Ngày 16-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với các sở - ngành để triển khai kết quả chuyến công tác tại Indonesia và Singapore từ ngày 21 đến 28-8 vừa qua (có phóng viên Báo Người Lao Động tháp tùng đoàn công tác).
Gấp rút lên kế hoạch
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết sau chuyến công tác, sở đã lên kế hoạch và đề xuất phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP tổ chức hội thảo, cuộc thi, giao lưu về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông theo hướng tạo lập các nền tảng kết nối để hướng đến nền kinh tế chia sẻ phục vụ quá trình chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực nhằm hướng đến kinh tế số. Ngoài ra, nhằm nâng cao nhận thức về quá trình chuyển đổi số và định hướng xây dựng Chính phủ số cho cán bộ quản lý của TP, Sở TT-TT đề xuất giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở TT-TT, Học viện Cán bộ TP tham mưu việc TP hợp tác với Cơ quan Công nghệ chính phủ của Singapore tổ chức hội thảo, đào tạo ngắn hạn cho cán bộ quản lý của TP về chuyển đổi số.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện đoàn lãnh đạo TP HCM gặp gỡ bà Indranee Rajah (thứ hai từ phải qua) - Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, Bộ trưởng thứ 2 Bộ Giáo dục Singapore Ảnh: TỐ TRÂM
Sở TT-TT nhận thấy trong thời gian vừa qua, TP Jakarta - Indonesia đã triển khai thành công việc tích hợp các cơ sở dữ liệu. Do đó, Sở TT-TT đề xuất giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp Sở TT-TT tham mưu UBND TP ký hợp tác với TP Jakarta để triển khai Đề án đô thị thông minh. Về các ứng dụng quản lý, vận hành giao thông thông minh, Sở TT-TT phối hợp Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan triển khai nền tảng tích hợp cho giao thông thông minh để tạo lập hệ sinh thái ứng dụng phục vụ cho quản lý, vận hành giao thông thông minh, đô thị thông minh.
Sở Quy hoạch Kiến trúc TP báo cáo đã mời đại diện Trung tâm các TP đáng sống của Singapore làm chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi tuyển quốc tế quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đề nghị Trung tâm các TP đáng sống của Singapore làm đầu mối tổ chức khóa học tập, trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn về quản lý quy hoạch không gian ngầm…Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP cho biết sắp tới TP sẽ thành lập hội đồng tư vấn giáo dục và đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (hội đồng gồm 10 người trong nước và 10 người nước ngoài, do chủ tịch UBND TP làm chủ tịch); thành lập Viện Quản lý giáo dục và đào tạo riêng cho TP HCM…
Chuẩn bị tốt nhất cho TP HCM
Trao đổi với phóng viên về lý do chọn thăm và làm việc tại 2 nước Singapore và Indonesia, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP HCM đang chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cần đánh giá tổng kết nhiệm kỳ 2015 - 2020 và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng TP nhiệm kỳ 2020 - 2025. Việc đi thăm và làm việc ở Singapore, Indonesia mới đây và làm việc với Hà Lan, Đức hồi tháng 5-2019 là để nhìn lại và hiểu thêm thách thức, nguy cơ phải đối đầu; cơ hội, giải pháp phát triển của TP; các lĩnh vực, cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác để phát triển… nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất. Từ những thông tin của chuyến đi cùng với hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, TP HCM có thể chuẩn bị đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI những chương trình hành động, những mục tiêu có cơ sở để thảo luận trong các giới của TP.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm: Singapore, Indonesia, Đức, Hà Lan là đối tác chiến lược của Việt Nam và đều có những mô hình tốt về vấn đề TP HCM đang quan tâm. Điển hình, Hà Lan có nhiều kinh nghiệm nhất về chống ngập, phát triển mạnh về khoa học - công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đô thị sáng tạo. Trong chuyến đi vừa qua, lãnh đạo TP đã ký kết chương trình hợp tác 10 năm về vấn đề chống ngập và cấp nước. Đức cũng là quốc gia rất mạnh về công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, trung tâm tài chính. Singapore mạnh về lĩnh vực quy hoạch đô thị; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục - đào tạo. TP HCM đã đề xuất ký thỏa thuận hợp tác trong 2 lĩnh vực này, đem lại lợi ích thiết thực cho hai bên. Với chuyến thăm Indonesia là nhằm tìm hiểu mô hình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế; hệ thống chương trình khởi nghiệp quốc gia; giao thông công cộng.
