Trước thềm xuân mới - Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã dành cho Báo Người Lao Ðộng cuộc trao đổi, chia sẻ về những thành tựu nổi bật của thành phố trong năm 2022 và khát vọng, quyết tâm vượt khó hoàn thành mục tiêu năm 2023.
Phục hồi mạnh mẽ
lPhóng viên: Nhìn lại năm 2022, TP HCM đã phục hồi trên mọi mặt, như nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Dù bị bào mòn sức lực trong đại dịch nhưng TP HCM đã phục hồi mạnh mẽ với thành tích đáng ngạc nhiên". Ông có thể khái quát những giải pháp giúp thành phố bứt phá ngay khi dịch bệnh vừa "hạ nhiệt"?
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (bìa trái) và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi (bìa phải) tại "Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP HCM đến năm 2030", tổ chức vào tháng 3-2022. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sáng 21-12-2022, Ban Quản lý Đường sắt đô thị tổ chức Lễ chạy thử nghiệm đoàn tàu từ ga Suối Tiên đến ga Bình Thái thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Du lịch đường thủy khám phá TP HCM là loại hình thu hút du khách trong và ngoài nước Ảnh: HOÀNG TRIỀU
- Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi: TP HCM đã trải qua những ngày tháng hết sức khốc liệt do đại dịch Covid-19 với vô vàn mất mát và đau thương trong năm 2021. Kinh tế - xã hội thành phố bị thiệt hại vô cùng nặng nề. Lần đầu tiên trong lịch sử, thành phố tăng trưởng âm 6,78%. Ðây là mức tăng trưởng chưa từng có từ sau ngày giải phóng. UBND TP HCM buộc phải đánh giá lại nền kinh tế để có những quyết sách kịp thời.
Có thể thấy, ngay từ cuối quý III/2021, TP HCM đã chủ động và quyết tâm chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. UBND TP HCM xây dựng ngay chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025 với quan điểm rõ ràng, chiến lược và mục tiêu cụ thể, gắn với kiểm soát dịch bệnh, làm nền tảng quan trọng để mở cửa và dần đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh sự chủ động của chính quyền trong hình thành các chiến lược từ rất sớm thì người dân và doanh nghiệp với sự năng động, tinh thần vươn lên mạnh mẽ đã chủ động lên kế hoạch vừa tái cơ cấu vừa phục hồi, phát triển. Chính truyền thống năng động, sáng tạo và vượt khó của người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định cho sự phát triển của thành phố, nhất là trong những thời điểm khó khăn.
Cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và hỗ trợ từ trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước, bà con trong và ngoài nước. Ðiển hình như lượng kiều hối năm 2022 về thành phố cao hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với khoảng 6,8 tỉ USD.
-Sự chủ động đó đã đem đến những "trái ngọt" đáng tự hào cho TP HCM trong năm 2022, thưa ông?
- Có thể nói "điểm sáng" bao trùm TP HCM trong năm 2022 là kết quả phục hồi đạt hơn dự kiến, thể hiện ở việc kiểm soát dịch; kết quả tăng trưởng GRDP hơn 9%, vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách ước đạt 457.500 tỉ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so với cùng kỳ. Hoạt động của người dân và doanh nghiệp phục hồi sống động.
Việc triển khai thực hiện chủ đề năm 2022 khá đồng bộ, đúng trọng tâm. Chính quyền luôn nỗ lực tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp bằng những hành động thực chất, cụ thể thông qua các tổ công tác; các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; các chính sách hỗ trợ.
Nhất là những nỗ lực không mệt mỏi trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để đề xuất lên trung ương. Thành phố đã nghiêm túc đánh giá, báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðây chính là điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp tục xây dựng và đề xuất những cơ chế, chính sách tạo động lực cho thành phố phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong giai đoạn mới. UBND TP HCM cũng trình lên Chính phủ việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố, thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội.
