Sáng 18-10, HÐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 3 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Trước khi bước vào chương trình kỳ họp, các đại biểu đã dành phút tưởng niệm đến đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, từ trần vì dịch Covid-19.
Gấp rút giải quyết việc tồn đọng
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HÐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết thành phố đang bước vào một giai đoạn vô cùng đặc biệt, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa từng bước phục hồi kinh tế. "Đây là kỳ họp rất quan trọng của HÐND TP HCM để đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, cố gắng của thành phố trong kiểm soát dịch Covid-19. Kỳ họp cũng thông qua các quyết sách quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp; các giải pháp trọng tâm, thu hút mời gọi đầu tư để phục hồi kinh tế - xã hội; các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục..." - Chủ tịch HÐND TP HCM nhấn mạnh.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình nhìn nhận tác động của đợt dịch lần thứ 4 phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế của thành phố. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng tăng 5,66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên đến quý III là thời gian TP HCM thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, giảm 24,39% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm 2021, GRDP giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 6%. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu 9 tháng đầu năm vẫn cơ bản hoàn thành và có điểm sáng đáng ghi nhận, như tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ...
Về phương hướng những tháng cuối năm, ông Lê Hòa Bình cho biết ngoài 7 nhiệm vụ trọng tâm để vừa phòng chống dịch vừa từng bước phục hồi kinh tế, TP HCM sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung tồn tại liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm; đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc ở những dự án trọng điểm như dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), dự án metro số 1...
Ðẩy mạnh giải ngân và huy động vốn
Tại kỳ họp, UBND TP HCM đã trình HÐND TP HCM kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương với tổng số vốn là 121.933 tỉ đồng. Trong đó, đối với nguồn vốn từ bội chi ngân sách thành phố là hơn 12.555 tỉ đồng; nguồn vốn cân đối ngân sách thành phố là hơn 109.378 tỉ đồng. UBND TP HCM kiến nghị HÐND TP HCM thống nhất sử dụng số vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 20.623 tỉ đồng để dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Các dự án trọng tâm được tiếp tục đầu tư giai đoạn 2021-2026 là xây dựng đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với hơn 6.562 tỉ đồng; vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2 với 2.000 tỉ đồng; cải thiện môi trường nước TP HCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Ðôi - Kênh Tẻ giai đoạn 2 với 1.100 tỉ đồng; giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với hơn 8.882 tỉ đồng... UBND TP HCM cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, mô hình huy động vốn cho đầu tư công và vận động các nguồn lực tham gia vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Các đại biểu trao đổi bên lề phiên họp ngày 18-10. Ảnh: NGUYỄN PHAN
Song song đó, UBND TP HCM cũng đã trình tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021. Theo kế hoạch năm 2021, đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương của TP HCM là hơn 31.976 tỉ đồng. Tính đến hết ngày 1-10, số vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương của TP HCM đã giải ngân là hơn 10.910 tỉ đồng (đạt 34%). UBND TP HCM cho biết có những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đối với vốn đầu tư trong nước khi giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng thi công còn chậm do tác động của dịch Covid-19... Trong khi đó, đối với dự án sử dụng vốn ODA, do tác động của dịch Covid-19, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát... đều bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ. Nhằm bổ sung vốn cho các dự án cấp bách, có khả năng giải ngân nhanh, góp phần tích cực vào quá trình mở cửa lại và phục hồi kinh tế thành phố, UBND TP HCM đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách thành phố từ 31.976 tỉ đồng thành gần 29.271 tỉ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho hay sẽ điều chỉnh giảm vốn với hơn 6.444 tỉ đồng đã giao đối với các dự án có tỉ lệ giải ngân thấp, chậm triển khai hoặc gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Ðiều chỉnh tăng vốn với quy mô 3.794 tỉ đồng cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, bổ sung vốn để quyết toán, dự án đã triển khai đến giai đoạn cuối cần bố trí đủ phần vốn còn lại để hoàn tất, sớm đưa dự án vào sử dụng, tạo hiệu quả kinh tế - xã hội.
Hôm nay (19-10), kỳ họp thứ 3 tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường và thông qua các nghị quyết.
Tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng một trong những việc cần làm ngay là phải cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ; nghe từng vướng mắc và giải quyết từng vướng mắc. "Giờ chúng ta phải trở lại với tinh thần "tất cả cùng thi đua để xây dựng thành phố này, chính quyền phải thật sự cải cách, phải thật sự kiến tạo, tháo gỡ các vướng mắc; còn doanh nghiệp cũng thi đua để tái cấu trúc, đổi mới để lao động với năng suất cao hơn và người dân cũng thế" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh. Ông nói thời gian tới, các ngành, các cấp gỡ được điểm nghẽn trong cải cách hành chính thì chắc chắn năng lượng trong cộng đồng doanh nghiệp, trong dân sẽ bung ra, tạo sự phát triển rất lớn. Việc này cũng giống như trong chống dịch, nếu không có sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân, chính quyền sẽ không lo nổi nguồn lực để chống dịch. "Nguồn lực đã có sẵn, vấn đề còn lại là tháo nút thắt, kiến tạo. Ðó chính là hành động của chính quyền" - ông Phan Văn Mãi chỉ rõ.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng nêu rõ cùng với khôi phục kinh tế thì thành phố phải lo an sinh, sắp xếp lại đô thị. "Như chuyện nhà ở cho người thu nhập thấp, thứ bảy tuần rồi, tôi và đồng chí bí thư đã nghe bước đầu về đề án nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Trong đó có việc cải thiện ngay hệ thống khu nhà trọ. Nếu có chính sách tốt, vài tháng nữa thành phố có thể cải tạo hàng trăm ngàn nhà trọ. Còn việc xây nhà 5 tầng, 10 tầng thì phải một năm nữa mới có" - ông Phan Văn Mãi nói và cho hay UBND TP HCM đang hoàn thiện đề án để trình, xin ý kiến Thường vụ Thành ủy TP HCM và sẽ lập tức triển khai những việc có thể làm ngay.
Kỳ họp còn tiến hành công tác nhân sự của UBND TP HCM. Dự kiến, HÐND TP HCM bầu bổ sung 3 ủy viên UBND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026".
Bà NGUYỄN THỊ LỆ - Chủ tịch HÐND TP HCM
Dành 427 tỉ đồng hỗ trợ học phí
Tại kỳ họp lần này, UBND TP HCM có tờ trình về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh (HS) phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố trong học kỳ I năm học 2021-2022.
Theo đó, mức đề xuất chi hỗ trợ ở nhà trẻ là 200.000 đồng/HS/tháng cho nhóm 1 và 120.000 đồng/HS/tháng ở nhóm 2. Trẻ mẫu giáo sẽ được hỗ trợ 160.000 đồng/HS/tháng ở nhóm 1 và 100.000 đồng/HS/tháng ở nhóm 2. HS THCS và bổ túc THCS được hỗ trợ 60.000 đồng/HS/tháng ở nhóm 1 và 30.000 đồng/HS/tháng ở nhóm 2. Học sinh THPT được hỗ trợ 120.000 đồng/HS/tháng ở nhóm 1 và 100.000 đồng/HS/tháng ở nhóm 2. Riêng HS tiểu học là không thu.
Nhóm 1: TP Thủ Ðức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. UBND TP HCM dự trù kinh phí thực hiện chính sách này là khoảng 427 tỉ đồng.
Bình luận (0)