Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2022 diễn ra chiều 8-12, đại biểu Trần Văn Khuyên – Bí thư Huyện ủy Hóc Môn đã có bài phát biểu dài trước nghị trường, trăn trở trước sự phát triển chưa xứng tầm của huyện nhà.
Có một Hóc Môn rất đẹp
Ông Trần Văn Khuyên cho biết huyện Hóc Môn (có 12 xã, thị trấn) hiện đã và đang phát triển thành đô thị.
Huyện Hóc Môn cũng như 4 huyện còn lại của TP HCM cần sớm được đưa vào quy hoạch đô thị chung của thành phố. Việc này để mở rộng không gian đô thị thành phố về các hướng, trong đó có hướng Tây Bắc. Đây cũng là điều kiện đặc biệt trợ giúp cho công việc giãn dân của thành phố trong điều kiện khu vực trung tâm rất đông đúc.
Trước nghị trường HĐND TP HCM, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn đã chia sẻ nhiều trăn trở trước sự phát triển chưa xứng tầm của huyện nhà
Hóc Môn có điều kiện tự nhiên thuận lợi khi vành đai sông ôm cả huyện tạo nên một Hóc Môn rất đẹp. Nếu phát triển đô thị sẽ rất lý tưởng, nhất là dịch vụ du lịch "trên bến dưới thuyền", du lịch sinh thái.
Mặt khác, việc đưa địa phương này vào quy hoạch đô thị chung của TP HCM sẽ góp phần giải phóng nguồn lực đất đai khi huyện Hóc Môn có diện tích đất trên 11.000 ha, qua đó góp phần phát triển thành phố.
Đồng thời tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
Ông Trần Văn Khuyên cho biết Hóc Môn được thành phố giao chỉ tiêu thu trong năm 2021 là 1.200 tỉ đồng. Tuy nhiên huyện chỉ thu 982 tỉ đồng, đạt 85%.
"Hóc Môn muốn thu hơn chứ không muốn thu kiểu như thế này. Một huyện có hơn 11.000 ha đất mà thu chỉ nhiêu đó trong một năm thì các giá trị trên mảnh đất này thế nào... Rất hoang phí" – Bí thư Huyện ủy Hóc Môn trăn trở.
Ông cho rằng giá trị đất được tăng lên, nguồn ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng lên.
Nhắc lại chủ đề của TP HCM trong năm 2022 là vừa kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục thực hiện chính quyền đô thị và cải cách môi trường đầu tư, bao gồm đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, ông Trần Văn Khuyên mong muốn trong công tác quản lý nhà nước, người dân được đảm bảo quyền và giá trị sử dụng đất của mình, khắc phục những khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, xây dựng nhà ở.
Một khu đất "gánh" 4 lớp quy hoạch
Đề cập đến hạ tầng giao thông, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cho biết huyện được TP HCM đầu tư đường Tô Ký, đường Lê Thị Hà và tới đây là hoàn thành đường Đặng Thúc Vịnh và một số đường khác.
Tuy nhiên, trong quy hoạch lại có một số bất cập. Đơn cử về kiến trúc, một tòa nhà có chiều ngang 12m, dài 28m nhưng chỉ cho xây 4 tầng sẽ khó theo kịp phát triển. Ông nói: "Cái này phải cho xây 10 - 15 tầng thì giá trị sử dụng để phát triển xã hội cũng tăng lên".
Ngoài ra, Hóc Môn có những khu vực đất đang phải gánh đến 4 lớp quy hoạch, như quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đất ở… rất vướng víu dẫn đến chưa phát triển.
"Cái này vướng cái kia, vướng chồng vướng nên đâu có phát triển được. Có đất cũng không có nhà, có giấy tờ sổ sách mà cũng không sang nhượng, mua bán, chuyển quyền được" - ông Trần Văn Khuyên nhìn nhận.
Nhiều khu đất đến nay vẫn quy hoạch "treo" khiến người dân có sổ đỏ xin cất nhà không được, giao dịch không xong như khu Khánh Đông và khu dân cư Thanh niên xung phong.
"Tối đứng ở ngay Nhị Bình, nhìn sang Bình Dương, thấy đèn người ta sáng rực" - Bí thư huyện ủy Hóc Môn chạnh lòng.
Kết thúc bài phát biểu, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên mong có sự đầu tư xứng đáng cho cái nôi cách mạng xứng tầm với giá trị lịch sử của huyện.
Bình luận (0)