Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 10-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất, cần ưu tiên cao nhất hiện nay là dồn tổng lực để dập dịch Covid-19.
Chung sức, đồng lòng
Theo Thủ tướng, cả hệ thống chính trị, các cơ quan, nhất là các địa phương, cần tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, không trông chờ, ỷ lại từ cấp trên. Nơi nào, cấp nào, cá nhân nào có tâm lý này phải chấm dứt ngay, không để tái diễn. Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Thủ tướng cho rằng cần báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức việc tiếp xúc cử tri một cách đúng quy định nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đến thời điểm hiện tại, cơ bản chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đại đa số các ca bệnh đều xác định được nguồn lây. Thời gian tới, phải tiếp tục tuân thủ nghiêm những nguyên tắc đã có trong phòng chống dịch là: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị. Phải chuyển tâm thế chống dịch sang "chủ động tấn công" theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Muốn tấn công phải phát hiện nhanh, khoanh vùng nhanh… để hạn chế nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 10-5 Ảnh: NHẬT BẮC
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị phải triển khai việc xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là trong các khu công nghiệp, bệnh viện… Ông lưu ý Bộ Y tế việc thông tin tình hình dịch bệnh để dư luận yên tâm, không lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, mất bình tĩnh.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân vào cuộc, chung sức, đồng lòng ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Nhắc lại yêu cầu khen thưởng, kỷ luật kịp thời, đúng người, đúng việc, không vì các thủ tục hành chính rườm rà mà chậm trễ khen thưởng, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách vấn đề này và nhấn mạnh trong bối cảnh "dầu sôi lửa bỏng", cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm minh nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tập thể, nguyên tắc nêu gương, cấp trên nêu gương cho cấp dưới, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Cơ bản kiểm soát được 4 nguồn lây dịch Covid-19
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các chuyên gia cho biết có thể xác định có 4 nguồn dịch bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, nguồn dịch mới xuất hiện tại Hải Dương là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào. Từ 4 nguồn dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành với 442 ca mắc Covid-19 trong nước. Mặc dù số ca lây lan nhiều ở các địa phương nhưng do thực hiện truy vết, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời nên số ca nhiễm mới đều là F1 được cách ly từ trước, nguồn lây ra cộng đồng được ngăn chặn...
Theo các chuyên gia, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn. Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0, lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường... vì vậy việc xét nghiệm phải thần tốc hơn nữa.
Các địa phương chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết. Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên; chúng ta đang nỗ lực khắc phục cách ly, phong tỏa...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả như những ngày qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngoài 4 nguồn dịch nêu trên, hoàn toàn có thể còn nguồn dịch nào đó trong cộng đồng mà chúng ta không biết. "Bây giờ, chúng ta phải rất tích cực, cảnh giác, nhất là những tỉnh chưa bao giờ có dịch phải thường xuyên giám sát" - Phó Thủ tướng nói.
Coi xét nghiệm là trọng tâm
Theo các chuyên gia, về chiến lược, chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị. Trong từng khâu phải thực hiện chặt chẽ hơn. Ví dụ, ngăn chặn phải ngay trong khu cách ly bằng cách kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh lây nhiễm chéo hoặc lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng. Bộ Y tế đã nâng thời gian cách ly lên 21 ngày, yêu cầu quản lý chặt chẽ sau cách ly. Hay trong phát hiện, phải đa dạng hóa công nghệ xét nghiệm, đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát ở những khu vực có nguy cơ cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, muốn chuyển tâm thế chống dịch sang "chủ động tấn công" phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh. "Chúng ta phải coi xét nghiệm là trọng tâm, trọng điểm phải làm trong lúc này. Tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm cao như: cơ sở khám chữa bệnh, chợ, siêu thị, nhà máy, nơi lưu trú, khu vực tập trung đông người... phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm để ngăn chặn dịch bệnh" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Ban chỉ đạo yêu cầu ngay trong tuần này Bộ Y tế phải hoàn thiện phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó phải giao chỉ tiêu cụ thể (giường bệnh, sinh phẩm, máy xét nghiệm, thuốc điều trị, ôxy...) để các địa phương chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ" (theo kịch bản trước đây, Bộ Y tế mới chuẩn bị phương án 10.000 người nhiễm).
Vắc-xin Covid-19 Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng
Bộ Y tế cho biết tới đây, Bộ Y tế sẽ nghiệm thu giai đoạn 2 đối với vắc-xin Nano Covax do Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen sản xuất. Đây là vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng. Kết quả thử nghiệm sau giai đoạn 2 cho thấy trong 3 mức liều được đưa vào sử dụng (25 mcg, 50 mcg và 75 mcg) thì liều 25 mcg có hiệu quả bảo vệ cao nhất, 100% người tiêm sinh miễn dịch. Về chỉ số kháng thể trung hòa virus (khả năng tiêu diệt virus xâm nhập sau tiêm vắc-xin) đạt cao nhất với trên 90% ở 14 ngày sau tiêm mũi 2 (tức 42 ngày sau tiêm mũi đầu tiên).
Đây cũng được đánh giá là 1 trong 3 vắc-xin Covid-19 trong nước mang tính khả thi cao nhất. Sau khi được Hội đồng Đạo đức y sinh của Bộ Y tế thông qua, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên nhóm lớn người tình nguyện từ 10.000 - 15.000 người cả ở Việt Nam và nước ngoài. Giai đoạn này chỉ sử dụng 1 mức liều hiệu quả nhất là liều 25 mcg, mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày. Trong giai đoạn 3, vắc-xin của Nano Covax có thể sẽ được cấp phép sớm sử dụng cho người dân. Theo Bộ Y tế, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất trên cơ sở ý kiến tư vấn của các chuyên gia khoa học, cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và các hướng dẫn quốc tế và quy định hiện hành.
N.Dung
Bình luận (0)