xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân: Đòn quyết định bất ngờ

Hà Minh Hồng - Ảnh: VÕ TRANG

Qua chiến dịch Mậu Thân, chúng ta không chỉ đạt được mục đích kéo Mỹ xuống thang chiến tranh mà còn làm ngã ngũ thắng - bại cuộc chiến này

Ở chiến trường miền Nam, với hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966 và 1966-1967) quy mô ngày càng lớn qua hàng loạt chiến dịch quy mô như Cedar Fall, Attleboro, Junction City, quân đội Mỹ vẫn không thắng và không thể tìm diệt, không thay đổi được cục diện chiến trường, khiến Mỹ bị sa lầy vào cuộc chiến ở Việt Nam. Như vậy, quân Giải phóng miền Nam rõ ràng cần và có thể tiếp tục đánh cho Mỹ phải thay đổi "vào đúng thời điểm sức mạnh và quân số Mỹ có mặt ở miền Nam lên đến đỉnh điểm nhưng họ không thể giành được thắng lợi quyết định".

CHỌN THỜI ĐIỂM CÓ TÍNH BƯỚC NGOẶT

Nắm bắt được tình hình "tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến lược" của Mỹ và xu thế của tình hình trong cả năm 1968 địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước, tháng 6-1967, Bộ Chính trị chủ trương nhân lúc đế quốc Mỹ đang đứng trước thế tiến - lui đều khó và phải tập trung vào cuộc vận động bầu cử Tổng thống, lực lượng Cách mạng cần chuẩn bị một đòn đánh quyết định tạo chuyển biến nhảy vọt trong cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam, buộc Mỹ phải thua về quân sự. 

Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1-1968), Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: "Muốn thắng nó, làm sập nó dữ, không phải đánh thường thường như bây giờ, mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn đó là chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa".

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân: Đòn quyết định bất ngờ - Ảnh 1.

Kỷ niệm 70 năm ngày Nam bộ kháng chiến Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã có ý tưởng từ lâu và đến cuối năm 1967, đầu 1968, việc chuẩn bị trực tiếp cho kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa càng ráo riết. Trên toàn chiến trường miền Nam cả nông thôn và đô thị, cả khu trọng điểm Sài Gòn - Gia định và chiến trường nghi binh lừa địch đều tập trung vào thực hiện cho bằng được với ý chí quyết tâm cao nhất theo phương án một ("ta giành được thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, những cuộc công kích và khởi nghĩa của ta cuối cùng thành công ở các thành thị lớn và ta lần lượt đập tan được những cuộc phản kích của địch, làm cho địch thất bại đến mức không thể gượng lại được nữa, đè bẹp ý chí xâm lược của địch, bắt chúng phải chịu thua, phải thương lượng, đi đến kết thúc chiến tranh theo những mục tiêu và yêu cầu của ta").

Thực tế Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giáng cho đối phương đòn bất ngờ về quân sự được thể hiện trên các phương diện:

- Bất ngờ về thời điểm và quy mô: Tướng William Westmoreland, Tư lệnh Liên quân Mỹ ở Nam Việt Nam, từng báo cáo trước Hội đồng phái bộ Mỹ ngày 15-1-1968: "Tôi thấy khả năng là 60% đến 40% đối phương sẽ đánh trước Tết, có thể vào ngày 25-1"; tướng Davidson lại thấy "khả năng là 40%-60% đối phương sẽ đánh sau Tết"; nhưng cuộc tổng tiến công nổ ra không phải "trước" hoặc "sau" mà đúng vào ngày Tết, ngoài dự kiến của Westmoreland và Davidson. 

Quy mô tiến công trên toàn chiến trường kể cả trên tất cả các đô thị miền Nam đánh vào trung tâm của bảy thành phố lớn nhất miền Nam Việt Nam và tấn công 30 tỉnh lỵ từ Đồng bằng sông Cửu Long đến khu vực phi quân sự (DMZ); hãng Reuters (Anh) ngày 3-2-1968 bình luận: "Quy mô và tính chất ác liệt của các trận tấn công phối hợp ở Sài Gòn và ở các trung tâm chủ chốt khác tại Nam Việt Nam làm cho Mỹ và các nước đồng minh rất đỗi ngạc nhiên".

- Bất ngờ về phương hướng và phương thức tác chiến: Mỹ bị lôi kéo tập trung ra chiến trường Khe Sanh, sa vào kế hoạch nghi binh hoàn hảo và bị đòn bất ngờ, táo bạo của quân giải phóng ở đầu não lớn nhất là Sài Gòn; Mỹ tưởng đánh vào đô thị chỉ là đòn nghi binh để tập trung đánh ở chiến trường rừng núi hòng làm một Điện Biên Phủ thứ hai. Nhưng tại chiến trường chính là Sài Gòn, Mỹ và toàn bộ bộ máy chiến tranh của Mỹ ở Nam Việt Nam bị đánh hiểm bằng lực lượng đột kích của Biệt động thành. Chính sách giáo khoa quân sự của Mỹ thú nhận: "Điều đầu tiên cần nói về cuộc tổng tiến công là tình báo của đồng minh đã thất bại ngang với trận Trân Châu Cảng năm 1941 và trận tiến công Ardennes năm 1944. Việt Nam đã giành được sự bất ngờ hoàn toàn".

