Ngày 7-12, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 8 (kỳ họp thường kỳ cuối năm) diễn ra từ ngày 7 đến 9-12. Dự phiên khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ đánh giá trong năm 2022, TP HCM đã đạt những kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 457.500 tỉ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so cùng kỳ (ước đạt khoảng 1/3 thu ngân sách cả nước). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng trên 9%.
Tuy nhiên, theo bà Lệ, dự báo thành phố năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, có thể làm chậm quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhắc lại 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới mà Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 19 vừa diễn ra, bà Lệ đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích sâu bối cảnh, đặc điểm tình hình của năm 2023, nhận rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ... Kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng. Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH năm 2023 và nhiều năm tới, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân thành phố.
Báo cáo về tình hình KT-XH năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cho biết dự báo những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, thành phố đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 nhằm thực hiện tốt chủ đề năm và phát triển KT-XH. Trong đó, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao; tập trung phát triển thị trường; đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là 4 chương trình trọng điểm, đột phá.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: Tấn Thạnh
Trong 28 tờ trình đã được UBND thành phố trình lên kỳ họp, có nhiều tờ trình xin chủ trương đầu tư, điều chỉnh vốn các dự án trọng điểm, quan trọng trên địa bàn. Cụ thể là tờ trình chủ trương đầu tư dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) để chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Tổng vốn thực hiện dự án là hơn 9.664 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Ngoài ra, UBND thành phố trình lên HĐND thành phố về nguồn vốn và khả năng cân đối đối với dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư. Theo đó, nguồn vốn bố trí cho dự án trên là 5.936 tỉ đồng ngân sách cho giai đoạn 2021-2025.
Đối với tờ trình Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố đề nghị HĐND xem xét tạm ngừng, giãn tiến độ 17 dự án với tổng số vốn giảm là hơn 1.400 tỉ đồng, nhằm phân bổ lại nguồn vốn hạn hẹp trong bối cảnh nhu cầu vốn của các dự án đầu tư công lớn. Mặt khác, UBND thành phố dự kiến bố trí vốn để điều chỉnh tăng, bổ sung kế hoạch đầu tư công cho các dự án cấp bách. Cụ thể, hơn 2.170 tỉ đồng cho 6 dự án thuộc quận, huyện; 6.650 tỉ đồng vốn để cân đối cho dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.
Cần giải pháp đột phá
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết những thành tựu thành phố đạt được có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với thành phố mà tác động quan trọng đến phát triển KT-XH của cả nước. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trong thành công chung của thành phố, HĐND thành phố đã đóng góp tích cực, kế thừa, phát huy, bám sát sự lãnh đạo của Thành ủy, đồng hành với UBND; trong hoạt động có nhiều đổi mới, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời. Cùng với sự đóng góp trí tuệ, trách nhiệm cao của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, hoạt động của HĐND thành phố đạt hiệu quả thực chất, thiết thực hơn; công tác chuẩn bị các kỳ họp rất bài bản, chu đáo, kỹ lưỡng; chất lượng các nghị quyết được nâng lên, sát với thực tiễn. Phương thức tổ chức giám sát được cải tiến; thông tin tuyên truyền được chú trọng, vai trò của HĐND ngày càng được khẳng định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị trong thời gian tới TP HCM kịp thời thể chế hóa, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là những nội dung rất quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt tại 5 hội nghị triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 5 vùng trong cả nước. Bên cạnh đó, thành phố cần những giải pháp đột phá, tích cực chuẩn bị các nội dung mà Bộ Chính trị đã cho ý kiến; tiếp tục thực hiện hiệu quả một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM để có thể trình Quốc hội khóa 15 trong kỳ họp gần nhất.
Bình luận (0)