Chiều 8-12, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Đây là lần đầu tiên ông Phan Văn Mãi trả lời chất vấn với cương vị người đứng đầu UBND TP HCM. Trước đó, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai và Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đăng đàn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố chiều 8-12
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP HCM đã báo cáo lên HĐND thành phố tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và những kế hoạch trong năm 2022.
Khó khăn nhưng vẫn có điểm sáng
Điểm qua tình hình kinh tế TP HCM năm 2021, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III-2021 giảm mạnh, giảm 24,97% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy, kinh tế- xã hội thành phố năm 2021 cũng có những điểm sáng tích cực, như tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỉ đồng, đạt 101,3% dự toán năm.
Hoạt động tín dụng- ngân hàng duy trì và tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước. Lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỉ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ…
Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận thực tiễn cho thấy tổng thể kinh tế thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh những hệ quả về kinh tế- xã hội, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn thành phố cần đặc biệt quan tâm: quản trị thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thông cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố; từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai.
"Do đó, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới"- Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Kinh tế TP HCM sẽ phục hồi theo chữ V
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, thành phố đặt ra chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, lin hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".
Thành phố đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6%-6,5%, tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%...
Nói cụ thể về chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 6-6,5%, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,78% lên 6- 6,5% sau một năm là nhiệm vụ rất khó khăn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định với nền tảng hạ tầng kinh tế và lực lượng doanh nghiệp hiện hữu của thành phố, cùng với truyền thống sự năng động, sáng tạo vốn có, nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi; có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Nhà nước (Trung ương và thành phố) về tài chính, tín dụng, dịch vụ hành chính công và kiểm soát tốt dịch bệnh thì việc phục hồi kinh tế thành phố theo chữ V là điều hoàn toàn có thể.
"Đây còn là sự quyết tâm chính trị đưa TP HCM trở lại vị trị, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Nếu làm Vành đai 3 bằng phương thức PPP phải mất 29 năm
Liên quan dự án Vành đai 2, 3, tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh cho rằng báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tình hình rất khó khăn, không rõ thời điểm bố trí vốn.
“Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM có giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án Vành đai 2, 3?”- đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh hỏi.
Trả lời, Chủ tịch UBND TP HCM nói dự án Vành đai 2, thành phố cố gắng trong năm 2022 cân đối nguồn vốn để khởi động, hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Với Vành đai 3, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho TP HCM và các địa phương nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, vừa rồi TP HCM cùng các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai nghiên cứu PPP thì nhận thấy hình thức đầu tư này chưa khả thi, phải mất đến 29 năm để thực hiện.
Sau khi thống nhất với các tỉnh liên quan, TP HCM đã báo cáo với lãnh đạo các địa phương nghiên cứu, tiếp cận đầu tư công nhằm thực hiện Vành đai 3, quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Nếu ngân sách Trung ương khó khăn thì sẽ cân đối nguồn vốn địa phương để giải phóng mặt bằng.
Bình luận (0)