UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) kiểm tra sự việc. Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực đấu giá, chủ xưởng gỗ cho rằng cách tính giá, tổ chức đấu giá hiện tại không ổn, phải thay đổi.
Phải công khai thông tin đấu giá
Anh Quang - chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ ở quận 2, TP HCM - nói rằng cây xanh đô thị bị đốn hạ có rất nhiều là sọ khỉ. Giá gỗ sọ khỉ (có lớn, nhỏ) trên thị trường hiện rẻ nhất cũng khoảng 4 triệu đồng/m3, còn toàn loại lớn thì giá tăng lên 6 triệu đồng/m3. Đặc biệt, lục bình làm từ gỗ sọ khỉ rất được khách hàng ưa chuộng, chỉ cần cây sọ khỉ dài khoảng 5 m sẽ có giá rất cao bởi với chiều dài này có thể chế tác thành 2 lục bình và bán với giá thấp cũng trên 35 triệu đồng.
Theo anh Quang, nói vậy để thấy việc bán 1.696 m gỗ nhưng đơn vị định giá và đơn vị thông qua với mức giá chỉ 1,222 tỉ đồng là quá thấp. "Nếu được biết đến chuyện đấu giá, tôi sẽ mua với giá cao hơn gấp vài lần" - anh Quang khẳng định. Ngoài ra, anh Quang còn thông tin những gốc cây khoảng 3 người ôm rất có giá vì được nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ tìm mua nên Sở GTVT cần tổ chức bán thanh lý riêng.
Những khúc gỗ sọ khỉ như thế này, dân trong nghề cho rằng rất được giá vì có thể làm ra lục bình lớn - sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng như anh Quang, sau khi xem một số hình ảnh gỗ chúng tôi chụp từ Vườn ươm Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) sắp được đem đấu giá, anh Nguyễn Bá Thuận, chủ xưởng gỗ ở quận 12, nhận định với giá khởi điểm 2,352 tỉ đồng cho 1.095 m3 (tương đương 2,14 triệu đồng/m3) thì vẫn còn quá rẻ. Theo anh Thuận, không biết thì thôi, "lỡ" biết có vụ đấu giá này nên anh rất quan tâm. Thế nhưng, theo anh Thuận, tìm hiểu đủ kiểu thông tin trên Google, trên trang tin của Sở GTVT TP, anh vẫn không hề biết đến việc bán đấu giá này. "Sở GTVT TP cần phải công khai việc bán đấu giá, thủ tục cần những gì, thời gian khi nào tổ chức để mọi người cùng biết thì việc đấu giá mới được cho là minh bạch và hơn cả, mức giá bán ra mới sát với giá thị trường" - anh Thuận đề nghị.
Chia nhỏ và đấu giá ngoài hiện trường
Anh Nguyễn Bá Thuận cho rằng Sở GTVT TP không nên bán nguyên lô mà chia nhỏ ra sẽ được giá hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ mặt bằng để lưu kho, trong khi những doanh nghiệp này lại dễ đưa ra mức giá sát với thị trường nhất. "Nếu chia thành từng lô nhỏ, khoảng 300-400 m3 gỗ thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hùn hạp với nhau để cùng tham gia đấu thầu. Như vậy, cạnh tranh sẽ lành mạnh hơn" - anh Thuận khẳng định.
Luật sư Đỗ Xuân Hiệu, Giám đốc Công ty Luật TNHH SLF, cho biết cây xanh là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, cơ quan nhà nước được giao quản lý là Sở GTVT TP thì họ có quyền thanh lý tài sản. Dù cây xanh là tài sản công nhưng vẫn phải thông qua đấu giá. Tuy nhiên, quy định hiện hành không nêu thời gian bao lâu thì phải tổ chức đấu giá một lần. Trước khi bán đấu giá thì cơ quan quản lý lập hội đồng định giá hoặc khách quan hơn là thuê đơn vị thẩm định. Nói vậy để thấy việc rút ngắn thời gian thanh lý hoàn toàn dựa vào sự chủ động của cơ quan quản lý nhà nước chứ luật không quy định.
Ngoài ra, luật sư Hiệu còn đưa ra giải pháp để thu được hiệu quả cao nhất từ việc thanh lý cây xanh vừa bị đốn hạ. Đó là tổ chức đấu giá ngoài hiện trường. Cụ thể, khi lập kế hoạch đốn hạ, di dời cây thuộc các dự án mở rộng đường thì Sở GTVT TP có thể lập hội đồng định giá ngoài hiện trường và rao bán công khai. Còn đối với những trường hợp như cây đổ do thiên tai, do không thể lập kế hoạch đấu giá ngoài hiện trường được thì tiến hành bán đấu giá theo kiểu hiện tại.
Trước thực trạng gỗ công không được bảo quản chu đáo, việc bán theo hình thức đấu thầu như hiện tại với giá rẻ bất ngờ mà Báo Người Lao Động phản ánh, ngày 26-10, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã chỉ đạo Sở GTVT kiểm tra và báo cáo cụ thể sự việc cho UBND TP.
Việc chế tác gỗ công đang gặp khó
Ngoài những lỗ hổng trên, theo tìm hiểu của phóng viên, việc sử dụng gỗ công để làm ra các sản phẩm phục vụ công cộng mà Sở GTVT TP đang thí điểm thực hiện cũng tồn tại những bất cập.
Cụ thể, cuối năm 2017, UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT thí điểm sử dụng gỗ đốn hạ cây xanh đô thị chế tác những sản phẩm phục vụ trong các công viên, khu công cộng trên địa bàn TP. Sở đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ thực hiện. Đến tháng 2-2018, trường đã giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT) hơn 70 sản phẩm như bàn, ghế đôn, ghế dài có tựa, ghế dài không tựa… làm từ gỗ đốn hạ cây xanh (gỗ phẩm chất tốt khoảng hơn 31 m3). Số bàn ghế này được lắp đặt tại Công viên Tao Đàn để phục vụ người dân.
Tuy nhiên, Sở GTVT cũng cho hay về độ bền của sản phẩm, cần có thêm thời gian để đánh giá. Đặc biệt, công tác chế tác các sản phẩm từ gỗ đốn hạ cây xanh thành bàn, ghế ngồi... còn rất mới, chưa có quy trình, định mức cũng như đơn giá để triển khai thực hiện nên đã gây khó cho việc thí điểm. "Ngoài ra, nhân sự của Sở GTVT và Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 không có chuyên môn trong lĩnh vực chế biến gỗ nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, giám sát việc chế tác sản phẩm" - Sở GTVT TP thừa nhận.
Chiêu trò thường gặp trong mời thầu
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, hiện có không ít cách để bên mời thầu hạn chế doanh nghiệp tham gia.
Đầu tiên, bên mời thầu khi đăng tải thông tin đã cung cấp địa chỉ bán hồ sơ mời thầu, số điện thoại liên lạc mà trên thực tế không tồn tại, tình trạng này làm cho nhà thầu không thể tiếp cận với thông tin đấu thầu. Kế đến, có trường hợp mặc dù đã mua được hồ sơ mời thầu thì thời điểm đóng thầu cũng kề cận, thời gian để chuẩn bị hồ sơ dự thầu còn quá ít nên không nộp kịp. Một số chủ đầu tư còn đưa ra những yêu cầu cao ngất ngưởng để hạn chế các nhà thầu tham gia...
Bình luận (0)