Trao đổi với một số phóng viên báo, đài vào chiều 13-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP HCM, cho biết Bộ Y tế ủng hộ đề xuất của TP HCM về việc thí điểm cách ly F0 tại nhà.
Cách ly tại nhà theo 2 nhóm F0
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng thí điểm cách ly F0 tại nhà của TP HCM là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Bộ Y tế sẽ dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xây dựng thí điểm cách ly F0 tại nhà cho TP HCM; giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ban hành hướng dẫn chi tiết.
Trước mắt, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, 2 đối tượng F0 được xem xét cho cách ly tại nhà là nhóm F0 đã được cách ly hơn 10 ngày, có tải lượng virus lây lan thấp hay khó có khả năng lây nhiễm. Thứ 2, nhóm F0 là nhân viên y tế có khả năng tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
F0 được cách ly tại nhà phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở cách ly tại nhà tương tự F1, như phải có phòng riêng, ứng dụng phần mềm theo dõi sức khỏe, hệ thống trực tuyến theo dõi giám sát tại nhà...
Trước đó, Sở Y tế TP HCM cũng cho biết hiện nay, có khoảng 80% số ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Bên cạnh đó, số ca bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, số ca F0 tăng nhanh, do đó, dẫn đến tình trạng quá tải các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng.
Về vấn đề này, nhân buổi thăm và làm việc tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 (phường Tân Thới Nhất, quận 12) vào sáng 13-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng các ca F0 tăng nhanh gây áp lực cho các khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Do đó, TP HCM nghiên cứu thí điểm cách ly F0 có điều kiện tại nhà, xin ý kiến của Bộ Y tế, đồng thời sẽ đẩy mạnh cách ly F1 tại nhà với trường hợp đủ điều kiện.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, ngành y tế thành phố sẽ thực hiện ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn thí điểm. Hiện tại, để giảm áp lực, các trường hợp F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ sẽ không tập trung chữa trị đồng bộ mà sẽ phân tầng chữa trị. Những F0 không có triệu chứng sẽ điều trị nơi ít trang thiết bị hơn để tập trung cơ sở y tế cho các trường hợp nặng.
Bệnh nhân được điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Ảnh: HẢI YẾN
Theo dõi 8-10 ngày mới cho về nhà
Liên quan đến việc điều trị F0 tại nhà, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhìn nhận với số ca mắc tăng cao như hiện nay, nhất là ở TP HCM thì việc triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà là cần thiết. Việc thí điểm điều trị F0 tại nhà không đồng nghĩa cứ phát hiện ca nhiễm là để bệnh nhân ở nhà. "Khi phát hiện ca F0, bệnh nhân sẽ được đưa đến cơ sở y tế để theo dõi trong thời gian 8-10 ngày, thậm chí 14 ngày, nếu không có triệu chứng hoặc bệnh không tiến triển sẽ được cho về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn rất cụ thể để bảo đảm an toàn cho người bệnh cũng như những người xung quanh" - PGS Trần Đắc Phu nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Phó trưởng Tiểu ban điều trị thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 - cho biết có 80% bệnh nhân Covid-19 ở thể nhẹ, không triệu chứng. Với nhóm này, quan trọng nhất là thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn và nâng cao thể trạng, việc điều trị F0 tại nhà hiện chưa có chỉ định nên phải chờ hướng dẫn; 20% còn lại là bệnh nhân tiên lượng nặng, trong đó có 5% là bệnh nhân rất nặng phải thở máy, ECMO. Đây là những trường hợp cần phải tập trung điều trị, theo dõi sát, tránh chuyển biến nặng.
Từ thực tế điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết số bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng chiếm khoảng 80%. Tuy nhiên, theo bác sĩ Cấp, các cơ sở y tế cần cảnh giác với các ca ban đầu không có triệu chứng này. "Do bệnh nhân không có biểu hiện bệnh nên bác sĩ có thể nhầm lẫn cho rằng bệnh nhẹ, không theo dõi sát nên bệnh có thể diễn biến nặng mà không được phát hiện kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện khó thở dù tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, gọi là "thiếu ôxy yên lặng". Nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và không có đủ thiết bị đo độ bão hòa ôxy máu có thể bỏ sót dấu hiệu, khiến bệnh nhân nguy kịch hoặc tử vong" - bác sĩ Cấp cảnh báo.
Hướng dẫn cách ly
Ngay trong tối 13-7, sau khi nhận được sự đồng ý của Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM ban hành văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) hướng dẫn cách ly y tế các trường hợp F1, F0 tại nhà.
Cụ thể: về cách ly F1 tại vùng nguy cơ rất cao không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà (có ca F0 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư nghèo, khu ký túc xá...) thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR vào ngày 7 thay vì vào ngày 14 như trước đây, nếu âm tính xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú. Giao y tế địa phương theo dõi như trường hợp F1 cách ly tại nhà nêu trên.
Về cách ly, điều trị F0, đối với trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện: Nếu xét nghiệm RT-PCR vào ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính với SARS-CoV-2 nhưng tải lượng vi rút thấp (CT value > 30) không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà với điều kiện bảo đảm an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
TP HCM sẽ triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng theo hướng: Cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc, tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm. Cơ quan y tế địa phương phải tổ chức theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Đối với trường hợp F1, được theo dõi tại nhà và thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung.
H.Yến
Nên cách ly tại chỗ, phân tầng theo 3 khu F0
Theo bác sĩ Lương Trường Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng TP HCM, việc phân tuyến cơ sở cách ly, chăm sóc, theo dõi điều trị cho người nhiễm SARS-CoV-2 ngay lúc này là vô cùng cần thiết. Hiện nay, cần ưu tiên F0 không triệu chứng cách ly, chăm sóc, theo dõi tại chỗ, tức cách ly ở nhà hoặc ở y tế xã, phường, quận.
Với biện pháp cách ly tại chỗ, bác sĩ Lương Trường Sơn đề xuất có thể chia thành 3 khu, gồm: khu không triệu chứng (khu A), khu bệnh có triệu chứng (khu B) và khu bệnh vừa và nặng (khu C) theo đặc điểm bệnh tật, nhu cầu chăm sóc và khả năng chuyên môn. Trong đó, trường hợp F0 không triệu chứng thì phân thành khu A; gia đình có đủ điều kiện thì nên cho cách ly theo dõi tại nhà (nếu không đủ điều kiện thì đưa đến khu tập trung tại chỗ ở xã hoặc quận). Còn đối với F0 có triệu chứng thì lúc này mới có thể gọi là bệnh nhân mắc Covid-19 và sẽ chia làm 2 khu vực B và C. Bệnh nhân có triệu chứng ở khu B cần chữa triệu chứng, nâng cao sức đề kháng, liệu pháp tâm lý, test định kỳ, nếu âm tính thì trả về gia đình cách ly như F1; nếu nặng hơn thì chuyển sang khu C.
Bình luận (0)