta thông qua cương lĩnh thời kỳ quá độ lên nghĩa xã hội. Đó chính là nền tảng cho đường lối của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, có công rất lớn của đồng chí Đỗ Mười mà lịch sử phải ghi nhận. Năm 1995, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, gia nhập hay không gia nhập ASEAN là một câu hỏi. Giờ nói thì dễ, là điều đương nhiên nhưng lúc đó là điều không hề dễ dàng.
Trang Hoàng - Yến Anh ghi
Bình luận (0)