Ngày 18-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức hội thảo về "Thực trạng và các giải pháp giảm ngập nước trong 5 năm qua và chỉ tiêu định hướng cho 5 năm tới tại TP HCM". Nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý cấp phường và khu phố chưa thật sự tốt khi tình trạng đổ thức ăn thừa xuống cống, vứt rác bừa bãi khiến ngập phát sinh ở những nơi chưa từng ngập.
Mấy cơ quan mới xử lý được 1 xe đổ rác trộm
Là địa phương có không ít điểm ngập xuất phát từ ý thức kém của người dân và sự quản lý lỏng lẻo của phường và khu phố, đại diện UBND quận 9 nêu ra hàng loạt khó khăn khi nói về việc này. "Việc xử phạt trường hợp đổ rác trộm cực kỳ khó. Muốn xử lý một xe 3 bánh đổ rác xây dựng phải có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng và phối hợp chặt chẽ như công an, thanh tra giao thông, CSGT… Có khi thấy bóng dáng cơ quan nhà nước, chủ xe đậu lề đường 3-4 chiếc rồi đi uống cà phê" - vị này phân bua.
Một công nhân nhiều năm làm việc ở Công ty Thoát nước đô thị TP HCM cho rằng ngập nước hiện nay không chỉ do mưa lớn, triều cường mà tác động rất lớn từ ý thức của người dân. Theo quan sát của anh thời gian gần đây, hiện tượng ngập nước diễn ra ngay tại trung tâm TP như khu vực Chợ Lớn (quận 5) và chợ Bến Thành (quận 1). Nguyên nhân là do người dân kinh doanh các quán ăn đổ thẳng thức ăn thừa xuống lòng cống. Xả rác ra đường và mưa xuống cuốn về làm tắc nghẽn miệng cống.
Để việc chống ngập thực sự hiệu quả, trước mắt TP HCM cần hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước đấu nối từ hẻm nhỏ ra hẻm lớn và thông ra các tuyến đường Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cụ thể hơn, anh công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP HCM dẫn chứng tại hẻm 976 Trần Hưng Đạo (phường 7, quận 5), mỗi tháng công nhân đều phải móc miệng cống lên vì thường xuyên xuất hiện mỡ bò và chất thải từ thịt bò đổ xuống. Hay như con đường Bùi Hữu Nghĩa (quận 5) trở thành con đường ám ảnh nhất đối với công nhân thoát nước. Nơi đây có 2 cửa hàng vịt quay và không ngừng đổ mỡ động vật xuống cống. Mỗi lần nhóm công nhân nào nhận việc nạo vét chỗ này đều phải bỏ ăn bởi chỉ cần mở nắp lên đã nổi da gà khi mùi hôi thối bốc lên. "Nếu không nạo vét ngay, nơi đây sẽ ngập gây hôi thối cả khu dân cư" - anh công nhân thoát nước phân tích và cho rằng cần phải xử nghiêm hành vi này mới mong giảm ngập.
Cũng liên quan đến trách nhiệm quản lý tại địa phương, kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TP HCM, nêu bài học lấp kênh Hàng Bàng năm 2000 thay bằng cống hộp, sau 15 năm TP phải chi 2.000 tỉ đồng đào lên trả lại kênh hở tự nhiên. Vậy mà hiện nay, nhiều nơi đề xuất dự án san lấp kênh rạch để thay thế cống hộp mà không xem xét bài học đắt giá trên. "Cần chấn chỉnh ngay và hạn chế tối đa việc lấp kênh, rạch. Kế đến, phải xử nghiêm hành vi vứt rác xuống kênh để bảo đảm cho dòng chảy. Hai việc này nếu thực hiện tốt sẽ phát huy hiệu quả trong việc chống ngập" - kỹ sư Tuấn nêu.
Những việc cần kiên trì thực hiện
Ngoài những việc cần làm ngay nêu trên, theo kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, để việc chống ngập thực sự đồng bộ, TP cần hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước đấu nối từ hẻm nhỏ ra hẻm lớn và thông ra các tuyến đường. "Đó là chống ngập do mưa, riêng về triều cường, TP khó có thể đủ kinh phí nâng 1.500 km2 diện tích đất cao hơn mực nước dâng. Do đó, giải pháp phù hợp và khả thi nhất là đẩy mạnh việc xây dựng các cống ngăn triều để thành một hệ thống hoàn chỉnh" - ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.