- Bất ngờ về mục tiêu: Quân Giải phóng đã "kéo cho được lực lượng cơ động của địch ra ngoài để tiêu diệt và đánh mạnh vào các đơn vị chủ lực lớn của địch", "nhằm đúng hướng công kích chủ yếu là các thành thị, nhất là những thành thị lớn" - nơi tập trung lực lượng và bộ máy đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn… tiến công hàng loạt và đánh phá mạnh mẽ những nơi yết hầu của địch, những cơ quan đầu não và then chốt, những sở chỉ huy quan trọng của Mỹ… ; tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và làm tê liệt sức đề kháng của chúng".

Lực lượng Biệt động thuộc Phân khu 6 trong ngày mùng 1 Tết Mậu Thân 1968 (31-1-1968) tiến công 6/9 mục tiêu chủ yếu, chiến đấu rất dũng cảm, chiếm được Đài Phát thanh và Tòa Đại sứ, giữ trong thời gian ngắn trong lúc chờ đợi các lực lượng tăng cường không đến kịp theo kế hoạch… Hãng Reuters ngày 5-2-1968 nêu: "Mỹ có đến nửa triệu quân ở Nam Việt Nam, đã mất 13 năm và đã tiêu mỗi ngày 60 triệu USD mà vẫn không bảo vệ được một tấc vuông đất nào ở miền Nam Việt Nam cả".

MỸ PHẢI XUỐNG THANG CHIẾN TRANH

Từ cuối năm 1967, khi cuộc chiến tranh leo thang còn đang tiếp tục, nước Mỹ đã xuất hiện những dấu hiệu mới. Rõ rệt nhất là Bộ trưởng Quốc phòng McNamara - người từng khởi xướng việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam và đề xuất việc leo thang chiến tranh - sau đó lại tự nghi vấn chính sách của Mỹ và cuối cùng thì chủ trương kết thúc chiến tranh bằng thương lượng. Trước sự bi quan về triển vọng của chiến tranh Việt Nam và thất vọng về sự bất hợp tác của tổng thống, ngày 29-11-1967, McNamara từ chức Bộ trưởng Quốc phòng; Tổng thống Lyndon B. Johnson nhanh chóng chấp thuận và đưa cố vấn của mình là Clark Clifford lên thay.

Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân trên toàn miền Nam, trong đó việc đột kích vào các vị trí quan trọng của bộ máy chiến tranh tại Sài Gòn, gây bàng hoàng cho các chính giới ở Mỹ và tác động mạnh mẽ đến Quốc hội Mỹ, gây mất niềm tin sâu sắc trong dư luận nhân dân Mỹ. Ngày 20-2-1968, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ yêu cầu điều trần về chính sách của Mỹ ở Việt Nam, đặc biệt là sự kiện Vịnh Bắc Bộ dẫn đến Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ làm cơ sở pháp lý cho việc leo thang chiến tranh.

Tiếp đó là việc Quốc hội Mỹ phản đối yêu cầu của tướng William Westmoreland về tăng thêm 206.000 quân, không tin vào đường lối chiến tranh và chiến thuật tác chiến của quân đội Mỹ ở chiến trường Việt Nam. Tình hình đó dẫn đến việc tổng thống Mỹ không thể chấp nhận tăng quân để tiếp tục leo thang chiến tranh.

Tổng thống L. Johnson thấy cần thiết phải có những tuyên bố về tình hình và ông triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia xem xét lại toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong hai ngày nhóm họp (25 và 26-3-1968), các cố vấn cấp cao Washington bày tỏ quan điểm về chiến lược của Mỹ ở Việt Nam và Tổng thống kết luận: "Theo như tôi hiểu…, tất cả mọi người đều đề nghị rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam".

Đêm chủ nhật 31-3-1968 (lúc 21 giờ), truyền hình liên bang Mỹ phát đi bài phát biểu của Tổng thống L. Johnson dài 45 phút nói về những quyết định hệ trọng bậc nhất của quốc gia cũng như của cá nhân ông, trong đó có những nội dung lớn là: Mỹ đơn phương chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra; Mỹ sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chấm dứt thời kỳ Mỹ "tăng cường cam kết đưa các lực lượng quân Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ"; tăng nhanh việc trang bị cho quân đội Nam Việt Nam, tạo cho đội quân này khả năng phòng thủ Nam Việt Nam; "Tôi sẽ không tìm kiếm và sẽ không chấp nhận sự đề cử của Đảng tôi ra ứng cử Tổng thống một nhiệm kỳ mới nữa" - ông tuyên bố.

Như vậy, quyết định đêm 31-3-1968 của Tổng thống L. Johnson là biểu hiện cao nhất, rõ ràng nhất của chuỗi dài xuống thang chiến tranh của Mỹ trước tác động của đòn tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Xuống thang chiến tranh trong khi đang tham chiến là đột phá rất khó xảy ra nhưng đối với Mỹ trong hoàn cảnh ấy không thể làm khác được. Sự lựa chọn bất khả kháng như thế mang bản chất một sự thất bại quân sự trong chiến tranh.  

(*) Lược đăng từ tham luận của tác giả Hà Minh Hồng trong kỷ yếu hội thảo "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử", tổ chức ở TP HCM ngày 29-12-2017; kỷ yếu do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành, 2017. Các phần sử liệu trong ngoặt kép do tác giả trích dẫn từ nhiều nguồn. Tựa do tòa soạn đặt lại).  

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo