Lúc 20 giờ ngày 15-10, chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" do Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) phối hợp tổ chức đã diễn ra với chủ đề "Các vấn đề y tế và hỗ trợ an sinh trong điều kiện bình thường mới". Tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu và Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng đã đối thoại trực tiếp với người dân thành phố về các vấn đề an sinh và y tế.
Người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch
Hiện TP HCM đang xây dựng các tiêu chí. TP HCM có 9 bộ tiêu chí ở từng lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Các hoạt động phải bảo đảm theo Bộ Tiêu chí mới hoạt động. Giám đốc Sở Y tế mong người dân không chủ quan. "Chúng ta đang ở "vùng cam" thì càng phải tuân thủ nghiêm. Nếu nghĩ chúng ta tốt rồi, xanh rồi, thoải mái mà không còn tuân thủ 5K thì chúng ta sẽ chuyển qua "vùng đỏ" lúc nào không hay" - ông Thượng khuyến cáo.
Trả lời câu hỏi của người dân về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Y tế đặc biệt nhấn mạnh TP HCM chưa ở giai đoạn "bình thường mới". "TP HCM mới cơ bản kiểm soát được dịch, chuyển từ cấp độ xấu nhất là cấp độ 4 "vùng đỏ" xuống cấp độ 3 là "vùng cam". Nếu tình hình dịch tiếp tục chuyển biến tốt, người dân thực hiện nghiêm 5K và bao phủ tiêm vắc-xin thì mới có thể tiến tới cấp độ 2 là "vùng vàng", sau đó tiến tới cấp độ thấp nhất là cấp độ 1 là "vùng xanh" thì lúc đó mới bình thường mới" - ông Tăng Chí Thượng nói.
Giám đốc Sở Y tế khuyên người dân không nên hiểu nhầm và nhấn mạnh lần nữa là TP HCM mới chỉ cơ bản kiểm soát được dịch. Theo ông, rất cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu và có ứng xử phù hợp. Việc TP HCM chuyển được cấp độ dịch từ "vùng đỏ" xuống "vùng cam" là một nỗ lực cực kỳ lớn của cả thành phố, người dân cần tiếp tục giữ tinh thần cảnh giác và nâng cao ý thức.
"Chúng ta chuyển sang trạng thái mới là thích ứng, nói nôm na là sống trong môi trường có Covid-19 với những chuyển đổi, thay đổi. Người dân có biểu hiện ho, sốt thì phải đi khám tầm soát, nếu có điều kiện test nhanh tại nhà thì nên kiểm tra. Nếu dương tính phải báo ngay với cơ sở y tế phường để được hướng dẫn chăm sóc tại nhà và được cấp thuốc" - ông Tăng Chí Thượng thông tin thêm.
Một điều chỉnh nữa, theo ông Tăng Chí Thượng, là TP HCM sẽ thay đổi, chuyển sang xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên ở những nơi nguy cơ cao như siêu thị, trường học…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu và Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng (ngồi giữa) trực tiếp giải đáp thắc mắc của người dân trên sóng livestream tối 15-10
App An sinh quá tải
Theo kế hoạch đến ngày 15-10, TP HCM sẽ chi xong gói hỗ trợ thứ 3. Tuy nhiên, tại chương trình, nhiều người dân phản ánh vẫn chưa được nhận. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu giải thích rằng có nhiều người trong danh sách đã được thẩm định nhưng chưa kịp phát.
Trước phản ánh của người dân gần đây không truy cập được app An sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM cho biết cùng với các chương trình hỗ trợ truyền thống, thành phố cũng xây dựng app An sinh. Vừa qua Trung tâm An sinh TP HCM cũng đã tổ chức Chương trình "Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương" với chủ đề "Triệu người có giúp nhiều người khó" trên ứng dụng An sinh của Trung tâm An sinh TP HCM. Chương trình được thiết kế để nhà hảo tâm và người cần trợ giúp có thể tương tác trực tiếp trong suốt quá trình trao và nhận dưới sự giám sát và điều phối của Trung tâm An sinh thành phố. "Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, chúng tôi không lường hết được nhu cầu của bà con nhiều hơn dự tính. Có rất nhiều người dân đăng ký nên thời gian qua app An sinh đã bị nghẽn. Tuy nhiên, đến hôm nay, app cơ bản đã điều chỉnh được lỗi kỹ thuật nên người dân có thể đăng ký trở lại bình thường" - bà Tô Thị Bích Châu cho hay.
Đối với phản ánh đã đăng ký được app An sinh, đã được duyệt nhưng chưa được nhận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM trao đổi: "Sau khi người dân đăng ký, chúng tôi sẽ chuyển về địa phương để xác nhận. Quy trình này thường mất 3-5 ngày. Sau khi có kết quả xác nhận từ địa phương, thông tin người cần hỗ trợ mới được chuyển sang các nhà hảo tâm".
2 tiêu chí nhận biết cấp độ dịch
Tại chương trình, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết trong suốt gần 10 ngày qua, khi nhận được bản thảo của Chính phủ về nghị quyết này, TP HCM cũng đã góp ý một số tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế. Đánh giá nhanh, sơ bộ thì có 2 tiêu chí để nhận biết TP HCM ở cấp độ dịch. Đó là số ca mắc mới/100.000 dân/1 tuần và tỉ lệ người 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin, ít nhất 1 mũi. Theo Giám đốc Sở Y tế, hiện TP HCM có tỉ lệ người 18 tuổi trở lên tiêm vắc-xin rất cao, trên 98%, TP HCM đã đạt tiêu chí này. Tiêu chí còn lại thì thành phố đang giảm dần số ca mắc mới. Nếu quy ra tổng số ca mắc trên 1 tuần/100.000 dân thì trong vòng 2 ngày gần đây, TP HCM dao động ở mức 150 ca. Nếu trên 150 ca thì TP HCM ở mức độ 3 là "vùng cam" - nguy cơ cao, dưới 150 ca thì ở mức độ 2 là "vùng vàng" - nguy cơ. "Nếu tính ở thời điểm hiện nay thì TP HCM đang ở tạm "vùng cam", có thể một vài ngày tới, thành phố có thể chuyển qua "vùng vàng". Trạng thái nguy cơ thay đổi theo thời gian. Chính vì thế, hằng tuần phải đánh giá lại cấp độ dịch tùy theo số ca mới" - ông Tăng Chí Thượng nói.
Bình luận (0)