Trong rất nhiều hội nghị gần đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân luôn nhấn mạnh 2019 là năm TP tăng tốc, cần tập trung, đẩy mạnh nhiều đầu việc, trong đó có 2 nhiệm vụ quan trọng để đưa TP phát triển nhanh và bền vững là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và thực hiện tốt Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Chuẩn hóa phương pháp ghi nhận sự hài lòng
Dành rất nhiều tâm huyết khi nói về nội dung CCHC, Bí thư Thành ủy TP rất băn khoăn về việc dù là TP có nền kinh tế lớn nhất nước, nhiều sáng kiến, đổi mới nhất cả nước nhưng các chỉ số về CCHC, hiệu quả hành chính công và cạnh tranh địa phương đều không nằm ở trong top 5, top 10. "Đây là điều khó chấp nhận. Nhất là hiệu quả quản trị và hành chính công, không ai nghĩ TP lại xếp thứ 47 (năm 2015), 44 (năm 2016) và 39 (năm 2017)" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Năm 2019, TP HCM yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện phải công khai tất cả thủ tục, quy trình hành chính Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bí thư Thành ủy cho biết Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến năm 2020, 80% người dân đến phường - xã phải hài lòng mà nay TP vẫn chưa trả lời được bao nhiêu phần trăm tỉ lệ người dân hài lòng. "Vì vậy, TP cần gấp rút triển khai, đến cuối năm 2019, phải trả lời được câu hỏi tỉ lệ người dân hài lòng khi đến phường - xã là bao nhiêu. Phải đột phá CCHC mới tiến nhanh, tiến xa được" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh lần nữa và cho rằng nếu tỉ lệ hài lòng của người dân thấp thì cán bộ sẽ không được nhận tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Nói rõ hơn, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong CCHC, chính quyền các cấp phải xây dựng quy trình phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan đến nhiều sở - ngành, quận - huyện, kèm theo thời gian cụ thể. Đây là đòi hỏi rất mới nhằm bảo đảm sự công khai và dễ dàng theo dõi, đốc thúc cũng như xác định trách nhiệm của từng đơn vị. Cùng với đó, người đứng đầu từng sở - ngành, quận - huyện, phường - xã phải xác định được mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan công quyền. "Phải chuẩn hóa phương pháp ghi nhận sự hài lòng. Bởi không đánh giá được sự hài lòng thì lấy căn cứ nào để phân phối thu nhập tăng thêm" - ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề. Đặc biệt, năm 2019, TP yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện phải công khai hóa tất cả thủ tục, quy trình hành chính.
Xây dựng cơ chế trách nhiệm cụ thể
Từ những chỉ đạo trên của Bí thư Thành ủy, khi nói về tình hình năm 2019, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho hay TP sẽ tập trung thực hiện đồng bộ 10 nhiệm vụ, giải pháp với yêu cầu xuyên suốt là bảo đảm nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong công tác CCHC. Sự đột phá trong CCHC năm 2019 phải thấm từ lãnh đạo đến từng chuyên viên. Theo đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức từ lãnh đạo đến chuyên viên, trên mọi cương vị công tác phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, từ lời nói đến hành động.
Để mũi đột phá CCHC mang lại những hiệu quả mạnh mẽ như mục tiêu đề ra cũng như những quyết tâm rất cao của lãnh đạo TP không bị "vô hiệu" hóa bởi một bộ phận nào đó, người đứng đầu chính quyền TP cho biết kết quả CCHC là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Những trường hợp kết quả xếp loại trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC ở mức thấp so với quy định, chưa thật sự là đầu tàu, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành còn hạn chế hoặc khoán trắng công việc cho cấp dưới, không nắm vững tình hình cơ quan, đơn vị mình cũng được xem là không hoàn thành nhiệm vụ. TP sẽ xử lý nghiêm, xem xét điều chuyển, thay thế người đứng đầu để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ông cũng nhấn mạnh sẽ kiểm tra thường xuyên đột xuất tối thiểu 30% cơ quan đơn vị về CCHC. Xây dựng quy chế với từng ngành, từng địa phương, quyết tâm đổi mới tinh thần làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, không né tránh, đùn đẩy.
