Thiếu tướng Lê Bửu Tuấn, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 7, cho biết ngày 25-10-1967, Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết Quang Trung về tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên chiến trường B2. Ngày 4-11-1967, Trung ương Cục tổ chức hội nghị mở rộng để quán triệt nghị quyết này.
Vào cuộc nhịp nhàng
Tại hội nghị nêu trên, Trung tướng Hoàng Văn Thái được bổ nhiệm làm Tư lệnh Miền. Trên cơ sở giải thể Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Quân khu Miền Đông cũng như yêu cầu thực tế của chiến trường, cấp trên quyết định thành lập 6 phân khu. Mỗi phân khu có 2-4 tiểu đoàn mũi nhọn, trang bị gọn nhẹ, hình thành các mũi tiến công vào Sài Gòn. Riêng phân khu 6 là phân khu nội đô, chỉ huy lực lượng biệt động thành, tự vệ thành, quần chúng cách mạng tiến công các mục tiêu đầu não của địch và nổi dậy giành chính quyền.
Theo Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền (mật danh B2), trước tổng tiến công, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền tổ chức bố trí chiến trường. Theo đó, Mặt trận Sài Gòn - Gia Định có tới 2 "Sở Chỉ huy tiền phương". Trong đó, Tiền phương Bắc (còn gọi là Tiền phương 1, phụ trách chủ lực hướng Bắc, Tây Bắc và Đông TP), mục tiêu đánh là một nửa sân bay Tân Sơn Nhất, các căn cứ quân sự ở Gò Vấp, thị xã Gia Định, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn. Tiền phương Nam (còn gọi là Tiền phương 2, phụ trách hướng Nam và một phần Tây Nam TP) gồm toàn bộ lực lượng biệt động và quần chúng vũ trang nội thành từ quận 1 đến quận 8, tiến đánh các mục tiêu: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, một nửa sân bay Tân Sơn Nhất…
Cầu Chữ Y - nơi từng xảy ra cuộc giao tranh ác liệt giữa Tiểu đoàn 1 Long An và Tiểu đoàn 5 Nhà Bè với địch trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968Ảnh: Hoàng Triều
PGS-TS Phan Xuân Biên - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cho biết với hiệu lệnh tấn công chính là Lời chúc Tết của Bác Hồ "Tiến lên toàn thắng ắt về ta", đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định, đại diện là lực lượng biệt động, đã đồng loạt tấn công các mục tiêu của chiến trường trọng điểm. Đặc biệt và có tiếng vang xa nhất, rúng động cả nước Mỹ và thế giới là trận đánh của biệt động Phân khu 6 vào Đại sứ quán Mỹ. Tại đây, các chiến sĩ đã tiêu diệt lính gác, bắn thủng tường rào, xông vào chiếm tầng 1, phát triển lên tầng 3, chiếm giữ mục tiêu hơn 6 giờ, chống trả quyết liệt sự phản công của địch. Ở mục tiêu này, phía địch có 5 binh sĩ tử vong tại trận, 22 trọng thương - sau đó chết tại bệnh viện - và 14 bị thương. Phía ta hy sinh 15 chiến sĩ, một chỉ huy đội biệt động bị bắt.
Theo PGS-TS Phan Xuân Biên, với 2 đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang thuộc khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định (bao gồm lực lượng vũ trang của Quân khu Sài Gòn - Gia Định trước đây cùng những đơn vị tăng cường từ các tỉnh lân cận và của miền) đã vào cuộc nhịp nhàng với các chiến trường trên toàn miền Nam. Kết quả, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 47.000 tên địch; tiêu diệt, làm thiệt hại nặng 21 tiểu đoàn, 97 đại đội quân Mỹ cùng quân đội Sài Gòn và các nước đồng minh; bắn rơi và phá hủy 500 máy bay, phá hủy 1.480 xe quân sự…
Giao tranh ác liệt
Trực tiếp tham gia trận đánh ở Nhà Bè, ông Trần Đức Thơ - hiện là Chủ nhiệm CLB Kháng chiến Biệt động Sài Gòn; nguyên Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 5 Nhà Bè - nhớ lại lúc 16 giờ ngày 30-1-1968, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 5 Nhà Bè cùng Đại đội 3 và đại đội trợ chiến đi trên 5 chiếc ghe có rơm che phủ ngụy trang. Họ xuất phát từ xã Hiệp Phước theo sông Cần Giuộc vượt qua đồn Hưng Long và bót Rạch Dơi rồi tiến thẳng vào (quận 7 cũ).
Bấy giờ, Đại đội 1 - trú quân ở xã Quy Đức của huyện Bình Chánh - được lệch tổ chức đưa Bộ Chỉ huy Phân khu 3 vào cầu Sập, sau đó hành quân qua quận 8 và tổ chức chiến đấu. Đêm 31-1-1968, quân ta đánh chiếm đồn Trần Văn Châu rồi chiếm đường Phạm Thế Hiển. 8 giờ ngày 1-2-1968, tên quận phó quận 8 của địch chạy xe trên đường Phạm Thế Hiển bị quân ta tiêu diệt. 30 phút sau, trực thăng địch bắn dữ dội dọc theo đường Phạm Thế Hiển.
Trận chiến diễn ra ngày càng ác liệt. Đại đội 1 bám trụ ở đây 2 ngày. Lực lượng địch đông, hỏa lực mạnh, có trực thăng yểm trợ ngăn chặn bước tiến của quân ta. 20 giờ ngày 2-2-1968, đơn vị được lệnh rút bộ đội về phía sau.
Tấn công đợt 2, ông Thơ cho biết Tiểu đoàn 1 Long An và Tiểu đoàn 5 Nhà Bè nhận đánh Tổng nha Cảnh sát. Khi quân ta hành quân đến cầu Chữ Y thì gặp địch, 2 bên giao tranh ác liệt. "Cán bộ, chiến sĩ biết vào nội đô phải vượt qua nhiều đồn, bót và địch đông hơn ta nhiều lần, hỏa lực mạnh, có cơ giới và máy bay yểm trợ. Thế nhưng, quân ta không ai chần chừ, tất cả đều hừng hực lửa chiến đấu. Trận chiến xảy ra quá ác liệt, có đồng đội hy sinh, bị thương nhưng anh em vẫn bám chắc công sự, giữ vững trận địa được giao" - ông Thơ nhớ lại.
Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-1
Kỳ tới: Cú sốc của chính trường Mỹ
(Dẫn theo tài liệu tại hội thảo về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, do Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP HCM tổ chức).
Sáng tạo và căn cơ
Phân tích về những nguyên nhân đưa đến thành tích trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn - Gia Định, PGS-TS Phan Xuân Biên cho rằng đó là kết quả của quá trình xây dựng lực lượng vũ trang của chiến trường đô thị đầy sáng tạo, nhạy bén và căn cơ. Ngay từ khi thành lập Quân khu Sài Gòn - Gia định vào năm 1961, Khu ủy và Bộ Chỉ huy Quân khu đã chủ trương tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang đa dạng. Sau đó, tổ chức lực lượng trinh sát quân báo hoạt động nội thành và dần dần xây dựng lực lượng biệt động; hoàn thành 3 thứ quân: nông thôn ngoại thành, ngoại ô và nội đô. Nhờ vậy, phong trào chiến tranh du kích bằng lực lượng vũ trang công khai và bí mật kết hợp phong trào đấu tranh chính trị, tạo nên ngọn đòn tấn công mạnh mẽ ngay tại sào huyệt của kẻ thù.
Bình luận (0)