* Phóng viên: Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã được đưa vào triển khai gần 5 năm. Thành phố đã tận dụng những cơ chế trong nghị quyết ra sao, thưa ông?
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN
- PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: TP HCM đang triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Từ đó, thành phố sẽ đánh giá và có hướng đề xuất cụ thể với Quốc hội về việc gia hạn, bổ sung, điều chỉnh các nội dung của nghị quyết.
Một nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP HCM không chỉ cần thiết cho thành phố vào thời điểm 5 năm trước mà còn rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết 54 đã cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, sử dụng tài sản công để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố; hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại tổ chức kinh tế do UBND làm đại diện chủ sở hữu; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách...
Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương trên địa bàn thành phố, nghị quyết cho phép thành phố sử dụng nguồn lực từ ngân sách hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư để sớm hoàn thành... Đây đều là những cơ chế quan trọng giúp thành phố có động lực phát triển.
Nghị quyết được đưa vào triển khai gần 5 năm nay nhưng có hơn 2 năm nền kinh tế thành phố cũng như cả nước chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên không đạt kết quả như mong đợi, một số nội dung được triển khai còn chậm. Chẳng hạn, việc bán tài sản không sử dụng của tổ chức, cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố không thể thực hiện được nếu như không có sự giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc thanh lý.
Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng luật đô thị đặc biệt cho TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU
* Theo ông, một nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TP HCM bứt phá có vai trò quan trọng ra sao trong giai đoạn tiếp theo?
- Bối cảnh dịch bệnh càng đặt ra đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 hoặc tiếp tục gia hạn nghị quyết này để tạo điều kiện cho TP HCM khơi thông nguồn lực và phát triển trở lại. Bên cạnh đó, về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng luật đô thị đặc biệt cho TP HCM. Việt Nam chỉ có 2 đô thị đặc biệt là TP Hà Nội và TP HCM. Hiện Hà Nội đã có Luật Thủ đô, còn TP HCM chưa có luật đặc thù, trong khi thành phố có những đặc điểm về địa bàn, vị trí, dân số, kinh tế... khác hẳn các tỉnh, thành khác.
Mấy năm gần đây, đà tăng trưởng của TP HCM đã chậm lại, nhiều động lực giảm sút. Nguyên nhân một phần bởi diễn biến của dịch Covid-19 nhưng phần quan trọng khác do còn nhiều điểm nghẽn trong thể chế, hạ tầng, đặc biệt là tình trạng ngập nước, kẹt xe, quá tải bệnh viện và trường học, thiếu nguồn lực... Qua quan sát thực tế có thể thấy rõ điểm nghẽn tồn tại ở cả sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến giao thông đường bộ, cảng Cát Lái... Chưa kể, chi phí thuê đất, chi phí logistics lớn cũng gây nhiều bất lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong giai đoạn tiếp theo, để có nguồn lực tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, thành phố cần tiếp tục kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố ở mức hợp lý hơn (tỉ lệ này hiện nay chỉ là 21%).
* Để thuyết phục trung ương cho phép thành phố được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố có cam kết thực hiện tốt các nhiệm vụ để đóng góp vào ngân sách nhà nước?
- Với một số nội dung trong Nghị quyết 54 còn được chậm triển khai, thành phố phải rốt ráo thực hiện. Trong đó, thành phố sẽ sớm quyết định điều chỉnh danh sách doanh nghiệp cần thoái vốn, cổ phần hóa.
Đặc biệt hơn cả, thành phố cần nhanh chóng triển khai các nội dung cụ thể của "Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM" bởi đây là động lực mới, quan trọng cho thành phố phát triển. Song song đó, đề xuất một nghị quyết riêng về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức hoặc xây dựng một chương về TP Thủ Đức trong nghị quyết về cơ chế đặc thù của TP HCM cũng là việc cần thiết.
