Hôm nay (29-9), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cùng chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt là Ban Quản lý dự án giao thông) sẽ họp bàn các nội dung liên quan vấn đề triển khai dự án phát triển giao thông xanh TP HCM.
Đấu thầu 6 gói thầu xây lắp
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông, chủ đầu tư dự án - cho hay Ban Quản lý dự án giao thông đang chờ UBND thành phố có quyết định chính thức về cho phép sử dụng xe buýt điện cho dự án thay vì phát triển tuyến BRT như trước kia. Nếu được, dự kiến tháng 12-2022 đơn vị sẽ trình duyệt thiết kế, dự toán và đưa ra đấu thầu 6 gói thầu xây lắp gồm thi công tuyến, trạm dừng, nhà điều hành, nhà ga cuối tuyến...
Về phương tiện, ông Lương Minh Phúc cho hay trong năm đầu vận hành tuyến sẽ có 40 xe buýt điện đưa vào khai thác, việc đầu tư xe thông qua đấu thầu kêu gọi xã hội hóa.
Để chuẩn bị triển khai dự án, Sở GTVT và Ban Quản lý dự án giao thông đang khẩn trương xây dựng định mức và đơn giá dùng cho xe buýt điện. Trường hợp chưa xây dựng xong định mức và đơn giá thì kiến nghị thành phố xin cơ chế đặc thù của Chính phủ.
Dự án phát triển giao thông xanh TP HCM có lộ trình dài 26 km chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 1-2015, dự kiến đầu tư 27 xe sử dụng nhiên liệu CNG ở giai đoạn đầu.
Hồi tháng 1-2022, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố kết luận điều chỉnh một số nội dung dự án trên, thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai dự án, đầu tư 42 xe bằng CNG hoặc bằng điện theo hình thức xã hội hóa bằng cách kêu gọi đấu thầu lựa chọn đơn vị khai thác vận hành tuyến.
TP HCM kỳ vọng sau khi dự án đưa vào hoạt động, với làn đường riêng sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển, bảo đảm an toàn, hiện đại hơn. Từ đó, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm ùn tắc.
Đại lộ Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt dự kiến có tuyến xe buýt xanh với làn đường ưu tiên
WB muốn mở rộng tài trợ
Do dự án được thay đổi từ đầu tư phát triển tuyến BRT số 1 sang tuyến xe buýt xanh chất lượng cao với làn đường riêng nên UBND TP HCM phải làm việc, thuyết phục Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý nội dung điều chỉnh. Ngoài ra, thành phố phải xin gia hạn hợp đồng vay vốn với WB do hết hạn vay.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 19-9 giữa lãnh đạo UBND TP HCM với đoàn công tác của WB, 2 bên thống nhất tạm ngừng thực hiện dự án và nghiên cứu đề xuất triển khai dự án mới đáp ứng tình hình phát triển giao thông hiện nay của thành phố. Theo đó, dự án mới không chỉ có tuyến xe buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên mà thêm nhiều dự án khác mà WB muốn mở rộng tài trợ như phát triển hệ thống giao thông đường thủy, mở thêm tuyến xe buýt chất lượng cao TP Thủ Đức - Phạm Văn Đồng - Tân Sơn Nhất...
Nhận định về việc phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP HCM là cần thiết trong 5-10 năm tới, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thành phố, phân tích để thu hút hành khách đi xe buýt, ngoài những tuyến buýt truyền thống như hiện nay, thành phố cần kêu gọi các nhà đầu tư phát triển thêm các tuyến xe buýt điện loại nhỏ từ 8 đến 16 chỗ, dễ luồn lách, tiếp cận hành khách tại các khu đô thị, khu dân cư mới... Cùng với đó là đầu tư các tuyến xe buýt chất lượng cao, có làn đường riêng, bảo đảm đúng hành trình, tiết kiệm thời gian đi lại cho hành khách.
ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TP HCM, cho rằng mở rộng các loại hình, phương thức giao thông công cộng trên địa bàn thành phố là điều kiện cần thiết để thu hút hành khách tham gia phương tiện công cộng. Trong đó, tuyến xe buýt xanh có làn đường ưu tiên chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ cần sớm thực hiện. Cũng theo TS Lê Trung Tính, để tuyến xe buýt xanh hiệu quả, cần lưu ý triển khai các tuyến xe buýt gom quanh các khu dân cư dọc hành lang tuyến.
Bình luận (0)