Đó là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại hội nghị "Giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước TP HCM" do Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải TP HCM tổ chức chiều 17-5.
Ths.Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, cho biết hầu hết hệ thống cống thoát nước của TP được đầu tư từ thời Pháp, chỉ đáp ứng cho dân số khoảng 2 triệu người nhưng hiện nay, dân TP đã tăng lên gấp 5 lần.
Trong quá trình xây dựng, một số tuyến đường chính đã được nâng cao theo đúng cao trình quy hoạch (+2 m). Dù vậy, đa số nhà dân không có đủ điều kiện để nâng cao cốt nền nhà cho đồng bộ với việc nâng cấp đường, dẫn đến nền nhà thấp hơn đường.
Công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu. Do đó, thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư cũng đã trở nên quá tải.
Địa hình bị lún cộng với biến đổi khí hậu, trong khi quy hoạch chống ngập của TP quá lỗi thời dẫn đến nhiều khu vực sẽ còn ngập kéo dài.
PGS-TS Lê Văn Trung, Chủ nhiệm Bộ môn Hệ thống thông tin Tài nguyên và Môi trường – Trường ĐH Bách Khoa, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa – Bản đồ TP HCM, cho rằng dù theo quy định cao độ nền hiện nay trên địa bàn TP là 2 m nhưng trong khu vực nội thành vẫn còn nhiều tuyến đường có cao trình < 1,6 m. Các công trình giao thông và khu vực dân cư mới được xây dựng có cao độ nền < 2 m do tham chiếu độ cao mốc quốc gia đã bị lún để làm số liệu gốc thi công. Thực tế, độ cao mốc bị hạ thấp từ 0,3 m đến 0,5m so với số liệu được cấp nên ảnh hưởng rất lớn giữa thiết kế và thi công các công trình.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thành sông trong một lần gặp mưa kết hợp triều cường.
Theo ông Trung, kết quả đo thủy chuẩn mặt cắt các tuyến đường năm 2010 cũng cho thấy phần lớn các tuyến đường ngập triều đều phân bố tại những khu vực bị ảnh hưởng lún. Kết quả giám sát lún mặt đất từ năm 2010 đến 2017 cho thấy có những khu vực trước đây không bị ngập triều nhưng do mặt đất hạ thấp và sự dâng cao mực nước biển theo thời gian đã dẫn đến ngập triều trong những năm gần đây.
Hiện nay, cao độ nền ngày càng thấp đi do ảnh hưởng lún mặt đất, kết hợp với mức thủy triều ngày càng dâng cao (triều cường đạt đỉnh 1,7 m) do biến đổi của khí hậu. Do đó, để chống ngập cho TP, đòi hỏi tiêu chuẩn thoát nước và chống ngập phải tính đến ảnh hưởng đồng thời của sự hạ thấp mặt đất và sự dâng cao của mực nước biển. Quy hoạch thoát nước cần xác định chính xác hiện trạng cao độ nền, vùng ngập liên quan triều cường, để có giải pháp phòng chống hiệu quả.
Nếu không có sự thay đổi trong công tác chống ngập thì trình trạng này còn kéo dài và chưa có hồi kết.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, phân tích là do thông tin cao độ nền đã có sự thay đổi, TP HCM đang bị lún và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì vậy phải tìm cách để nâng cao cốt nền hoặc đắp đê mới có thể hy vọng giải quyết được bài toán chống ngập.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng cần tìm nguồn vốn để triển khai hoàn thành Quy hoạch 1547 và 752 với tổng số vốn đầu tư khoảng 96.000 tỉ đồng. Trong khi đó, đại diện liên doanh tư vấn quốc tế Sweco-Sudio Niho (đơn vị tư vấn rà soát quy hoạch) cho rằng 2 dự án này hiện nay không còn phù hợp vì đã được lập từ rất lâu. Hiện nay, để chống ngập một cách căn cơ cho TP, cần tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM, cho biết sẽ kết hợp với sở Tài nguyên và Môi trường TP tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, từ đó tham mưu cho TP để đưa ra giải pháp chống ngập một cách hiệu quả nhất.
Bình luận (0)