Song song đó, những công trình trọng điểm quốc gia, thành phố vốn là "điểm nghẽn" lớn trong suốt nhiều năm thì trong năm 2022 đã có chuyển động, kết quả cụ thể. Ðiển hình như dự án đường Vành đai 3. Sau hơn 10 năm kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi của các địa phương có tuyến đường đi qua, cùng sự đồng hành và hỗ trợ tích cực từ trung ương, Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 với Nghị quyết 57 vào ngày 16-6-2022. Dự án sẽ được thi công vào tháng 6-2023. Tuyến đường chỉ dài hơn 76 km nhưng là mong mỏi của 20 triệu bà con trong vùng, giúp tháo gỡ "điểm nghẽn" và mở ra không gian, tạo động lực phát triển mới cho cả vùng phía Nam.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được khởi công vào những ngày cuối năm 2022 sau nỗ lực "làm ngày làm đêm" để tháo gỡ vướng mắc của các đơn vị liên quan. Rồi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy thử nghiệm đoạn dài gần 9 km đem tin vui cho người dân thành phố và là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi từ giai đoạn hoàn thiện quá trình thi công sang thử nghiệm, vận hành, chuẩn bị cho ngày về đích không xa. Hàng loạt công trình về giao thông, nhà ở xã hội cũng được TP HCM khởi công trong năm 2022.
Tuy nhiên, có một "điểm xám" là chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, dẫn đến những tồn đọng lớn, nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; nguồn lực phát triển chưa thông suốt như vốn đầu tư xã hội chưa được phát huy mạnh mẽ, cả đầu tư công. Tâm lý e dè, ngại trách nhiệm của cơ quan hành chính và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tái xuất hiện, làm đình trệ công việc.
Thực nghiệm các mô hình mới
- Trong năm 2023, TP HCM sẽ làm gì để khắc phục "điểm xám" khi xác định đây là năm bản lề, thưa ông?
- Dự báo năm 2023, TP HCM có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Thành phố xác định chủ đề năm 2023 là "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội", mục tiêu tăng trưởng GRDP là 7,5% - 8%.
Ðể đạt những mục tiêu trong năm 2023, từng sở, ngành, quận, huyện, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải làm tốt nhiệm vụ của mình và giải quyết công việc hành chính bảo đảm thông suốt, hiệu quả; các đơn vị phải phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn. Ðồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, nâng cao khả năng hấp thụ vốn. TP HCM sẽ khai thác những nguồn lực còn đang "ẩn mình" bằng các cơ chế thông thoáng, trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp để đầu tư, phát triển.
Trong điều hành, UBND TP HCM sẽ tiếp tục rà soát, củng cố các thành viên của các tổ công tác, phân nhóm các công việc, tập trung giải quyết, đôn đốc gắn với đánh giá cán bộ hằng quý, hằng năm.
Thành phố cũng tổng lực thực hiện các công trình trọng điểm, triển khai các dự án nhà ở, chỉnh trang đô thị, nhất là dự án rạch Xuyên Tâm với quyết tâm đây là dự án kiểu mẫu về phát triển nhà ở thay nhà trên và ven kênh rạch, nhà chung cư cũ, nhà lưu trú công nhân.
Thành phố tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách thay thế Nghị quyết 54 với tinh thần thành phố là nơi đi đầu, thực nghiệm các mô hình mới; tiếp tục tổng kết Nghị quyết 16; khẩn trương triển khai Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - văn hóa và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; gắn với thực hiện Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thành phố triển khai các công việc trên tinh thần hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và rà soát các chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Chủ tịch vừa nhắc đến việc xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 với tinh thần thành phố sẽ là nơi đi đầu, thực nghiệm các mô hình mới. Phải chăng đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố trong năm 2023?
- Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã quyết nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54, thay vì hết năm 2022. Ðầu tháng 12-2022, UBND TP HCM đã trình lên Chính phủ việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố, thay thế Nghị quyết 54.
Nội dung trong nghị quyết mới là những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc có quy định nhưng chưa phù hợp thì cho làm thí điểm. Các cơ chế, chính sách đề xuất trong nghị quyết mới vừa có tính đặc thù, vượt trội, tháo gỡ điểm nghẽn, vừa tạo động lực đột phá cho thành phố phát triển theo mục tiêu Nghị quyết 24/2022.
Hiện TP HCM đang rất khẩn trương thực hiện các đầu việc với quyết tâm chính trị rất cao để có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất. Việc xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 không chỉ là vấn đề xây dựng một cơ chế mang tính thí điểm, đặc thù, mà trên hết, các cơ chế, chính sách mới phải tạo điều kiện huy động nguồn lực xã hội đủ cho nhu cầu phát triển đúng với vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; tạo sự chủ động cho thành phố qua phân cấp, phân quyền, ủy quyền và thực hiện khả thi trên thực tế. Từ đó tạo tiền đề để thành phố vươn lên, tiến về phía trước, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Thu hút người tài, bảo vệ cán bộ
- Trong những hạn chế của năm 2022, ông đã thẳng thắn nhìn nhận tâm lý e dè, ngại trách nhiệm của cơ quan hành chính và cán bộ tái xuất hiện, làm đình trệ công việc?
