Ngày 15-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi khảo sát Trung tâm Điều hành giao thông thông minh tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn.
Chủ động trong cảnh báo và điều tiết
Tại buổi làm việc, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết Trung tâm Điều hành giao thông thông minh hiện đã hoàn thành giai đoạn 1, sau khi đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông từ đầu năm 2019. Trung tâm này đã đáp ứng được 4 chức năng chính, gồm giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông hiện được lắp đặt, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 775 camera giám sát giao thông. Từ hệ thống màn hình, nhân viên vận hành ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao có camera kết nối, từ đó chia sẻ với các đơn vị liên quan chủ động xử lý. Ngoài mạng lưới camera nêu trên, hệ thống đo đếm lưu lượng cũng được đầu tư lắp đặt tại 118 vị trí, có thể tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ phương tiện và tự động đưa ra những cảnh báo.
Giám đốc Sở GTVT cũng cho hay hiện sở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông, góp phần định hướng xây dựng các chính sách cũng như kế hoạch quản lý. "Mô hình này giúp dự báo tình hình giao thông toàn TP, có vai trò lớn trong việc định hướng, xây dựng chiến lược quy hoạch, đánh giá tác động đối với các dự án giao thông..." - ông Lâm cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Lâm, việc ứng dụng công nghệ thông minh dù đã mang lại hiệu quả lớn nhưng quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn như các giải pháp còn chậm, chưa đồng bộ... Bên cạnh đó, công tác duy tu, bảo trì chưa được chuẩn hóa, quá trình cập nhật công nghệ không bảo đảm tốc độ phát triển mặt bằng chung về công nghệ... Mặt khác, ông Lâm nêu thực trạng cơ sở hạ tầng truyền dẫn được xem như "xương sống" của đô thị thông minh, nhưng việc thuê dịch vụ hạ tầng kết nối lại có nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, kiến thức cũng chưa bảo đảm. "Chưa kể, hiện nhiều dự án dù có quy mô nhỏ nhưng vẫn phải theo các thủ tục của Luật Đầu tư công, dẫn đến thời gian kéo dài. Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị cần có cơ chế đặc thù đối với một số dự án phục vụ hệ thống giao thông thông minh. Sở GTVT cũng đang đề xuất trước mắt năm 2019 cần đầu tư thêm 90 camera giao thông và đề nghị lực lượng CSGT cần có biện pháp tăng cường phạt nguội hoặc có chế tài tốt hơn" - ông Lâm cho biết.
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cũng thừa nhận hiện nay có một vướng mắc khá lớn là hệ thống camera đang xây dựng nhưng hạ tầng lại đi thuê, số lượng lớn và tốn kém, chưa kể còn ảnh hưởng đến yếu tố an toàn. Hiện sở đang xây dựng đề án liên quan đến hạ tầng viễn thông cho đô thị thông minh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khảo sát Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông
Tiếp tục nâng cấp và học hỏi thêm kinh nghiệm
Theo ông Lê Quốc Cường, với hệ thống camera hiện nay, tại TP trung bình gần 7 km có 1 camera, cao hơn nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có sự kết hợp và chia sẻ từ nhiều nguồn mới phát huy hiệu quả. "Hiện nay, số lượng camera đầu tư từ nguồn xã hội hóa rất lớn, khoảng 37.000 chiếc. Vì vậy, nếu tận dụng tốt và đầu tư phù hợp thì có thể phủ khắp. Hơn nữa, hệ thống camera giao thông hiện chỉ lắp đặt ở độ cao từ 8-10 m, gây hạn chế trong quan sát. Do đó, các đơn vị đang nghiên cứu phủ rộng hơn và nâng độ cao trong lắp đặt camera" - ông Cường cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, TP hiện đang định hướng và tiếp tục nâng cấp công nghệ của Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông nhằm phù hợp với Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, bởi nhiều công nghệ hiện đã cũ. Ngoài ra, TP cũng hướng tới xây dựng hệ thống mạng riêng, gắn với thí điểm triển khai mạng 5G cho giao thông thông minh cũng như đô thị thông minh của TP.
Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá những kết quả đạt được như trên là rất tốt, song cần tiếp tục nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm của các nước đã thành công nhằm hoàn thiện hơn trong việc phát triển đô thị thông minh. Bí thư Thành ủy khẳng định với những kết quả trong xây dựng Trung tâm Điều hành giao thông thông minh, việc quản lý giao thông đô thị tại TP ở lĩnh vực này đứng đầu cả nước nhưng không thể chủ quan bởi TP cũng có những thách thức nhiều nhất cả nước. "Về vấn đề này hiện nay TP đang dẫn đầu và phải tiếp tục dẫn đầu, không được để chậm lại" - Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Trước mắt, để nâng cao hiệu quả, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo trong năm 2019 có thể làm ngay các đầu việc là đầu tư thêm 90 camera giao thông, đồng thời nghiên cứu xin thí điểm quy trình phạt nguội vi phạm giao thông. Trên cơ sở đó, TP sẽ cùng các bộ - ngành đánh giá lại và xây dựng cụ thể các quy trình. Bí thư Thành ủy cũng nhìn nhận để xây dựng và hoàn thiện Trung tâm Điều hành giao thông thông minh, cần xác định rõ đối tác chiến lược của đề án, phải tận dụng, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong quản lý, điều khiển giao thông. Đồng thời, chú trọng đào tạo và tìm nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như chính sách đãi ngộ với lực lượng này.
Sớm hoàn chỉnh trung tâm điều khiển giao thông toàn TP HCM
Theo định hướng, sau năm 2020, TP HCM sẽ thực hiện giai đoạn 2 là hoàn thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh với quy mô toàn TP. Khi hoàn thành, ngoài những chức năng chính như giám sát, điều khiển, cung cấp thông tin giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm còn có thêm giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng, tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử, quản lý nhu cầu giao thông, vận tải hàng hóa, tài sản kết cấu hạ tầng...
Bình luận (0)