Đây là điều tra theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ, được triển khai 5 năm 1 lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành thống kê.
Bộ KH-ĐT cho biết mục đích của cuộc tổng điều tra để đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất - kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.
Bên cạnh đó, kết quả tổng điều tra là một trong những cơ sở quan trọng để biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành trực thuộc trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê. Đồng thời, tổng điều tra nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; xây dựng dàn mẫu chủ về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 1-3 đến 30-5 sẽ tiến hành thu thập thông tin các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp (DN); các chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp; tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam; cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên. Từ ngày 1-7 đến 30-7, tiến hành thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất - kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Dự kiến kết quả sơ bộ tổng điều tra sẽ công bố vào tháng 12-2021 và kết quả chính thức công bố vào quý II/2022.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế trung ương, nhấn mạnh đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau. "Việc đổi mới theo hướng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, cải tiến về nội dung, quy trình, cách thức triển khai là rất cần thiết vừa nhằm bảo đảm chất lượng nguồn thông tin vừa giảm kinh phí thực hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.
Là cơ quan trực tiếp triển khai cuộc tổng điều tra, Tổng cục Thống kê cho biết nội dung điều tra tập trung vào các nhóm thông tin: nhận dạng đơn vị điều tra; lao động và thu nhập của người lao động; kết quả và chi phí sản xuất - kinh doanh; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên sâu về đơn vị điều tra. Về phương pháp thu thập thông tin, các DN và hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, thực hiện cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Đối với hộ sản xuất - kinh doanh cá thể và đơn vị tôn giáo, tín ngưỡng, điều tra viên đến từng đơn vị phỏng vấn trực tiếp, kết hợp quan sát để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động.
Đối với khối DN, Tổng cục Thống kê cho biết điểm mới của cuộc tổng điều tra năm nay là thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tuyến, thay vì bằng bảng hỏi giấy như trước. Mỗi DN được cấp một tên đăng nhập và mật khẩu vào trang web https://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn để tự điền thông tin vào bảng hỏi. Trong trường hợp DN không có đủ điều kiện để điền thông tin trực tuyến, điều tra viên sẽ hướng dẫn DN điền thông tin vào phiếu giấy và gửi phiếu có dấu hoặc chữ ký số xác nhận cho điều tra viên.
Bình luận (0)