Là người phụ trách chính chương trình CCHC, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết khi TP kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị sẽ đặc biệt chú ý đến các biểu hiện: thủ trưởng đơn vị có tư tưởng ngại tiếp dân; không quan tâm bức xúc của dân, thường giao lại cho cấp dưới xử lý mà không kiểm tra; không quan tâm đến đoàn kết nội bộ mà điều này xuất phát từ khai thác lợi ích của người dân, của doanh nghiệp, dẫn đến nội bộ mất đoàn kết… Ông Tuyến cũng cảnh báo các cán bộ cần nỗ lực cải cách, phục vụ người dân, còn "không chuyển động, không làm nổi thì hãy ra khỏi bộ máy".
Tận dụng tối đa lợi thế từ Nghị quyết 54
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều nội dung, đề án liên quan đã được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai. Theo nhận xét của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, việc thực hiện các nội dung đề án theo Nghị quyết 54 của Quốc hội đã có 4 tác dụng lớn. Đó là nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của TP HCM trong quyết định phân bổ ngân sách TP, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách TP, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp… Điều này rất có ý nghĩa vì đã tạo điều kiện cho TP giải quyết nhanh, sát thực hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn. Điển hình, việc ủy quyền của chủ tịch UBND TP cho chủ tịch UBND cấp quận - huyện, giám đốc các sở đã giúp các quyết định được thực hiện gần cơ sở hơn, nhanh hơn, vì vậy có hiệu quả thực tế cao hơn. Kế đến, khi TP chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước đã khuyến khích, tạo thêm động lực làm việc sáng tạo, hiệu quả hơn… Vì vậy, thực hiện tốt Nghị quyết 54 sẽ giúp TP phát triển nhanh và bền vững.
Đóng góp cho việc thực hiện Nghị quyết 54, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP HCM, khẳng định Nghị quyết 54 sẽ tạo ra 3 cú hích cho sự phát triển của TP. Một là, tăng quyền tự chủ ở các lĩnh vực khác nhau từ quy hoạch đất đai đến quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, bộ máy cán bộ, tạo nên dư địa chính sách cho TP và dư địa phát triển cho toàn bộ khu vực phía Nam. Hai là, dỡ bỏ một số ràng buộc về cơ chế nhằm tạo động lực để phát triển. Nói cách khác, TP sẽ không cần phải loay hoay "xé rào" nữa. Ba là, tạo sức bật và động lực từ những thí điểm về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của TP. Vì vậy, TP cần khẩn trương thực hiện mạnh mẽ hơn, tận dụng tối đa biên độ "cởi trói" mà Nghị quyết 54 cho phép.
“Người dân mong muốn được trả hồ sơ đúng hạn nên quy trình liên sở - ngành, quận - huyện phải có thời hạn và phấn đấu 90% đạt đúng hạn - đây là một thách thức, nếu không đạt yêu cầu thì không thể gọi là đột phá được” - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Lấy sáng tạo làm hạt nhân
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ TP đã triển khai đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025; trong đó có việc xây dựng khu đô thị sáng tạo tại các quận 2, 9 và Thủ Đức.
Nói về khu đô thị sáng tạo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định mục tiêu xây dựng khu đô thị sáng tạo là nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ... "TP muốn xây dựng khu đô thị sáng tạo thành hạt nhân của sự phát triển công nghệ cao và trong tương lai trở thành đầu tàu để phát triển, là trung tâm thông minh nhất của TP" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy còn cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ngày càng tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, TP cần tập trung khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nhất nguồn lực sáng tạo trong lực lượng lao động, đặc biệt là trong lực lượng lao động trẻ, trong công nhân, đội ngũ trí thức, doanh nhân và cán bộ, công chức.
Bình luận (0)