Ngày 30-5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch Covid-19 diễn ra trên địa bàn.
Lấy mẫu và xét nghiệm diện rộng
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh một số giải pháp cấp bách để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 hiện nay với phương châm: "Khẩn trương - Thần tốc - Quyết liệt - Đồng bộ - Chủ động".
Theo đó, từ 0 giờ ngày 31-5, toàn TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp như không được tập trung trên 5 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp. Người dân (nhất là người trên 60 tuổi) chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết, hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh, trừ trường hợp thật sự cấp bách.
Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16: Gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, phường cách ly phường.
Doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động nhưng phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch bệnh. Chủ cơ sở ký cam kết về an toàn dịch bệnh, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
TP HCM sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng; trước mắt là tất cả đơn vị bầu cử có hội viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Mục tiêu phải lấy mẫu đơn khoảng 50.000 mẫu/ngày. Các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện những chỉ đạo của UBND TP. Đồng thời, rà soát lại các giải pháp đã và đang triển khai để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương chỉ đạo, ban hành quy định riêng áp dụng cho các chợ đầu mối để có ứng phó kịp thời trong mọi tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng; vận hành tổ Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị để hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm của dịch bệnh. Ở các địa điểm, khu vực đang có dịch, có thể xem xét thành lập các tổ ứng phó khẩn cấp. Các ngành chức năng và địa phương liên quan xem xét và truy cứu trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch của TP.
Chủ tịch UBND TP HCM còn kêu gọi người dân tự giác tham gia khai báo y tế đầy đủ và chấp hành nghiêm các yêu cầu của chính quyền để cùng chung tay chống dịch. Người dân bình tĩnh, không bình luận, chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin chưa được cơ quan chức năng công bố liên quan đến tình hình dịch Covid-19 để tránh gây hoang mang dư luận.
Nhiều tuyến đường trung tâm TP HCM vắng người qua lại trước giờ áp dụng giãn cách xã hội. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý với quyết định của lãnh đạo UBND TP HCM trong việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn. Phó Thủ tướng cho rằng từ thực tế của đợt bùng phát dịch bệnh lần này, TP phải nghiêm túc rà soát lại hoạt động của các hội nhóm trên địa bàn, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch của TP HCM nói riêng, cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, TP vẫn phải bảo đảm hoạt động sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp nhưng có sự bố trí chặt chẽ, quy trình phòng dịch bảo đảm và giám sát nghiêm nhằm thực hiện "mục tiêu kép", không để đứt gãy hoạt động sản xuất nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch. Ngoài ra, TP cũng cần có phương án dự phòng các nhu yếu phẩm, bảo đảm đời sống cho người dân.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh sự nỗ lực của cả hệ thống chính quyền và các lực lượng chức năng của TP đã ngày đêm tập trung phòng chống dịch Covid-19.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, đến hôm nay, TP HCM đã bị "thủng lưới" bởi một trường hợp phạm luật đặc biệt nghiêm trọng. Tình huống đó đã đưa TP vào một diễn biến hết sức phức tạp, khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm, toàn lực, tập trung cao nhất và có hiệu quả nhất. Bí thư Nguyễn Văn Nên tin tưởng với tinh thần trách nhiệm cao nhất, TP HCM sẽ chiến thắng.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP HCM, thời gian qua, số ca lây nhiễm không ngừng tăng. Tại điểm lây nhiễm quận 3 với 5 ca mắc Covid-19, sàng lọc gần 2.400 mẫu nhưng đến giờ vẫn chưa tìm ra nguồn lây. Điểm thứ 2 là chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (phường 3, quận Gò Vấp) đã trở thành chuỗi lây nhiễm cực kỳ nguy hiểm khi lan rộng ra 16 quận, huyện, TP Thủ Đức và các tỉnh lân cận. Ổ dịch ở quận 3 là biến chủng Anh, còn ở chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chủng Ấn Độ. Hiện 2 chủng này lai ghép với nhau rất nguy hiểm. Do đó, theo Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, thời gian lúc này rất quan trọng, buộc phải có hành động quyết liệt hơn.
Thống nhất nâng mức phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP lên theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP cho rằng phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ lợi ích dài hạn. "Hai tuần đối với TP HCM rất dài nhưng chúng ta không có cách nào khác, phải chọn cách ít xấu nhất" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM quán triệt trong thời gian này, TP sẽ triển khai tầm soát trên diện rộng, có trọng tâm, trọng điểm. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải báo cáo thường xuyên, kịp thời kế hoạch kinh doanh an toàn theo Bộ Tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với các địa phương đặc biệt quan tâm, rà soát, nắm chặt số người bị ảnh hưởng trực tiếp để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời.
Khởi tố vụ án liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng
Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp , TP HCM đã khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, để điều tra theo quy định của pháp luật. Qua điều tra của cơ quan chức năng xác định nhiều người tham gia hội thánh này không chấp hành quy định về phòng chống Covid-19, dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người.
Theo báo cáo, trong ngày 30-5, TP HCM ghi nhận thêm 49 ca mắc Covid-19, đều liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Đến tối cùng ngày, TP ghi nhận 14 trường hợp nghi nhiễm mới. Trước đó, từ ngày 26 đến 29-5, ổ dịch liên quan hội thánh và hai vợ chồng đi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ đã phát hiện 136 ca bệnh, trong đó TP HCM có 133 ca, 3 ca còn lại là F1 đi về các tỉnh Long An, Bạc Liêu và Tây Ninh. Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, mầm bệnh có thể đã có trong cộng đồng và còn tăng tiếp trong thời gian tới vì số hội viên đến nay vẫn chưa khai báo y tế hết.
N.Phan
Hơn 2.177 tỉ đồng ủng hộ mua vắc-xin
Ngày 30-5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ - Ban Vận động tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cho biết đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ để mua vắc-xin phòng dịch Covid-19 với số tiền hơn 2.177 tỉ đồng, trong đó ủng hộ 510 tỉ đồng góp cùng cả nước trong nguồn mua vắc-xin.
Trong 2 ngày 29 và 30-5, cơ quan trên đã chi 915 triệu đồng để hỗ trợ các lực lượng tham gia trực tại 183 chốt phong tỏa trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện; đồng thời ủy thác 15 thùng khẩu trang người lớn, 7 thùng khẩu trang em bé và 5 thùng đồ bảo hộ cho Thành Đoàn TP HCM với tổng trị giá hơn 46 triệu đồng để đoàn viên tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại những chốt của các quận - huyện: 12, Tân Phú, Gò Vấp và Hóc Môn.
Ph.Anh
Bình luận (0)