Chiều 4-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP và các sở, ngành liên quan về kết quả thực hiện Luật Trẻ em năm 2016.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Công an TP HCM cho biết tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn TP có xu hướng gia tăng mỗi năm. Cụ thể, 6 tháng cuối năm 2017 phát hiện 28 vụ, trong đó có 28 trẻ em bị xâm hại. Năm 2018, phát hiện 77 vụ trẻ em bị xâm hại, trong đó có 103 trẻ em bị xâm hại.
Theo Công an TP HCM, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại phần lớn là ở các quận, huyện ngoại thành, đặc biệt là các địa điểm có nhiều khách sạn, nhà lưu trú cho người lao động phổ thông giá rẻ. Đối tượng chủ yếu người lao động nhập cư, người có trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định nên khả năng nhận thức kém, bị ảnh hưởng của văn hóa phẩm đồi trụy nên không thấy được tác hại, hậu quả mình gây ra.
Đại diện các sở - ban - ngành phát biểu tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn TP vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số vụ việc không được trình báo ngay sau khi được phát hiện mà hai bên tự thoả thuận với nhau, đến khi thoả thuận không được thì mới tố giác. Khi đó, tài liệu chứng cứ, các dấu vết liên quan đã bị mất hoặc khó thu thập để chứng minh tội phạm hoặc đối tượng đã bỏ trốn, không có thông tin truy xét. Một số vụ việc có đối tượng gây án là thân nhân của nạn nhân, gia đình nạn nhân lấy lý do xấu hổ nên không trình báo hoặc sợ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ...
Một số trường hợp đặc biệt nạn nhân là nữ có tâm sinh lý phát triển sớm, dễ dãi trong lối sống, có mối quan hệ với người khác giới và nhiều lần quan hệ tình dục, quan hệ với nhiều người khác nhau, cố tình khai báo hạn chế để che giấu bản thân vì xấu hổ...
Đại diện Công an TP HCM cho biết 70% trẻ em dưới 13 tuổi bị xâm hại trong tổng số vụ xâm hại xảy ra từ cuối năm 2017 đến đầu 2018 có sự tự nguyện trong quan hệ tình cảm, tội phạm xâm hại không dùng bạo lực.
Từ đó, Công an TP HCM kiến nghị cần tổ chức nhiều hoạt động, chương trình vui chơi bổ ích cho trẻ em, lồng vào đó các nội dung giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống bị xâm hại. Gia đình thường xuyên theo dõi để nắm bắt các mối quan hệ, biến động tâm sinh lý của trẻ nhỏ, gần gũi và lắng nghe để tạo niềm tin cho trẻ tâm sự, dạy trẻ tự bảo vệ bản thân, tránh xa cái xấu.
Bình luận (0)