Ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nha Trang Trẻ, Chủ tịch Diễn đàn Xúc tiến du lịch Nha Trang (Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) - cho biết các công ty lữ hành trong nước đưa khách đoàn đến Nha Trang phải hủy tour liên tục vì không thể kiếm ra phòng nghỉ.
"Mua sỉ" giá phòng trước cả năm
Ông Trần Thanh Hùng kể với Báo Người Lao Động ông tổ chức tour cho đoàn 40 người ở Thừa Thiên - Huế có nhu cầu phòng hạng 3-4 sao nhưng không thể kiếm ra phòng ở Nha Trang dù đã gọi khắp các khách sạn.
"Phải 2 tháng nữa, đoàn khách mới vào Nha Trang du lịch nhưng tôi thực sự bó tay. Tôi phải nhờ vả rất nhiều người quen, kể cả các lễ tân khách sạn mới tìm được 1 khách sạn 2 sao mới xây cách xa biển. Giá 1 phòng khoảng 1 triệu đồng, xấp xỉ khách sạn 3-4 sao" - ông Hùng ngao ngán.
Lý giải về tình trạng này, ông Lê Kim Nhựt cho biết hiện nay, nhiều công ty lữ hành ở các địa phương rất khó đặt chỗ cho khách đoàn vì đa số khách sạn từ 3 sao trở lên đã được các tour lữ hành quốc tế phục vụ khách Trung Quốc (TQ), khách Nga đặt kín. Các tour này thường mua hết các phòng để giữ chỗ nhưng không đưa hết tiền. Chỉ khi đưa khách đến thì họ mới thanh toán phòng cho số khách thực tế. Do đó, nhiều khách sạn chỉ có 50 phòng nhưng nhận bán đến 60-70 phòng, dẫn đến tình trạng không có phòng để bán cho khách trong nước.
"Khách trong nước phải đến giờ chót mới biết còn thừa phòng hay không. Do đó, các tour lữ hành trong nước gần như thua, không làm được thị trường ở Nha Trang nữa. Mà giờ chót thì còn thừa phòng cao cấp hoặc bị khách sạn đội giá nên giá rất cao. Ngay các khách sạn dưới 2 sao bây giờ cũng kín phòng vì nhu cầu của khách TQ quá lớn. Công ty tôi ở Nha Trang, rất thân thiết với các khách sạn mà cũng phải canh, thừa ra thì lấy. Còn ở các địa phương khác thì thua luôn" - ông Nhựt nêu thực trạng.
Chị Đ.Q, một lễ tân khách sạn, tiết lộ các tour lữ hành đã ký hợp đồng "mua sỉ" giá phòng để bán lại cho khách TQ từ nhiều tháng, thậm chí cả năm trước. Họ đặt tiền trước nên sau khi tính toán thiệt hơn, chủ khách sạn luôn bán hết phòng cho họ.
Một điều nghịch lý nữa mà ông Lê Văn Sơn - Tổng Giám đốc khách sạn 4 sao Liberty Central Nha Trang, Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn (Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa) - cho biết là khách TQ hiện chiếm 60% lượng khách nên công suất phòng ở các khách sạn luôn đạt cao. Tuy nhiên, giá phòng lại giảm mạnh. Cụ thể, giá phòng ở khách sạn 5 sao năm 2013 là từ 220 USD/phòng, đến năm 2017 chỉ còn 110 USD - giảm gần 50%. Giá khách sạn 4 sao từ 75 USD/phòng xuống còn 55 USD/phòng, khách sạn 3 sao thì giảm nhẹ từ 32 USD xuống còn 30 USD. "Giá giảm thì chất lượng cũng khó bảo đảm. Khách TQ quá đông, còn khách từ các thị trường truyền thống như Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ mất nhiều kinh khủng. Nếu không có giải pháp thì mất hẳn" - ông Sơn lo lắng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Đà Nẵng. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours, cho biết vào mùa cao điểm, một số khách sạn không nhận khách do họ đã bao trọn cho tour khách TQ hoặc Hàn Quốc.
Theo ông Tùng, không thể trách các đơn vị kinh doanh khách sạn bởi bất cứ công ty nào đặt phòng trước thì họ sẽ ưu tiên do đã nhận cọc. "Có điều hệ lụy là phần lớn tour khách nước ngoài TQ, Hàn Quốc… họ thanh toán tiền khách sạn bằng tiền mặt, không xuất hóa đơn nên không truy thu thuế. Chính vì thế mà ngành thuế thất thu đáng kể" - ông Tùng cho hay.
Khách sạn tại Nha Trang thường trong tình trạng “cháy phòng” khi khách Trung Quốc tăng mạnh. Ảnh: KỲ NAM
Bị tour giá rẻ bóp nghẹt?
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, hiện TP Nha Trang có khoảng 650 cơ sở lưu trú với 29.400 phòng. Lượng khách dự kiến năm 2018 khoảng 6,5 triệu lượt, riêng khách quốc tế khoảng 2,8 triệu. Trong số khách quốc tế, riêng người TQ chiếm đến 60%-70%. Đến nay, khoảng 27 doanh nghiệp lữ hành phục vụ khách TQ đang hoạt động ở Khánh Hòa.
