Đây là đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) làm chủ đầu tư. Đơn vị thực hiện nghiên cứu là Công ty Tư vấn GTVT và Đô thị- TUC.
Đề án này nhằm nghiên cứu tiến hành mở rộng một số tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM trong giai đoạn 2021- 2025 theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu 930 ha.
Khu vực được lựa chọn mở rộng thuộc các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão với diện tích khoảng 300 ha.
Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) là nơi tập trung vui chơi, giải trí của nhiều bạn trẻ
Có 3 phương án tổ chức các tuyến phố đi bộ mà đơn vị nghiên cứu đề xuất, trong đó phương án 2 được đa số các chuyên gia, địa phương và người dân khi lấy ý kiến đánh giá cao về tính khả thi, kết nối, nhu cầu của người đi bộ và tính an toàn, an ninh.
Cụ thể, phương án 1: Thành lập mạng lưới phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho quận 1 với mạng lưới nhiều tuyến đường ở trung tâm nhưng chỉ cấm xe trên một số tuyến đường.
Phương án 2: Phố đi bộ ưu tiên cho đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách với mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần và cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên 2 tuyến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần.
Phương án 3: Phố đi bộ 24/7 trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi và các tuyến đường liên kết dành riêng cho người đi bộ.
Với các phương án đề ra, khi triển khai Sở GTVT đề xuất chia nhiều giai đoạn, bố trí lại giao thông, cải tạo các tuyến xe buýt và cải thiện cơ sở hạ tầng (như bãi đậu xe, nút giao và lối sang đường).
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) về đêm thu hút khá đông người dân dạo phố
Cũng theo đề xuất của đơn vị nghiên cứu, khu vực phố đi bộ mở rộng của thành phố sẽ chia thành 7 tiểu khu đặc trưng khác nhau, gồm:
Khu văn hóa thanh niên (công trường Quốc tế và Phạm Ngọc Thạch từ Hồ Con Rùa tới đường Lê Duẩn);
Khu lịch sử - văn hóa (cụm công trình Công xã Paris gồm nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Đường sách Thành phố, tòa nhà Metropolitan); khu thương mại - mua sắm (trục đường Đồng Khởi từ công xã Paris đến Tôn Đức Thắng, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thiệp…).
Khu biểu diễn nghệ thuật (công trường Lam Sơn và Nhà hát Thành phố với quảng trường trước nhà hát bao quanh các khách sạn 4-5 sao);
Khu ẩm thực quốc tế (các đường Thi Sách, Nguyễn Trung Trực, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Đông Du);
Khu đại lộ và trung tâm hành chính gồm 2 tuyến đại lộ Hàm Nghi, Lê Lợi và quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ tạo thành tam giác bao quanh khu vực nội thị, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ vui chơi giải trí;
Khu chợ Bến Thành- công trình biểu tượng lâu đời của TP HCM sẽ là trung tâm thương mại, du lịch quan trọng với nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đa dạng.
Hiện nay, TP HCM có 2 tuyến phố đi bộ cấp thành phố là Nguyễn Huệ (hoạt động từ năm 2015) và Bùi Viện (hoạt động từ năm 2017).
Theo các chuyên gia, việc đưa vào các tuyến phố đi bộ sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cho một số khu vực. Tuy nhiên khi triển khai, đơn vị nghiên cứu cần đánh giá tác động đến công ăn việc làm, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp quanh khu vực cũng như việc tổ chức giao thông phải thuận tiện, an toàn, kết nối…
Bình luận (0)