Ngày 22-11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Làm tốt 9 vấn đề
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, Hà Nội đã nhận được 2.594 văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, Hà Nội đã hoàn thành 1.980 nhiệm vụ (76,3%); đang triển khai 614 nhiệm vụ và 7 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Đặc biệt, TP Hà Nội hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,5 tỉ USD, vượt TP HCM và lần đầu tiên sau 30 năm dẫn đầu cả nước về tỉ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thông qua tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội đã làm tốt 9 vấn đề. Trong đó nhấn mạnh Hà Nội có nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). "Chúng tôi đi thăm trung tâm dịch vụ công của quận Hoàn Kiếm, là quận ứng dụng CNTT rất tốt mặc dù chưa phải là đi đầu trong vấn đề ứng dụng CNTT (quận Long Biên dẫn đầu). Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với TP là rất rõ ràng. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cung cấp, ứng dụng dịch vụ công" - ông Dũng đánh giá.
Theo Bộ trưởng, Hà Nội cũng tạo môi trường kinh doanh tốt, thu hút đầu tư đứng đầu cả nước; đẩy mạnh tinh giản, sắp xếp bộ máy; công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng có nhiều tích cực; phát triển hạ tầng giao thông vượt bậc; có chuyển biến trong quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch, minh bạch trong phê duyệt dự án đầu tư; thực hiện xã hội hóa rất tốt, nhất là trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị; hoạt động đối ngoại mang tầm vóc lớn; tăng trưởng cao, lọt vào tốp các TP năng động nhất thế giới.
Hệ thống giao thông Hà Nội nay đã tốt hơn trước đây rất nhiều
"Hà Nội đã đi đầu rồi nhưng mong đợi của người dân, doanh nghiệp thì TP sẽ ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn để cắt giảm thời gian, chi phí. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là cần mạnh mẽ hơn trong việc chống tiêu cực, tham nhũng vặt" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý, nhắc nhở Hà Nội 9 vấn đề. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội đặc biệt quan tâm đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước; sự đồng bộ, quan tâm đến đô thị hóa, nhất là những khu vực sau khi được mở rộng; quan tâm hướng đến xây dựng giao thông thông minh…
"Hẹn hò" với nhà sản xuất iPhone
Ngoài những thành tựu trên, nhiều thành viên trong Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng Hà Nội vẫn còn thế mạnh về kinh tế tri thức, công nghệ cao. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tiết lộ Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đang "hẹn hò" với Tập đoàn Hồng Hải (Trung Quốc) với mong muốn đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam.
"Hiện có làn sóng dịch chuyển các nhà đầu tư sang Việt Nam. Trong đó, miền Bắc và Hà Nội là lựa chọn hàng đầu. Tập đoàn Hồng Hải đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam là sự dịch chuyển đó. Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành đại bản doanh của các tập đoàn lớn trên thế giới" - ông Lộc khẳng định.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Hà Nội đã chủ động trong công tác thu hút đầu tư. "TP đã chuyển từ trạng thái nhà đầu tư cần TP sang trạng thái cần nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính của Hà Nội vẫn không nhanh bằng TP HCM. Dù Hà Nội giải quyết các thủ tục ban đầu cho doanh nghiệp rất nhanh nhưng các thủ tục phát sinh sau đó thì chậm nên điều này cần được khắc phục" - ông Cung góp ý và cho rằng Hà Nội cần phát huy những thế mạnh của mình vì TP còn nhiều dư địa để phát triển; có nhiều điều kiện để đi đầu, dẫn dắt các địa phương khác làm theo.
Xây dựng Chính phủ điện tử
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội luôn chú trọng cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. "Hà Nội đã triển khai nhiều công việc, từ xây dựng đề án việc làm, cụ thể hóa quy trình công tác đến xây dựng bộ thủ tục hành chính... Sắp tới đây, sẽ ứng dụng thêm nhiều phần mềm trong quản lý nhà nước về y tế, giao thông" - ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ gỡ vướng mắc trong thanh toán trực tuyến. Hiện người dân thanh toán các dịch vụ công qua cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của TP phải chịu 10% phí bưu chính viễn thông. Trong khi đó, nếu thanh toán qua hệ thống ngân hàng thì chi phí sẽ ít hơn, chưa đến 1%.
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng tháo gỡ vấn đề này không chỉ riêng người dân Hà Nội mà các tỉnh, thành khác cũng có lợi khi tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.
Bình luận (0)