Mỗi lần nạo vét cống trên đường Bùi Hữu Nghĩa là mỗi lần công nhân lại ám ảnh với mùi hôi từ mỡ động vật được đổ xuống cống vón thành từng tảng Ảnh: LÊ PHONG
ThS Nguyễn Ngọc Thiệp, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng các quy hoạch gần đây được thực hiện chung với các nhà tư vấn có uy tín và áp dụng trí tuệ nhân tạo, song thật sự chưa thành công. Bởi các góp ý chỉ mang tính một chiều, chưa nhận sự phản hồi tích cực từ xã hội. Mâu thuẫn hiện nay là một số vị trí rất cao thì bị ngập, vùng tự thoát nước tự nhiên lại đưa vào diện thoát nước bằng giải pháp làm đập và bơm nước khi xảy ra sự cố. Trong khi, các ban quản lý đầu tư và một bộ phận cán bộ xem việc bê-tông hóa là một thành tích đạt được trong công việc. Đơn cử như làm vỉa hè, đường và công viên bằng thảm bê-tông, gạch nhân tạo không thấm… "Quy hoạch thiếu không gian cho nước trú là những quyết định sai lầm. Giải pháp cần thiết là nạo vét bề mặt tất cả các kênh, rạch và cụ thể hóa hình thức khen, phạt, khuyến khích người dân giám sát việc xả rác" - ThS Thiệp đề xuất.
TS Đặng Vũ Trọng, chuyên gia đến từ Canada, đề xuất giải pháp dùng hóa chất để giải quyết ngập. Các nghiên cứu cho thấy khi bỏ tạp chất polymer (tên viết tắt đầy đủ DRP) vào trong nước sẽ tăng công suất dòng chảy lên đến 30%-40%. Công nghệ này đã áp dụng thành công tại Anh, Mỹ và cả Canada. Kết quả cho thấy nước được đẩy nhanh ra khỏi hệ thống cống, hạn chế tắc nghẽn và mực nước mặt đường hạ xuống rõ rệt. Chất này không ảnh hưởng sức khỏe và hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, giải pháp này tương đối rẻ hơn so với các giải pháp dùng bơm.
Hoàn thiện hệ thống thoát nước vùng ven
Ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM, thừa nhận hệ thống thoát nước TP có từ thời Pháp, Mỹ chỉ với quy mô 2 triệu dân, nay tăng gấp 5 lần và khối lượng cống thoát nước chỉ đạt gần 70% so với yêu cầu. Ngoài ra, hệ thống cống đã xuống cấp, biến dạng và không đồng bộ khi đấu nối ở cửa xả. Lòng rạch bị bồi lắng và trữ nước rất kém.
Trong giai đoạn tới, TP HCM tập trung xây dựng các hồ điều tiết và ứng dụng công nghệ vào công tác vận hành sử dụng hệ thống thoát nước. Đặc biệt, đẩy nhanh việc hoàn thiện phát triển hệ thống thoát nước thuộc các quận 9, Thủ Đức, 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi...
Chuyện bi hài giữa điểm ngập
Hai năm trở lại đây, điểm ngập lớn nhất tại quận 7 (TP HCM) nằm ngay giao lộ Phú Thuận - Huỳnh Tấn Phát. Tình trạng trở nên nghiêm trọng đến mức mỗi khi triều cường xảy ra, Đội CSGT Nam Sài Gòn phải bố trí xe tải để vận chuyển người dân ra khỏi rốn ngập. Bà Lê Thị Tính, 49 tuổi, hộ dân ở đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Thuận, quận 7) cho biết trong vòng 3 năm đã phải nâng nền nhà 2 lần nhưng vẫn không đối phó được các đợt nước ngập. "Ngập không chống được còn phải chịu cảnh khổ sở mỗi khi dắt được xe lên nhà. Bậc tam cấp hiện giờ so với vỉa hè cao gần nửa mét, phụ nữ, người lớn tuổi khi đi làm về muốn dắt xe phải nhờ sự trợ giúp của những người khỏe mạnh" - bà Tính than thở.
Người dân bì bõm trong nước ngập trên đường Huỳnh Tấn Phát, mỗi khi mưa xuống, triều lên Ảnh: LÊ PHONG
Khổ không kém, cư dân ở đường Trần Xuân Soạn (quận 7) đều đặn mỗi tháng 2 lần, cứ canh ngày mùng 1 âm lịch và 15 âm lịch tranh thủ dời đồ đạc lên cao. Dù muốn hay không những ngày đó đường vào nhà luôn ngập nước. Cư dân nơi đây cho rằng chịu khổ riết thành quen nên cũng không còn than thở được nữa.
Mấy tháng nay, người dân ở đường Mễ Cốc, phường 15, quận 8 hễ cứ nghe có triều cường là nhanh chóng cử một người trong xóm ra bờ bao canh nước dâng. Bởi hồi tháng 9-2019, nơi đây đã xảy ra đợt vỡ bờ, nước tràn ra đường, hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh khốn khổ. Anh Lê Thành Phú (31 tuổi) nói anh luôn giật thót khi nước ngoài bờ bao dâng cao vì ám ảnh trận ngập vừa qua. "Tháng trước, nước mấp mé bờ bao, một chiếc sà lan chở cát chạy ngang, tạo sóng nước tràn vào phía khu dân cư khiến cư dân một phen khiếp vía. Vì vậy, giờ cứ đến ngày có triều cường là cử người ra canh cho chắc ăn để còn kịp ứng phó" - anh Phú kể.
Bình luận (0)