xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM linh hoạt xoay chuyển để tăng trưởng

PHAN ANH

Chủ động ứng phó, xoay chuyển, TP HCM đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá

Trong bối cảnh phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao, ứng phó và triển khai giải pháp kịp thời cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế TP HCM đã có những điểm sáng đáng khích lệ.

Nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng

Theo UBND TP HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước tăng 6,71% (quý I/2023 tăng 0,7%, quý II/2023 tăng 5,8%); trong 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 3,2%; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,6% so với cùng kỳ. Các chương trình hợp tác với các địa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả. Tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 125.000 tỉ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng 13% (37.224 DN).

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 326.000 tỉ đồng, đạt 69,45% dự toán năm và bằng 93,65% cùng kỳ. Việc thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc thù phát triển thành phố được triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra. UBND thành phố đánh giá trong 21 chỉ tiêu thành phần kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023, dự kiến có 19 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch; có 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt.

Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng đầu năm, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (NCPTTP) phân tích từ góc độ tổng cung, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng nhẹ phù hợp với mức cải thiện hằng tháng kể từ tháng 5-2023. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ cũng có dấu hiệu tích cực với lãi suất cho vay hợp lý, lãi suất cho vay thấp, hạn mức tín dụng tăng đã và đang kích thích DN vay vốn, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.

Ở góc độ tổng cầu, Viện NCPTTP cho biết cầu tiêu dùng hàng hóa giữ đà tăng trưởng qua các quý, đã khởi sắc hơn trong 8 tháng năm 2023, kỳ vọng các tháng cuối năm sẽ tiếp tục giữ đà do tác động từ việc tăng lương cơ sở. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2023 tăng 5%, quý II tăng 7,7%, quý III tăng 12,9%. Vốn đầu tư nước ngoài đang có chiều hướng tăng. Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 9 tháng năm 2023 cũng tăng so với cùng kỳ. "Đây cũng là một trong những động lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng thành phố" - Viện NCPTTP nhìn nhận.

Tuy vậy, nền kinh tế thành phố trong 9 tháng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới tiếp tục biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của thành phố bị ảnh hưởng. Đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu giảm 14,2%; kim ngạch nhập khẩu giảm 17,25%). Số lượng DN thành lập mới tăng nhưng vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ (giảm 9%); thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 34,1%). Mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.

Viện NCPTTP cho rằng mặc dù kinh tế đã có những tín hiệu tích cực của các trụ cột tăng trưởng, nhưng những tín hiệu này chưa đủ sức vực dậy tăng trưởng kinh tế thành phố. Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khó khăn do nhu cầu nhập khẩu thế giới sẽ giảm mạnh ở phần lớn các mặt hàng chủ lực của thành phố.

Khắc phục tâm lý sợ sai

Dự báo tình hình trong 3 tháng cuối năm với xung đột vũ trang Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài; hậu quả của đại dịch COVID-19 khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu dự báo tiếp tục thắt chặt, TP HCM đã linh hoạt, xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm, để có thể đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

TP HCM linh hoạt xoay chuyển để tăng trưởng - Ảnh 1.

Dù còn khó khăn, song kinh tế TP HCM đã có nhiều điểm sáng tăng trưởng. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục Minh Đức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong đó, tập trung triển khai các chỉ đạo của trung ương, thành phố về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm. Tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền trên các lĩnh vực (cải cách hành chính, thủ tục hành chính, bất động sản, thuế, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các dự án bất động sản...). Đồng thời đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Song song đó, tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Nghị quyết 98/2023. Khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ đã được phân công thực hiện trên các lĩnh vực; hoàn thành cơ bản việc triển khai các nội dung của Nghị quyết trong năm 2023. Viện NCPTTP đề xuất lãnh đạo thành phố cần có quyết sách mang tính đột phá để thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành thực hiện Nghị quyết 98 để khắc phục khó khăn, khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm.

Viện NCPTTP cho rằng việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết 98 vào thực tiễn thành phố tùy thuộc rất lớn vào năng lực vận hành của bộ máy hành chính các cấp. "Trong tình hình hiện nay, để khắc phục tình trạng trì trệ do tâm lý sợ sai của cán bộ công chức, cần có cơ chế chịu trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất của thành phố đối với từng quyết sách cụ thể, tạo sự yên tâm cho bộ máy hành chính thừa hành công vụ" - Viện NCPTTP đề xuất. Cùng với đó, thúc đẩy kinh tế xanh - chuyển đổi xanh trở thành một năng lực cạnh tranh mới của kinh tế thành phố.

Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,8%

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4-2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu. Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 9-2023 cảnh báo những rủi ro: việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cấu trúc trong nội tại nền kinh tế là những nguy cơ chính dẫn tới giảm tốc tăng trưởng; tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể và sự phục hồi yếu ở Trung Quốc vẫn là nguy cơ đối với triển vọng kinh tế; lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài và dẫn đến giảm tỉ giá tiền đồng.