Ông Lâm Duy Anh Cường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, cho rằng năm 2017, địa phương này đón 1,2 triệu lượt khách TQ; trong khi tổng số du khách TQ đi các nước là 135 triệu lượt. Trung bình mỗi người TQ chi tiêu 2.000 USD/chuyến đi, đã vượt qua Mỹ. Đây là thị trường tiềm năng, dự kiến còn tăng mạnh.
"Điều lo ngại là các tour giá rẻ, tour 0 đồng đang ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch. Doanh thu thực tế địa phương cũng không được hưởng vì tour khép kín" - ông Cường đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết sở đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch để bảo đảm chất lượng dịch vụ. Sở cũng nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp (DN) liên kết với nhau, định hướng luồng khách, tập trung các khách TQ hạng trung, cao cấp để nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo bà, các DN cũng cần chú trọng xúc tiến các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đối với các DN trong nước, cần chủ động và có kế hoạch đặt trước phòng, đừng để "nước đến chân mới nhảy".
Ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, trong hội nghị gặp mặt các DN du lịch mới đây, đã chỉ đạo Sở Du lịch, Sở Công Thương phối hợp với các ban ngành liên quan chấn chỉnh các DN kinh doanh không lành mạnh, "tay không bắt giặc" cũng như chấn chỉnh các "tour 0 đồng".
"Ở Thái Lan, họ liên kết nên chấn chỉnh được tour 0 đồng, còn chúng ta thì vừa yếu vừa rời rạc. Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa phải liên kết bảo đảm giá, không thể mạnh ai nấy làm. Lữ hành chỉ lo lấy phần trăm đầu khách rồi "bóp" đơn vị phục vụ ăn uống, lưu trú, đi lại phải giảm giá theo là không được. Giá cả là của DN, không ai bắt bán lỗ mà vì chúng ta không liên kết. Phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ" - ông Quang nhận định.
Lập công ty sản xuất nệm nhưng đón khách TQ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu chiều 22-3 cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện Công ty TNHH Jade Royal tại KCN Thành Hải (xã Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm) về hành vi đón du khách TQ trái phép.
Theo Ban Quản lý KCN Thành Hải, cuối năm 2017, Công ty Jade Royal được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất nệm cao su và đá quý với tổng số vốn 50 tỉ đồng. Theo tiến độ, dự án đi vào hoạt động vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, đầu năm 2018, công ty đã xây dựng trái phép một phòng trưng bày đá quý kèm dịch vụ ăn uống. Ban Quản lý các KCN Ninh Thuận đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu ngừng ngay hoạt động này nhưng Công ty TNHH Jade Royal không chấp hành.
Trung bình mỗi ngày, Công ty TNHH Jade Royal đón cả chục xe loại 45 chỗ đưa du khách vào ăn uống, tham quan, mua sắm tại phòng trưng bày đá quý. Sau đó, số du khách này quay về Khánh Hòa nghỉ ngơi.
Chủ đầu tư dự án của Công ty Jade Royal còn tuyển dụng nhiều nhân viên lao động nước ngoài để thuyết minh, giới thiệu cho du khách như một tour du lịch, không đúng với nội dung đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư.
L.TRƯỜNG
Mất phần ngay trên sân nhà!
Nhiều DN trong ngành du lịch cho rằng đây là nỗi đau của ngành khi danh thắng, điểm đến, bờ biển của Việt Nam nhưng DN nội địa lại không khai thác được, du khách trong nước không được hưởng mà phải nhường cho khách TQ.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết thời gian qua, gần như công ty ông không bán tour đưa khách đến Nha Trang vì rất khó hoặc không đặt được phòng. Điểm đến này gần như bị chi phối bởi thị trường khách TQ. Họ bao sân các khách sạn nên dù DN Việt có trả giá phòng cao hơn, các ông chủ khách sạn cũng không đồng ý và đều nói hết phòng.
"Kết quả là chúng tôi phải chuyển hướng, bán tour sang các điểm đến khác của miền Trung như Phú Yên, Quy Nhơn - Bình Định. Đây có lẽ là tình hình chung của nhiều DN lữ hành nội địa nên cũng lý giải vì sao gần đây, khách trong nước đến Phú Yên, Bình Định rất đông bên cạnh việc các địa phương này có nhiều chính sách đầu tư, ưu tiên cho du lịch để thu hút khách" - ông Dũng nói.
Không ít DN lữ hành cho rằng nhiều khách sạn đang chạy theo phục vụ khách TQ vì lợi ích trước mắt. Các chuyên gia du lịch cảnh báo nếu các điểm đến quá tập trung vào cùng một thị trường khách thì sẽ có rủi ro rất lớn trong trường hợp khách TQ không đến nữa, như bài học với khách Nga ở Phan Thiết (Bình Thuận) 3-4 năm trước.
Giám đốc một công ty du lịch tại Phú Quốc khẳng định lượng khách đến "đảo ngọc" tăng rất mạnh. Tuy nhiên, một số khách sạn ở đây có chính sách cân bằng lượng khách giữa các thị trường, không "bỏ trứng vào cùng một giỏ". "Khi lượng khách TQ đặt phòng tới ngưỡng quy định, khách sạn sẽ báo hết phòng và không nhận thêm. Bởi lẽ, nếu chỉ chăm chăm phục vụ khách TQ, đến khi họ không tới nữa thì sẽ mất cả khách ở các thị trường truyền thống khác" - vị giám đốc này chia sẻ.
T.PHƯƠNG
Bình luận (0)