Chiều 3-7, UBND TP HCM tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển dịch vụ của TP và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ TP giai đoạn 2020-2030. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Hạ tầng dịch vụ là bước đi quan trọng
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh hơn 30 năm qua, dịch vụ luôn là ngành kinh tế lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế TP và sắp tới vẫn như vậy. "Vấn đề đặt ra là dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao thì chúng ta chuẩn bị gì để khuyến khích sự phát triển này, quy hoạch đất như thế nào cho dịch vụ, xây dựng những công trình gì vừa đặc thù như trường học, bệnh viện, khách sạn hoặc những công trình chung như văn phòng, chung cư, kho bãi" - Bí thư Thành ủy TP HCM đặt vấn đề.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng gắn với những vấn đề trên thì việc phát triển hệ thống giao thông, viễn thông cũng như cung cấp nước, cung cấp điện và các dịch vụ bảo đảm môi trường đều phải tính đến. Thời gian qua, TP chưa đặt đúng mức quy hoạch hạ tầng dịch vụ để giúp TP có nhận thức hơn về quy luật chuẩn bị hạ tầng cho dịch vụ một cách chủ động. Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn qua hội thảo này sẽ làm rõ hơn tính quy luật trong phát triển dịch vụ nói chung và TP HCM nói riêng; sự đồng bộ hay không đồng bộ về sẵn sàng đất và quy hoạch vị trí các dịch vụ cho phát triển TP, chuyển đổi các cơ sở hiện có từ mục đích này sang mục đích dịch vụ như thế nào. Qua đó, giúp TP chuẩn bị hạ tầng cho phát triển, đón đầu phát triển dịch vụ.
Từ vấn đề Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt ra, theo TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt Đức, TP cần tập trung vào các dịch vụ có thế mạnh và tránh điểm yếu. Nếu các TP xung quanh có thế mạnh, vùng lõi sẽ có thể phải phân công lại vai trò và tập trung vào những lĩnh vực phát huy lợi thế cạnh tranh và cùng hợp tác để cạnh tranh với bên ngoài. Bên cạnh đó, TS Hiếu cho rằng TP cần thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác liên vùng trong lĩnh vực cảng, logistics, khu công nghiệp, xử lý chất thải và bảo vệ nguồn nước. Ông cũng gợi ý TP nên phát triển mạng lưới logistics dựa trên nền tảng công nghệ cao là yếu tố quan trọng để giảm chi phí sinh hoạt ở trung tâm, tăng sức cạnh tranh và ứng dụng công nghệ. "Phát triển thành công hạ tầng dịch vụ là bước đi quan trọng để biến TP thành nơi neo đậu của tri thức Việt Nam và nhân loại" - TS Hiếu kỳ vọng.
Quy hoạch phải đi trước một bước
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Huỳnh Trang thừa nhận ngành logistics gồm vận tải, kho bãi, phân phối, dịch vụ của TP đang dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng đến nay chưa có trung tâm logistics tương xứng tiềm năng. Do đó, Sở Công Thương đang xây dựng đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm nghiên cứu kinh nghiệm để phát triển ngành logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, trở thành đầu mối của khu vực. Ngoài ra, bà Trang cho hay nhu cầu tổ chức hội chợ và triển lãm thương mại ở TP rất lớn nhưng hiện nay chỉ có một trung tâm đạt yêu cầu ở quận 7, khoảng 1 ha. "Sở Công Thương dự báo cần 1,85 triệu m2 phát triển hạ tầng ngành. TP cần tính toán quỹ đất cho sự phát triển hạ tầng ngành công thương" - bà Trang kiến nghị.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin 80% du khách đến TP bằng đường hàng không nhưng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, còn sân bay Long Thành chưa thành hình. Chưa kể, du lịch đường thủy chưa phát triển do chưa có quy hoạch hoàn chỉnh hạ tầng về bến bãi… Do đó, ông Vũ mong muốn trong thời gian sắp tới, khi TP quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ cần tính toán đến quy hoạch không gian dành cho du lịch.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhìn nhận khái niệm về dịch vụ rất rộng, không chỉ dừng lại ở du lịch, mua bán mà còn rộng ra là cả các loại hình tài chính, ngân hàng, y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao... Vì vậy, quy hoạch phải đi trước một bước và gắn liền với quy hoạch từng ngành. Bởi mỗi ngành tự phát triển thì không thể tạo nên hiệu ứng tích cực, không thể thay đổi mạnh mẽ chất lượng dịch vụ. Ông Hoan cho biết kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải nghiên cứu tăng cho phát triển hạ tầng dịch vụ. "Nếu TP chậm trễ thì coi chừng không còn đất cho phát triển hạ tầng dịch vụ. Trong khi đó, nguồn lực nhà nước có hạn nên phải xã hội hóa mạnh mẽ, huy động nguồn lực trong dân, trong doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài" - ông Hoan nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, các doanh nghiệp cũng nên thay đổi tư duy về đầu tư. Đầu tư hạ tầng dịch vụ phải là đầu tư chiến lược và lâu dài. Đây nên là mục tiêu phát triển của các doanh nghiệp trong tương lai. Không thể cứ đầu tư một công trình nhà ở là xong mà phải quan tâm đầu tư các hệ thống dịch vụ tiện ích xung quanh. Còn cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi tư duy: không chỉ phục vụ cái mình có, mà phục vụ cái dân cần, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần. Từng cơ quan, đơn vị đều có suy nghĩ như vậy thì tính phục vụ mới cao, đáp ứng được nhu cầu của người dân từ học hành, đi lại, ăn uống, khám chữa bệnh…
Cần tạo ra đường phố ít xe
GS Gyeng Chul Kim, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc, cho rằng phát triển giao thông phải lấy con người làm trung tâm, phải tạo ra đường phố ít xe, hạn chế xe cũ vào TP HCM. "Đây là chính sách phát triển khu vực không xả thải" - ông Gyeng Chul Kim nói và cho rằng phải dịch chuyển về mặt tư duy đối với phát triển giao thông, nhất là khi triển khai các dự án đường sắt đô thị cần có kế hoạch tổng quát, dài hạn và quyết tâm cao.
Bình luận (0)