Ngày 12-3, HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 3-2023 với chủ đề "Trách nhiệm công vụ - Cải cách thủ tục hành chính". Dự chương trình có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ.
Một số cán bộ chưa thấm "3 biết"
Tại chương trình, cử tri TP HCM đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (CCHC), nâng cao hoạt động công vụ của chính quyền các cấp trong thời gian qua giúp phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cử tri cũng chỉ ra nhiều tồn tại cần khắc phục.
Cử tri Vũ Chung Sức (quận Bình Tân) cho rằng một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả CCHC, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức là chỉ số về mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, việc đánh giá ở các cơ quan có nhiều cách thức khác nhau. "Thành phố có chỉ đạo gì về cách thức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân làm sao đúng thực chất, minh bạch và thống nhất?" - cử tri Chung Sức đặt câu hỏi.
Cử tri Nguyễn Thị Nga (quận 6) nhận xét một số cán bộ, công chức khi thi hành công vụ chưa thực hiện tốt "3 biết", gồm biết nhận sai, biết xin lỗi và biết cảm ơn. "Một số cán bộ, công chức, viên chức có thái độ hoặc lời nói xúc phạm người dân" - bà Nga bày tỏ.
Cử tri Trương Ngọc Lượng (quận 5) thì quan tâm đến việc số hóa CCHC của TP HCM trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin của thành phố nhằm phục vụ xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng CCHC.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Trần Kim Yến đặt ra 2 nội dung đối với chính quyền. Một là, thành phố có giải pháp gì để đẩy mạnh chỉ số CCHC năm 2023 cao hơn năm 2022. Hai là, giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện công tác.
Tại chương trình, TP HCM đặt quyết tâm giải quyết 20.000 hồ sơ tồn đọng
Chỉ rõ nguyên nhân
Trao đổi về các vấn đề cử tri quan tâm, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân thông tin những năm qua, TP HCM tập trung quyết liệt vào công tác CCHC, song kết quả chưa như mong đợi. Mỗi năm, thành phố giải quyết hơn 20 triệu hồ sơ, trong đó 99% đúng hẹn. Số trễ hẹn chỉ 1% nhưng con số thực tế là hơn 20.000 hồ sơ, mà một trong những nguyên nhân chính là sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ.
Để nâng cao hiệu quả CCHC, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM cho biết thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp. Ngoài ra, thành phố đã xây dựng đề án cải cách chế độ công vụ, sắp tới sẽ đẩy mạnh thực hiện.
Về chính quyền số, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho hay với phương châm công khai, minh bạch, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thành phố đã triển khai "Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP HCM". Hệ thống này được kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngoài việc nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hệ thống còn cung cấp công cụ giúp cho người dân, doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, giám sát hồ sơ của mình; tạo thành công cụ giám sát việc triển khai dịch vụ công của các cơ quan nhà nước.
4 giải pháp trọng tâm
Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh 4 giải pháp trọng tâm mà thành phố tập trung thời gian tới. Đầu tiên là nâng cao việc đánh giá trách nhiệm người đứng đầu. Theo ông, nếu người đứng đầu còn sợ, còn đùn đẩy trách nhiệm, không muốn tham mưu những vấn đề khác biệt thì chắc chắn TP HCM không thể giải quyết hồ sơ và không thể phát triển được. Trách nhiệm người đứng đầu là phải nêu gương, tiên phong, dũng cảm.
"Hiện nay, đội ngũ lãnh đạo các sở, ngành, địa phương vẫn còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Trách nhiệm của người đứng đầu là phải giao việc, yêu cầu cao với đội ngũ chứ không phải làm được bao nhiêu thì làm, khi vướng thì không làm, không đề xuất, không sáng kiến" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Võ Văn Hoan, TP HCM sẽ làm mạnh việc đánh giá cán bộ, mà trước hết là đánh giá hiệu quả công việc của giám đốc sở, ban, ngành; chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức. Việc đánh giá sẽ thực hiện hằng quý, trên cơ sở giải quyết những vấn đề hiện nay, không để tình trạng công việc không chạy nhưng vẫn được đánh giá cao. Quý I/2023 sẽ làm ngay, đánh giá rõ ràng từng lãnh đạo sở, ngành, địa phương.
Ngoài ra, TP HCM tiếp tục đánh giá hiệu quả công tác đội ngũ cán bộ, công chức. Trước hết là phải giải quyết dứt điểm hơn 20.000 hồ sơ tồn đọng. Bên cạnh đó, hồ sơ mới phải giải quyết nhanh. Đầu việc thứ 3 là tập trung thực hiện Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
"UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện để động viên cán bộ hăng hái, năng động, sáng tạo, qua đó có hơn 80 đề án từ các đơn vị. Thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện, nếu làm được sẽ gỡ hơn 20.000 hồ sơ tồn đọng và các dự án đang triển khai" - ông Võ Văn Hoan cho biết.
Về nhiệm vụ thứ 4, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh là rà soát tất cả quy trình liên thông hiện nay của các sở, ngành, địa phương.
Nâng cao sự năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức
Phân tích trách nhiệm công vụ thể hiện ở 2 mặt là thực thi và tham mưu đề xuất, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận trước đây đội ngũ cán bộ, công chức rất năng động, sáng tạo. Những vấn đề thực tiễn đặt ra mà pháp luật chưa có hoặc còn chồng chéo thì TPHCM mạnh dạn kiến nghị Trung ương tháo gỡ, giải quyết được việc của thành phố, việc của cả nước.
"Tôi cho rằng đây là điểm rất đặc biệt của cán bộ thành phố" - ông Võ Văn Hoan khẳng định và nhận xét gần đây, phong cách đó vẫn còn nhưng có lúc, có nơi, có người còn chùn bước trong tham mưu, thậm chí có trường hợp không dám đề xuất gì.
"Đôi lúc "đứng hình" khi gặp trường hợp 1 nội dung mà 2 văn bản quy phạm pháp luật; nội dung không có trong quy định pháp luật cũng không cập nhật, tham mưu, đề xuất gì cho cấp trên khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó" - ông Võ Văn Hoan nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh đây là thực tế mà thành phố cần có giải pháp chấn chỉnh.
Bình luận (0)