ĐBQH LÊ THANH VÂN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Vấn đề rất bình thường
Thực ra, quan điểm về Đảng lãnh đạo hay là Đảng cầm quyền, lâu nay chúng ta hiểu chưa nhất quán. Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng trực tiếp nắm quyền nhà nước. Ở các nước phương tây, đây là chuyện hết sức bình thường. Thủ lĩnh đảng ấy khi đã giành được tín nhiệm trong đảng thì được đảng đó giới thiệu ra ứng cử chức danh nhà nước để cầm quyền.
ĐBQH Lê Thanh Vân
Có ý kiến cho rằng việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước phải được quy định trong Hiến pháp. Tôi cho rằng không cần thiết vì trong Hiến pháp hiện hành đã có điều 4 quy định Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vấn đề ở đây là lãnh đạo bằng nhiều phương thức. Một là cử người ra ứng cử giữ các chức vụ nhà nước; hai là bằng cương lĩnh, đường lối lãnh đạo; ba là kiểm tra đảng viên của mình giữ các trọng trách trong nhà nước. Vì vậy, một trong những phương thức lãnh đạo là Đảng cử nhân sự của mình ra ứng cử các chức vụ lãnh đạo nhà nước, là vấn đề bình thường. Chỉ có điều, ở những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, cụ thể, Đảng mới cử người của mình ở cấp độ nào ra giữ trọng trách bên nhà nước.
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM:
Tăng hiệu quả của hệ thống chính trị
Tôi tán thành việc BCH Trung ương đề cử Tổng Bí thư Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Đây là một nhu cầu của hệ thống chính trị hiện nay của chúng ta.
ĐBQH - luật sư Trương Trọng Nghĩa
Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước phải hướng đến và nhằm đạt được một số yêu cầu: Tăng được hiệu lực của hệ thống chính trị; tăng hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý và giúp cho việc giám sát và kiểm soát quyền lực được tốt hơn. Ngoài ra, nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ: phải làm sao cho các cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất kiểm soát lẫn nhau và được giám sát thực chất bởi chủ thể của quyền lực là nhân dân. Trong tình hình cụ thể của nước ta hiện nay, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là một chủ trương, quyết sách đúng đắn và cấp bách.
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:
Thuận lợi cho công tác đối nội, đối ngoại
Việc thực hiện Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước là cần thiết vào thời điểm hiện nay. Hầu hết các đảng chính trị cầm quyền trên thế giới, người đứng đầu Đảng sẽ đồng thời đứng đầu nhà nước như Trung Quốc, Cuba, Lào…
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc
Ở nước ta, khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng tập trung hơn, thống nhất hơn; vẫn bảo đảm cho vận hành của nhà nước có hiệu lực, hiệu quả, công tác đối nội, đối ngoại sẽ rất thuận lợi. Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là cần thiết vì mục tiêu xây dựng một chế độ của dân, vì dân.
Tốt hơn cho Đảng, cho nhà nước
Một nguyên cán bộ lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương bày tỏ quan điểm: "Tôi ủng hộ việc BCH Trung ương đề cử Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước. Đây là xu hướng chung của thế giới, nhiều nước đã tiến hành. Việc này sẽ làm Đảng mạnh hơn, tốt hơn cho Đảng và cho nhà nước mình. Vấn đề này đã được đem ra bàn luận mười mấy năm nay rồi, bây giờ là thời điểm chín muồi để thực hiện".
Bình luận (0)