Tất nhiên, để thành phố có thể hoàn thành nhiệm vụ "đầu tàu" kinh tế, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước, tháo gỡ thể chế, chính sách là rất quan trọng. Chỉ khi có thể chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho TP HCM thì thành phố mới có thể thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, những "đại bàng" đến từ Mỹ, châu Âu. Trong đó, ưu đãi về thuế, đất đai là câu chuyện cần tính toán.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể:
Đầu tư cho giao thông
Hiện giao thông của TP HCM ách tắc khắp nơi. Các cửa ngõ của TP HCM đi về các tỉnh trong vùng cũng ách tắc, đi lại rất khó khăn. Tình trạng giao thông ở các cảng tại TP HCM đang tắc nghẽn nghiêm trọng, đặt biệt là quanh cảng Cát Lái. Khi dân số tăng, kinh tế - xã hội phát triển thì tình hình kẹt xe tại TP HCM sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Tôi đánh giá cao khi TP HCM xác định giao thông đang là điểm nghẽn và thể hiện quyết tâm cao sẽ cải thiện tình trạng này trong thời gian tới. TP HCM cần thực hiện các giải pháp tháo gỡ, như tập trung đầu tư nhà ga T3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Hiện vấn đề này đang vướng ở chỗ bàn giao đất quốc phòng để mở rộng nhà ga T3.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:
Đẩy mạnh liên kết vùng
Liên kết vùng giữa TP HCM với các tỉnh trong khu vực là vô cùng quan trọng. Thời gian trong và sau dịch Covid-19 cho thấy rất rõ vai trò của liên kết vùng của TP HCM với các tỉnh phía Nam. Quá trình sản xuất và lưu thông các hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... càng thấy rõ vai trò cực kỳ quan trọng của TP HCM. Các sản phẩm của các tỉnh trong vùng sản xuất ra muốn bán được đều đưa về TP HCM.
Để bứt phá, giải phóng được năng lượng thật sự của TP HCM thì phải làm sao đẩy mạnh liên kết vùng mạnh hơn nữa, bằng cách kết nối giao thông giữa TP HCM với các tỉnh, kể cả quốc lộ lẫn tỉnh lộ. Nếu như nâng cấp được các loại hình giao thông giữa TP HCM và các tỉnh trong khu vực sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Vì vậy rất cần một nghị quyết liên tịch để khẳng định mối liên kết đó.
Ngoài định hướng của Đảng và Nhà nước thì sự chủ động của TP HCM và các địa phương trong vùng cũng rất cần thiết, chẳng hạn TP HCM và các địa phương ký kết nghị quyết liên tịch, xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên trong liên kết vùng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:
Nhiều giải pháp đưa du lịch trở lại mạnh mẽ
Là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất nước và du lịch đóng góp trung bình 10%-12% vào GRDP của TP HCM trong giai đoạn trước dịch Covid-19. TP HCM đã xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm và hoạt động du lịch là đòn bẩy cho nhiều ngành khác như dịch vụ, vận chuyển, ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí... Đặc biệt, chuỗi cung ứng hàng hóa không chỉ của thành phố mà còn của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Từ tháng 10-2021, TP HCM đã triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch với 3 giai đoạn tương ứng với lộ trình phòng chống, kiểm soát dịch và phối hợp các tỉnh, thành để tổ chức tour, tuyến liên tỉnh và liên vùng nhằm từng bước kích thích nhu cầu du lịch của người dân, khởi động lại hoạt động của hệ sinh thái du lịch.
Ngành du lịch thành phố cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp để đón khách nội địa và sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế trở lại ngay trong tháng 3-2022, với các nhóm giải pháp trọng tâm như nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch, các sản phẩm, sự kiện du lịch hiện có và phát triển thêm sản phẩm đặc trưng. Đẩy mạnh truyền thông về điểm đến Việt Nam và TP HCM trên các kênh quốc tế, trong đó tập trung cho các thị trường trọng điểm, thị trường nguồn, kênh quốc tế có uy tín về du lịch...
Phan Anh - Thái Phương ghi
Bình luận (0)