Nhiều bài học từ Singapore
Sau hơn 50 năm, từ một quốc đảo vốn là làng chài, Singapore đã trở thành nền kinh tế lớn, GDP đầu người đứng thứ 9 thế giới. "Bài học sâu sắc ở đây là khi đất nước không có tài nguyên gì thì hướng vào nguồn lực con người, xem chất lượng con người, trình độ quốc tế là lý do để đạt được phát triển quốc tế. Chúng ta vẫn nói nhân lực quyết định nhưng trong thực tế chưa đầu tư nhiều cho nhân lực" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Singapore đã nhìn thẳng vào đặc thù của đất nước và có giải pháp phù hợp. Không có tài nguyên thiên nhiên, đất đai ít, nước không đủ dùng, Singapore đã phát huy vị trí địa lý, lợi thế khí hậu nhiệt đới để trở thành thương cảng lớn của khu vực và thu hút du lịch. Khó khăn khi thành lập nước là 3 dân tộc chính nói 3 thứ tiếng, không tìm được ngôn ngữ quốc gia, Singapore phải chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chung, học sinh học tiếng Anh từ phổ thông và điều đó đã đem lại thuận lợi cho họ. "Chất lượng nguồn nhân lực được Singapore đặt lên hàng đầu và đây là ý thức quốc gia xuyên suốt" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Bài học thứ hai là chủ động phát triển thông qua việc dự báo trước và có kế hoạch. Singapore có Trung tâm Chiến lược tương lai quốc gia (hình thành năm 2009) nghiên cứu các xu hướng trên thế giới, từ đó dự báo nguy cơ đặt ra cho Singapore để tìm cách khắc phục, thời cơ có thể đến để chuẩn bị khai thác. "Từ khi mới thành lập, Singapore đã nhận ra một quốc gia nhỏ bé muốn tồn tại được trong một thế giới biến động thì dự báo là rất quan trọng để không để bị giật mình. Một đô thị thông minh là một đô thị không để bị giật mình bởi những thách thức xảy ra trong tương lai" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bài học thứ ba là vai trò nhà nước trong cơ chế thị trường. Dù theo cơ chế thị trường nhưng không để thị trường quyết định, dẫn dắt hoàn toàn đất nước. Chính phủ luôn có vai trò quan trọng trong phát triển quốc gia. Bài học thứ tư, thông qua quy hoạch và chính sách của nhà nước, giải quyết được nhu cầu rất căn bản của con người, đó là nhà ở. Bài học thứ năm, Singapore có cách chuẩn bị nhân lực lãnh đạo cho đất nước rất đặc biệt. Đất nước nhỏ, phải luôn luôn ứng phó với nhiều biến đổi bất ngờ, thách thức khác nhau, đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm nhìn, khả năng hiểu biết và làm việc được ở nhiều lĩnh vực. Đội ngũ lãnh đạo nhờ vậy vừa năng động vừa có tầm nhìn và suy nghĩ đa ngành, giúp họ có quyết định tối ưu.
Một số lĩnh vực TP HCM sẽ hợp tác
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, việc hợp tác dựa trên thế mạnh của Singapore, Indonesia và nhu cầu của TP HCM, trên cơ sở có tin cậy chính trị và không cạnh tranh lẫn nhau.
Cụ thể, với Singapore, TP HCM dự kiến hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển nhân lực. TP kiến nghị Singapore giúp hình thành Viện Phát triển giáo dục và nhân lực TP; phối hợp làm chương trình trường phổ thông trình độ quốc tế; hình thành chương trình đào tạo bậc đại học có trình độ quốc tế thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học của Singapore; phát triển giáo dục nghề nghiệp thích ứng với yêu cầu phát triển công nghệ 4.0; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) Singapore và Việt Nam đáp ứng một phần nhân lực của Singapore. Về quy hoạch đô thị và phát triển đô thị, sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ về quản lý đô thị TP HCM; hợp tác với các DN có kinh nghiệm về đô thị để rà soát, nâng cấp quy hoạch phát triển phù hợp với đặc thù của TP; hình thành và triển khai các dự án trọng điểm phát triển đô thị thu hút DN nước ngoài tham gia... Về khởi nghiệp sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là nghiên cứu kinh nghiệm phối hợp giữa các trường đại học, chính phủ, các DN và các nhà đầu tư tài chính.
Indonesia có hệ thống chương trình khởi nghiệp quốc gia tạo nên sự hỗ trợ mạnh mẽ của các địa phương (số DN sáng tạo và doanh số tài trợ tài chính lớn nhất ASEAN), TP HCM đã đề xuất Indonesia làm hội chợ khởi nghiệp sáng tạo.
T.Trâm
Bình luận (0)