Sau hơn 4 tháng thử nghiệm, mô hình xe đạp công cộng tại TP HCM do Tập đoàn Trí Nam đầu tư ngày càng thu hút người dân sử dụng. Không chỉ giới trẻ, học sinh, sinh viên thích thú đạp xe đi học, ngắm cảnh mà nhiều người lớn tuổi cũng mạnh dạn cài app, đạp xe để rèn luyện sức khỏe.
Hào hứng với sự tươi mới
Trên các tuyến đường Hàm Nghi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn… - nơi đặt những trạm xe đạp công cộng, luôn có khách đến thuê xe, nhất là buổi sáng và chiều tối. Nhộn nhịp nhất có lẽ là trạm xe đạp tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nơi đây thường xuyên được các bạn trẻ "check in", thuê xe để cùng nhau khám phá trung tâm thành phố. Thống kê cho thấy có đến 60% người đi xe đạp công cộng trong độ tuổi 22-40 và khoảng 20% từ 40-60 tuổi.
Vừa hoàn thành chuyến xe cùng mẹ từ Công viên Tao Đàn đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, em Trần Chí Cường (ngụ quận 3) hào hứng: "Đạp xe vòng quanh trung tâm thành phố buổi chiều tối rất thú vị bởi không khí trong lành, phương tiện không quá đông đúc. Hơn hết, em rất vui vì chung tay bảo vệ môi trường, đúng như những gì thầy cô chỉ dạy trong nhà trường".
Cường cho biết từ nay, thay vì cha mẹ chở đi học thêm, em sẽ chủ động đi bộ đến trạm xe đạp gần nhà ngay Công viên Tao Đàn để thuê xe và tự đến lớp.
Ngoài xe đạp công cộng, tuyến xe buýt điện D4 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải sinh thái Vinbus đầu tư, đưa vào vận hành hôm 9-3 cũng khiến nhiều người hào hứng sử dụng. Không còn lên xe chỉ để "đi thử" như những ngày đầu, hơn 2 tháng nay, nhiều hành khách từ quận 1 đến TP Thủ Đức làm việc, chứng nhận giấy tờ, tham quan bất động sản… sử dụng xe buýt điện như một nhu cầu bởi tính tiện lợi, an toàn, sạch sẽ và được trang bị máy lạnh.
Xe đạp công cộng thu hút nhiều người dân, thân thiện với môi trường
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, sau gần 2 tháng đưa vào hoạt động, tuyến xe buýt điện vận chuyển gần 82.000 lượt khách, trung bình 15 - 16 người/chuyến. Những ngày cao điểm như lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, mỗi ngày có khoảng 2.200 khách đi xe buýt điện.
"Với sản lượng hành khách sụt giảm sau dịch bệnh thì con số trung bình 15 -16 người/chuyến giúp tuyến xe buýt điện D4 hoạt động khá ổn định. Hy vọng thời gian tới, với chất lượng phục vụ tốt, thân thiện môi trường, tuyến D4 sẽ thu hút thêm hành khách đi xe" - đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng bày tỏ.
Tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng
Ông Ðỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Vận tải số Trí Nam (Tập đoàn Trí Nam), cho biết sau gần 5 tháng khai trương dịch vụ xe đạp công cộng (từ ngày 16-12-2021), đến nay, 150.000 tài khoản đã đăng ký sử dụng với gần 1 triệu km đã đi. Trung bình mỗi ngày có gần 15.000 người đăng ký mới. Vào những dịp cuối tuần, xe đạp ở 43 trạm đều hoạt động hết công suất, lúc cao điểm phải sử dụng xe dự phòng.
"Chúng tôi nhận thấy loại hình này được người dân ủng hộ, đúng như mong muốn của nhà đầu tư là chung tay cùng thành phố giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh giao thông xanh cũng như tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Sau 6 tháng thí điểm, công ty sẽ có đánh giá cụ thể, xin chủ trương của thành phố để sớm mở rộng dịch vụ ra các quận 3, 5, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận… với khoảng 150 - 200 trạm xe đạp" - ông Đỗ Bá Quân cho hay.
Tại lễ khai trương tuyến xe buýt điện D4, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinbus, thông tin bên cạnh tuyến này, Vinbus sẽ mở thêm nhiều tuyến nữa phục vụ người dân, góp phần tham gia xây dựng mạng lưới giao thông công cộng xanh, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Nhận định việc phát triển giao thông xanh ở TP HCM là cần thiết, thạc sĩ Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách và Du lịch liên tỉnh TP HCM, cho hay 10 năm trước, thành phố đã bắt tay vào việc phát triển hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) với hơn 200 phương tiện vận hành, đem đến sự yên tâm cho người dân về môi trường. Với mô hình xe đạp công cộng đưa vào sử dụng gần đây, không chỉ góp thêm loại hình giao thông công cộng cho thành phố mà còn kết nối, tăng tính thuận tiện để thúc đẩy người dân đi xe buýt.
Nói về sự đa dạng trong vận tải hành khách, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm cho rằng để phát triển tốt hệ thống giao thông công cộng, cần phát triển nhiều loại hình, nhiều phương thức, góp phần tạo hình ảnh giao thông công cộng văn minh, hiện đại. Trong đó, loại hình xe buýt điện được xem là mũi nhọn, đáp ứng được những kỳ vọng nêu trên cũng như góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, bảo vệ môi trường.
"Việc thí điểm đưa xe buýt chất lượng cao vào hệ thống vận tải hành khách công cộng được kỳ vọng không chỉ góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại mà còn góp phần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giúp người dân có thêm sự lựa chọn phương tiện giao thông mới chất lượng, phục vụ nhu cầu đi lại ngày một tốt hơn" - ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.
Triển khai dự án phát triển giao thông xanh
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM - chủ đầu tư dự án phát triển giao thông xanh, cho biết Ngân hàng Thế giới đã thống nhất với những nội dung đề xuất điều chỉnh của thành phố về dự án phát triển giao thông xanh. Ngân hàng Thế giới cũng ủng hộ TP HCM tiếp tục triển khai, hoàn thành dự án theo hướng kêu gọi xã hội hóa đầu tư các tuyến xe buýt qua hình thức đấu thầu. Phương tiện sẽ là xe buýt điện hoặc loại sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường như CNG.
"Trong giai đoạn 1, dự án sẽ chưa đầu tư một số hạng mục như cầu đi bộ mà sử dụng phần vốn này cho một số hạng mục hạ tầng giao thông như đường, làn đường cho xe đạp... nhằm tăng cường khả năng kết nối, phát triển hạ tầng giao thông cho thành phố. Dự án đang hoàn chỉnh các thiết kế, dự toán để trình thành phố phê duyệt trong tháng 6-2022, dự kiến triển khai vào tháng 12-2022 và sẽ hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân tuyến xe buýt xanh đầu tiên vào tháng 6-2024" - ông Lương Minh Phúc cho hay.
Bình luận (0)