D.Ngọc

Bảy vấn đề trọng điểm cần giải quyết

Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, trong cơ cấu tăng trưởng, chỉ số IIP tăng 3,2% là chỉ số tích cực trong bối cảnh hiện nay. Tổng doanh thu dịch vụ bán lẻ tăng 8,6 %, trong đó đặc điểm rất rõ là ngành du lịch khởi sắc mạnh, doanh thu du lịch tăng 35,8%; quý IV/2023 có khả năng tăng trưởng trên 7% và cả năm 2023, thành phố có thể tăng trưởng khoảng 5,5%.

Tuy nhiên, quan sát trong vài chục năm trở lại đây, chưa bao giờ dư nợ tín dụng trong 9 tháng chỉ tăng dưới 5% như hiện tại (mục tiêu cả nước năm 2023 tăng trưởng tín dụng 13%-14%). Chỉ số này thể hiện khả năng hấp thụ vốn của thị trường và DN rất thấp. Giải ngân đầu tư công cũng quá thấp so với chỉ tiêu đề ra, đến ngày 22-9 mới đạt 30% kế hoạch. Mục tiêu giải ngân 68.500 tỉ đồng trong năm 2024 là thách thức quá lớn. Bên cạnh đó, xuất khẩu do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới nên tiếp tục đà giảm, tiếp tục làm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Đây là những điểm mà TP HCM cần quan tâm.

Theo TS Trần Du Lịch, thành phố cần lựa chọn một số nội dung trọng điểm và có thể thực thi ngay. Một là, ưu tiên triển khai những dự án, đề án, chương trình nhằm triển khai Nghị quyết 98 theo quy định thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của HĐND, UBND TP HCM; chuẩn bị những dự án để thực hiện các mô hình thí điểm; xây dựng cho được khung pháp lý thông qua các quy định để từ năm 2024, Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống một cách đồng bộ. Hai là, tập trung vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vì đây là công cụ rất quan trọng để kích thích tổng cầu, thúc đẩy một số ngành, trong đó có ngành xây dựng... Ba là, tập trung chỉ đạo hoàn thiện trình Chính phủ 2 bản quy hoạch cực kỳ quan trọng là quy hoạch xây dựng và quy hoạch kinh tế xã hội nhằm tạo nền về pháp lý để triển khai các dự án khác. Bốn là, tập trung hơn nữa để tháo gỡ các điểm nghẽn liên quan đến thủ tục pháp lý trong các dự án bất động sản để những dự án có thể được triển khai, từ đó kích thích thị trường bất động sản cũng như lĩnh vực xây dựng tăng trưởng. Năm là, ngành du lịch tổ chức nhiều sự kiện có ý nghĩa tích cực trong những tháng cuối năm để tạo lan tỏa cho thị trường phát triển. Sáu là, cần có biện pháp phối hợp với ngân hàng để kích thích thị trường nội địa. Bảy là, trên cơ sở Diễn đàn kinh tế thành phố vừa qua đã đưa ra rất nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Giờ là lúc đúc kết lại những giải pháp, vận dụng Nghị quyết 98 để triển khai những giải pháp này để thúc đẩy chuyển đổi xanh, tạo nền tảng để phát triển tín dụng xanh.

T.Nhân

. Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op):

Tạo sức bật toàn diện cho ngành bán lẻ

Ngành bán lẻ có độ nhạy cảm và phản ứng nhanh với các chính sách. Quy mô bán lẻ ở mức đóng góp 143 tỉ USD và đóng góp quan trọng trong trung gian kết nối các ngành nghề và các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm. DN bán lẻ rất cần các chính sách giai đoạn sau COVID-19 để có kế hoạch dài hơi nhằm gia tăng niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ tích cực trực tiếp nhằm giúp DN tồn tại và giảm thiểu chi phí. Chính quyền TP HCM cần phối hợp với các địa phương thực hiện nhanh việc quy hoạch lại tổng thể cung - cầu của các vùng nguyên liệu trong nước, cung ứng nội địa và quốc tế. Cùng với đó là phát triển các chính sách khuyến khích điện toán hóa, số hóa, đổi mới sáng tạo theo từng thể loại ứng dụng nhằm tạo sức bật toàn diện, đóng góp cho nền kinh tế số và đồng bộ theo từng giai đoạn.

. ThS TRẦN ANH TÙNG, Trưởng Ngành quản trị kinh doanh - Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM:

Giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt

Tuy TP HCM đã có những bước tăng trưởng nhẹ trở lại nhưng thách thức vẫn nằm ở phần giải ngân vốn đầu tư công do độ trễ chính sách trong việc thực thi. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt lãi suất, nên cả nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế TP HCM vẫn chưa có sự tăng trưởng vượt bậc ở cán cân xuất nhập khẩu. Do đó, thành phố cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt. Cải thiện thể chế để mượn ngoại lực tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn). Đưa ra chính sách giảm chi phí vốn vay tạo điều kiện DN tư nhân tái đầu tư. Song song đó, DN phải thực sự tham gia vào quá trình chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để tái cấu trúc và phát triển.

T.Nhân - N.Hải ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo