Sáng 15-4, UBND TP HCM khai mạc Diễn dàn Kinh tế năm 2022 với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai".
Tham dự diễn đàn có GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Lãnh đạo Trung ương, TP HCM đến tham dự Diễn đàn Kinh tế năm 2022
Diễn đàn thu hút 1.000 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao; địa phương nước ngoài; định chế tài chính quốc tế; chuyên gia kinh tế và kinh tế số cũng như doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.
Rất đông doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự Diễn dàn
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đây là sự kiện quốc tế thường niên do UBND thành phố chủ trì tổ chức nhằm tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về các lĩnh vực phát triển của thành phố.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết diễn đàn năm nay tổ chức trong bối cảnh kinh tế - xã hội thành phố đang phục hồi mạnh mẽ sau một năm bị khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19.
Có thể nói, giai đoạn hiện nay thế giới thật sự có 2 nền kinh tế: nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế truyền thống. Nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên mạnh mẽ, đến mức lấn áp nền kinh tế truyền thống.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc Diễn dàn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỉ trọng 25% GRDP; đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, kinh tế số chiếm 40% GRDP.
Để đạt được mục tiêu đó, TP HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số; đặt mục tiêu sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo thành phố và Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động hiệu quả.
Thành phố cũng triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh (giai đoạn 2) và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy các đề án phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo. TP HCM quyết tâm hình thành nhanh một hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển kinh tế số của thành phố.
Nhưng theo Bí thư Thành ủy TP HCM, ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ, thành phố gặp ngay biến cố chưa từng có trong lịch sử bởi đại dịch Covid-19.
"Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Song cũng chính từ trong ứng phó với dịch, môi trường chuyển đổi số có cơ hội phát triển mạnh mẽ phục vụ công tác phòng, chống dịch, giảm tác động tiêu cực từ đại dịch" – Bí thư Thành ủy TP HCM nhìn nhận.
Nhấn mạnh Diễn đàn Kinh tế hôm nay có ý nghĩa quan trọng đối với TP HCM, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết thành phố sẽ cầu thị lắng nghe tất cả ý kiến của các chuyên gia, nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm kiếm mô hình chuyển đổi số. Cùng với đó, kiến tạo cơ chế, chính sách chuyển đổi số để phát triển kinh tế số mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trước mắt và lâu dài.
4 chủ đề chính tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2022
Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030;
Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP HCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030;
Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp;
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Bình luận (0)