- Khi làm việc với TP HCM, Bộ Chính trị rất quan tâm, thậm chí là băn khoăn khi cho định hướng, cơ chế thì liệu thành phố có tải nổi không. Cũng có ý kiến phát biểu rằng thành phố là nơi có truyền thống năng động, sáng tạo nhưng hình như gần đây co lại, giảm sút đi. Do đó, thành phố phải khắc phục ngay tâm lý này; từng sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Ðức; từng cán bộ, đảng viên cần phải chuyển tâm thế, xốc lại tinh thần.
Chúng ta muốn cụ thể hóa các chủ trương, chính sách bằng các đề án cụ thể để thu hút nguồn lực. Muốn vậy, thành phố phải củng cố lại đội ngũ, phải tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm, nêu gương.
Trước hết, TP HCM cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Thành ủy thành phố đã ban hành Kế hoạch 124, UBND thành phố cũng ban hành Kế hoạch 3815 để thực hiện Kết luận 14 với lộ trình mỗi cơ quan, đơn vị đăng ký ít nhất một sáng kiến. Ðây chính là cơ sở để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo.
Nếu trong quá trình sáng tạo có rủi ro, xảy ra thiệt hại nhưng thực hiện đúng chủ trương, động cơ trong sáng, không vụ lợi cá nhân thì sẽ được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Lãnh đạo thành phố và các cấp vừa kiểm tra, vừa đồng hành vừa là chỗ dựa để cán bộ, công chức, viên chức mạnh dạn thực hiện sáng kiến, thể hiện sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, Thường trực UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ nghiên cứu để sớm trình đề án phát huy năng lực đội ngũ cán bộ với 5 nội dung chính.
Thứ nhất là rà soát lại để có những đề xuất về công tác tuyển dụng gắn với chính sách thu hút người tài, theo hướng không chỉ thu hút ngoài hệ thống mà còn trong hệ thống với những cán bộ có năng lực nổi trội, xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai là nhà ở cho công chức, viên chức theo hướng có cơ chế nhà bán, nhà thuê.
Thứ ba là chính sách đào tạo cán bộ hằng năm sát với vị trí công tác, chức danh. Mỗi năm, cán bộ, công chức sẽ được "cách ly" công việc trong 2 tuần để cập nhật kiến thức, học những mô hình, cách làm mới, kỹ năng mới phục vụ công việc tốt hơn.
Thứ tư là tăng thu nhập. Rất mừng là HÐND thành phố đã đồng ý cho UBND thành phố chi thu nhập tăng thêm cho các bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 54 lên mức tối đa 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ trong năm 2023. Ðây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Khi cán bộ, công chức, viên chức TP HCM có thu nhập cơ bản thì đây là điều kiện rất quan trọng để yên tâm làm việc, cống hiến.
Cuối cùng, TP HCM sẽ có chính sách đề bạt, bố trí cán bộ, công chức có đóng góp xứng đáng vào vị trí cao hơn.
- Một mùa xuân mới đang về mang theo khát vọng, niềm tin và khí thế mới, ông có thông điệp gì gửi đến cán bộ, người dân TP HCM?
- Càng khó khăn, người dân, doanh nghiệp thành phố càng đoàn kết, năng động, sáng tạo; càng qua cam go, thử thách thì những phẩm chất tốt đẹp của cán bộ và nhân dân càng được bộc lộ, nâng lên. Ðiều này đã được minh chứng trong suốt chiều dài hình thành và phát triển thành phố, nhất là trong đại dịch COVID-19 gần đây.
Chính điều đó đã cho tôi thêm niềm tin tưởng rằng cán bộ, người dân, doanh nghiệp thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để đối diện và vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chướng ngại phía trước, cùng tạo ra những giá trị mới, hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa của thành phố, xứng đáng thành phố "vì cả nước, cùng cả nước".
Trước thềm năm mới, xuân Quý Mão 2023, thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi kính chúc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, kiều bào ta ở nước ngoài thật nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc!
"Chìa khóa vàng" cho TP HCM
Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là sự định hướng rất quan trọng về mặt chủ trương, chính sách đối với TP HCM; tạo động lực lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Song quan trọng hơn cả, chủ trương này của Đảng đã định vị vai trò, vị trí của thành phố, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về chỗ đứng, đặc biệt là trách nhiệm đối với cả nước; là hành trang quan trọng, là "chìa khóa vàng" cho việc đẩy mạnh tiến trình phát triển thành phố.
Bình luận (0)