Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP HCM giai đoạn 2020-2045, kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030 vừa được UBND TP HCM phê duyệt. Đề án đưa ra chỉ tiêu trong giai đoạn 2020-2025: 80% dân số đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước, 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
Sẽ khởi công hàng loạt dự án
Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND TP HCM cho biết TP sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình bằng cách huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện các dự án thoát nước đồng bộ theo lưu vực thoát nước như vốn ODA, vốn xã hội hóa... thực hiện theo hình thức PPP. Trước mắt, TP sẽ đưa vào khai thác và bảo quản các công trình xây dựng thuộc dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, TP HCM sẽ cân đối, bố trí vốn ngân sách cho các dự án cấp bách có nguồn vốn đầu tư ít và ưu tiên các công trình xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước, có tính giải quyết ngập cấp bách. Nguồn vốn ODA sẽ được ưu tiên để đầu tư các dự án lớn như cải tạo, nạo vét các tuyến kênh chính, hệ thống thu gom, cống bao của các lưu vực nước thải. Còn nguồn vốn xã hội hóa sẽ ưu tiên mời gọi đầu tư các công trình có tính kết hợp xử lý chống ngập cho lưu vực kết hợp giải quyết ô nhiễm môi trường và chỉnh trang đô thị.
TP HCM sẽ sớm đưa vào khai thác và bảo quản các công trình xây dựng thuộc dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đáng chú ý, trong năm 2021 sẽ khởi công dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm ở quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp và dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP HCM (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên). Hai dự án này sẽ hoàn thành năm 2025. Dự án nạo vét trục thoát nước kênh Đôi, kênh Tẻ và rạch Bến Nghé nhằm tăng cường thoát nước trong nội thành cũng được khởi công trong năm 2021 và hoàn thành vào năm 2023.
Đến năm 2022, TP sẽ khởi công dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3) và hoàn thành vào năm 2027. Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn sẽ được khởi công năm 2023 và hoàn thành vào năm 2028. Ngoài ra, TP HCM sẽ đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải là xây dựng hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hoàn thành dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2). Đồng thời mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện thi công hoàn thành giai đoạn 2026-2030. Theo tính toán của TP HCM, sau khi hoàn thành các nhà máy xử lý nước thải trên, tỉ lệ nước thải được xử lý trên toàn TP đạt 88,3%.
Tăng khả năng thích nghi
UBND TP đánh giá TP HCM là 1 trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới. Theo dự báo khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của TP HCM đến cuối thế kỷ XXI lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473 km2 tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65 cm, 75 cm và 100 cm. "Khả năng để kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới; cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất" - UBND TP HCM nhìn nhận.
Do đó, ngoài các giải pháp công trình, TP HCM cũng nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước. Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
TS Hồ Long Phi - chuyên gia cao cấp của EnCity Singapore, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP HCM, nói ông đồng tình với các giải pháp trên của TP và cho rằng các giải pháp trên phải được thực hiện một cách đồng bộ mới phát huy hiệu quả.
Góp ý thêm về giải pháp chống ngập, TS Hồ Long Phi nói trước thực trạng sụt lún, nước biển dâng thì TP HCM cần tính đến chuyện xây dựng quy hoạch sống chung với nước. Cụ thể là thực hiện giải pháp vừa ngăn chặn vừa thích nghi, bảo đảm không gian dành cho nước trong đô thị như trữ, thoát và thấm nước; đồng thời tăng cường chống chịu, giảm nhẹ thiệt hại khi ngập xảy ra. "Hiện nay, TP đang thực hiện nhóm giải pháp thứ nhất là ngăn chặn, đó là xây đê, cống thoát nước, nâng nền, bơm nước để chặn ngập xảy ra. Nhưng nhóm giải pháp này có nhược điểm là "cứng", không thích nghi kịp những biến động đầu vào như mưa nhiều, triều cường nên giải pháp này sẽ bị lạc hậu. Thực tế của TP HCM trong hơn 20 năm qua đã thấy rõ điều này. Chính vì những hạn chế từ nhóm giải pháp thứ nhất nên phải thực hiện nhóm giải pháp thứ hai là thích nghi thông qua hồ điều tiết, tăng phần nước thấm xuống tầng dưới qua mảng xanh" - TS Hồ Long Phi phân tích.
Công trình đưa vào sử dụng phải có hệ thống thoát nước
UBND TP HCM giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và các sở, ngành, đơn vị tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời tổ chức lực lượng chuyên ngành kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng. Đặc biệt, tổ chức kiểm tra kỹ các công trình, dự án trước khi được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng trên địa bàn TP, trong đó phải có hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ phục vụ thoát nước.
Bình luận (0)