Ngày 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC. Hội nghị kết nối trực tuyến tới tất cả các địa phương trên cả nước.
Địa bàn cháy chủ yếu thành thị
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước trên 7.000 tỉ đồng và trên 7.500 ha rừng; 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại nhiều tỉ đồng.
Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị, khoảng trên 60%. Nguyên nhân là do sự cố về hệ thống, thiết bị điện, chiếm khoảng 45%. Qua tổng kiểm tra an toàn PCCC, CNCH đã phát hiện trên 1,1 triệu tồn tại, thiếu sót; xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỉ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp.
Bộ Công an đề nghị UBND các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC, kiên quyết thu hồi giấy phép, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC; xử lý nghiêm, kể cả pháp luật hình sự đối với các cơ sở kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về PCCC, cố tình hoạt động để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết sắp tới TP HCM sẽ tách đội CNCH khỏi PCCC và triển khai PCCC cho các công trình ngầm, metro. Ông Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả PCCC trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy; tăng cường xe, thang và các phương tiện CNCH khác.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết Hà Nội đã sớm hoàn thành tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; xử lý nghiêm các vi phạm. Giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm. Hiện Hà Nội có trên 1.400 quán bar, vũ trường đang hoạt động. Toàn thành phố đã đình chỉ 326 trường hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh báo cáo ngay sau vụ cháy quán karaoke vừa qua, lực lượng công an đã kiểm tra 85% cơ sở karaoke trên địa bàn (cả tỉnh có 231 cơ sở), phạt hành chính 118 trường hợp, đình chỉ hoạt động 24 cơ sở và tiếp tục thực hiện kiểm tra 15% cơ sở còn lại. Bình Dương kiến nghị ngành công an tiếp tục quan tâm để bảo đảm thiết bị CNCH chuyên dụng, đặc biệt thiết bị tháo dỡ công trình, khoan cắt bê-tông trong thời gian ngắn. Công tác thẩm định PCCC, đặc biệt đối với các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar… cần hết sức chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm đối các trường hợp cơi nới sai.
Chưa quản lý được thợ hàn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nêu thực tế hành vi sử dụng thiết bị điện, chất lượng thiết bị và chất lượng thi công các hệ thống điện là 3 vấn đề căng thẳng.
Ông An cho hay thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, nhất là tại các quán karaoke nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, việc kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có. Ông An cho hay trong 5 năm qua, nhà nước đầu tư 9.600 tỉ đồng cho công tác PCCC. Tuy nhiên, hiện với 167 xe thang, 1.267 xe PCCC vẫn là thiếu so với nhu cầu.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phân tích các sự cố về cháy nổ, đặc biệt đối với kinh doanh karaoke, vũ trường vẫn xảy ra, chủ yếu do chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn có 2 lối thoát nạn. Khoảng cách giữa cơ sở karaoke với nhà bên cạnh rất hạn chế, gây khó khăn cho PCCC.
Ông Hùng kiến nghị kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như các quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh. Khâu an toàn điện khó kiểm soát, có trên giấy nhưng không cơ quan nào kiểm tra được, nên phải có quy định về vận hành và kiểm tra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và CNCH
Không lợi ích cá nhân
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và CNCH. Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu sự cần thiết, tính khả thi, cấp bách xây dựng Luật PCCC và CNCH.
Trước mắt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tổng kiểm tra, rà soát toàn quốc về công tác PCCC, nhất là những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy, chú ý các cơ sở tập trung đông người, các nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ, nhất là các khu chung cư cao tầng.
"Xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Việc giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách nghiêm ngặt, nghiêm minh, chặt chẽ, không lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong giám sát, kiểm tra, hướng dẫn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về một số nhiệm vụ cụ thể cần khẩn trương thực hiện, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tập trung hoàn thành quy chuẩn an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm, trong đó có quán karaoke, vũ trường, quán bar, chợ, kho; nhất là liên quan việc chuyển đổi công năng sử dụng như từ nhà ở chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh dịch vụ, vừa ở vừa kinh doanh, sản xuất. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung công việc PCCC và CNCH vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đặc thù.
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát việc cấp phép kinh doanh, hoạt động, tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với dịch vụ karaoke; quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện. Công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Nhằm tăng cường công tác quản lý về PCCC và CNCH, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh tra".
Hàng trăm người tụ tập trong cơ sở ở Cà Mau, nơi này chỉ có 2 bình chữa cháy gần hết hạn sử dụng. Ảnh: Quân Phúc
Kiến nghị dừng hoạt động nhiều cơ sở
Ngày 12-9, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết trong ngày 11-9, lực lượng cảnh sát đã chủ trì phối hợp kiểm tra đột xuất đối với 73 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar trên địa bàn. Qua kiểm tra, hầu hết chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều quan tâm đầu tư cho việc PCCC, thực hiện khá đầy đủ các quy định về PCCC. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ về điều kiện an toàn PCCC. Qua kiểm tra phát hiện, kiến nghị và đề xuất xử lý đối với 56 cơ sở, phạt tiền gần 288 triệu đồng; đề xuất tạm đình chỉ hoạt động 9 cơ sở, kiến nghị dừng hoạt động 7 cơ sở.
Cùng ngày, Công an TP Cà Mau phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Cà Mau và một số đơn vị chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh ở phường 5, TP Cà Mau. Tại thời điểm kiểm tra, có 153 khách đang ăn uống, qua thử test xác định 102 người sử dụng trái phép chất ma túy. Cơ sở cũng không xuất trình được hồ sơ quản lý theo dõi hoạt động PCCC và CHCN. Cơ sở này có sức chứa hàng trăm khách nhưng chỉ có 2 bình chữa cháy được bố trí tại một góc và đều đã gần hết tác dụng, tiềm ẩn nguy hiểm khi có sự cố hỏa hoạn.
Th.Tuấn - Q.Phúc
Bình luận (0)