Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 26-9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, khẳng định thành phố đang chuẩn bị một chỉ thị mới sẽ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-10.
Ưu tiên vắc-xin cho vùng kinh tế phía Nam
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.
Văn bản nêu rõ TP HCM đánh giá cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đang dự thảo và chỉnh sửa. Đây là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới và đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp trước khi ban hành.
Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của TP HCM, UBND thành phố đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép TP HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. TP HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng mong Chính phủ quan tâm ưu tiên vắc-xin cho TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của Hướng dẫn.
Dự thảo Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" nêu 3 chỉ số bắt buộc: Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19. 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có ôxy y tế; 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng. Các tỉnh, thành có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh, thành.
Người dân mua hàng tại chợ lưu động ở ngã tư Trần Bình Trọng - Nguyễn Trãi (phường 3, quận 5, TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm: số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19. Quy mô đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng tại cấp xã, phường và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn.
Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp: cấp 1: nguy cơ thấp "bình thường mới" tương ứng với màu xanh; cấp 2: nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 26-9, ông Phạm Đức Hải khẳng định trong dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" có một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế phòng chống dịch tại TP HCM, chưa phù hợp với tính thực tiễn về lịch sử, địa lý, dân số của thành phố. Do đó, Chủ tịch UBND thành phố đã có kiến nghị Thủ tướng để TP HCM được áp dụng quy định riêng.
TP HCM đã qua đỉnh dịch
Theo ông Phạm Đức Hải, tình hình dịch tại TP HCM đang lạc quan hơn khi tỉ lệ bệnh nhân nặng phải thở máy giảm. Số bệnh nhân xuất viện tăng lên mỗi ngày, trong ngày 25-9 là 3.495 người.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, thông tin thêm thành phố sẽ giữ lại 3 BV dã chiến có ICU. Các BV dã chiến đơn thuần sẽ thu hẹp dần từ nay đến hết tháng 12-2021, trả lại trường học cho cơ sở giáo dục.
Với các BV ở "vùng xanh", đến cuối tháng 9 sẽ trả lại công năng để tham gia điều trị cho những bệnh nhân không mắc Covid-19. TP HCM đã triển khai 22 đoàn kiểm tra đánh giá từng quận, huyện, phường, xã. Hiện hướng dẫn của Bộ Y tế mới chỉ tạm thời nên các đơn vị đang rà soát từng chỉ tiêu để có kế hoạch thực hiện, việc kết luận thành phố đang ở cấp độ nào của dịch tại thời điểm này là quá sớm. "TP HCM đã qua đỉnh điểm của dịch bệnh và việc chống dịch đang có hiệu quả rất tốt. Thành phố có 3.286 giường ICU, bảo đảm phục vụ tốt tình huống cấp cứu ở cấp độ cao nhất" - bà Mai nói.
Số ca mắc Covid-19 tử vong đã giảm tại TP HCM. (Đồ thị của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM)
Tỉ lệ dương tính với SARS-CoV-2 trên toàn thành phố đã giảm, theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC). Cụ thể, đợt xét nghiệm diện rộng từ ngày 22-9 đến 25-9, tỉ lệ dương tính chung các vùng nguy cơ trên toàn TP giảm từ 0,4% xuống 0,2%.
"Mỗi ngày, ngành y tế lấy hơn 1 triệu mẫu xét nghiệm, lấy mẫu 2 đợt ở cả 4 vùng. Tỉ lệ dương tính liên tục giảm qua từng đợt là tín hiệu đáng mừng" - ông Tâm cho hay.
Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM, dẫn đầu đã làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc BV Đại học Y Dược TP HCM (đặt tại BV Quốc tế City).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sau ngày 30-9, TP HCM sẽ có kế hoạch bảo đảm sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch. Trước mắt, ngành y tế sẽ phải tái cơ cấu hệ thống các trung tâm hồi sức, BV dã chiến theo tình hình chung trong công tác phòng chống dịch của TP HCM. Ngành y tế sẽ phải tính toán kỹ BV nào có thể "rút quân" và trên tinh thần hỗ trợ từ các BV địa phương, BV trung ương có thể sẽ rút từ từ và trong quá trình rút phải chuyển giao cho các BV của TP.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược, BV đang chuẩn bị kế hoạch thích ứng với giai đoạn bình thường mới của TP HCM, khi các BV dã chiến dồn lại để trở về hoạt động bình thường, nhất là khi các trung tâm hồi sức tích cực của các BV Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế rút về.
Lộ trình 3 giai đoạn
Trước đó, UBND TP HCM đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn từ sau ngày 15-9 để lấy ý kiến cơ quan có thẩm quyền, chuyên gia, người dân. TP HCM dự kiến sẽ nới dần từng bước theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ được bảo vệ của người dân căn cứ hai trụ cột là tốc độ tiêm vắc- xin và an toàn hệ thống y tế theo 3 giai đoạn, địa bàn.
Giai đoạn 1 dự kiến từ ngày 1 đến 31-10; giai đoạn 2 dự kiến từ 1-11-2021 đến 15-1-2022 và giai đoạn 3 dự kiến sau 15-1-2022.
TP HCM chú trọng đến chính sách đặc thù cho người có "thẻ xanh Covid". Ngành y tế TP HCM đề xuất chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin và phải ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc người đã mắc Covid-19 và có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly sẽ đủ điều kiện có "thẻ xanh Covid". Bên cạnh đó, thành phố cũng có kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội.
11.477 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh
Bộ Y tế cho biết ngày 26-9, cả nước ghi nhận 10.011 ca nhiễm mới (5.313 ca ngoài cộng đồng); thêm 11.477 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Theo thống kê, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.321 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.584. Hiện nước ta đã tiêm chủng được 38,3 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 7,9 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Bình luận (0)