Ngày 26-3, trang Weatheronline thông tin chỉ số tia cực tím (tia UV) ở TP HCM trưa 26-3 đạt mức 12 (mức cao nhất theo thang của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO là 11+). Điều đáng lo ngại là chỉ số tia UV được dự báo là tiếp tục vượt ngưỡng trong ngày mai 27-3 trước khi giảm xuống mức 10 và 9 trong 2 ngày tiếp theo.
Trang Weatheronline dự báo chỉ số tia UV ở TP HCM trong các ngày tới
Tia UV cao đi cùng với thời tiết nắng nóng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu khi chạy xe ngoài đường. Về vấn đề này, Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, cho biết nhiệt độ các tỉnh Nam Bộ trưa nay ở mức 36-370C. Cụ thể, lúc 13 giờ trưa nay nhiệt độ đo được ở các trạm như sau: Long Khánh, Biên Hòa (Đồng Nai) là 360C, Sở Sao (Bình Dương) là 360C, riêng khu vực TP HCM là 370C.
Người dân đi ra đường đeo đồ bảo hộ kín mít để tránh nắng nóng phả vào người
Ông Quyết cho biết thêm tình trạng nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài trong khoảng 2-3 ngày nữa rồi sau đó sẽ giảm, chỉ còn nắng nóng cục bộ ở một số khu vực. Kể từ đầu tháng 4 trở đi, Nam Bộ sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một đợt nắng nóng mới.
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết khi tia UV trong nắng quá cao, việc tiếp xúc với ánh nắng có thể gây cả dạng tác hại tức thời và tác hại tích lũy trên da. Tác hại tức thời như tình trạng bỏng da, sạm da… Tác hại lâu dài như lão hóa da, ung thư da…
Còn bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch – tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất thì cảnh báo một tình trạng dễ gặp và có thể trở nên nguy hiểm trong những ngày nắng nóng: say nắng (hay còn gọi là sốc nắng, sốc nhiệt). Khi đi hoặc làm việc quá lâu dưới trời nắng nóng, nhiệt độ cơ thể bị tăng lên do rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt, gây giãn mạch, mất nước qua mồ hôi.
Các biểu hiện nhẹ ban đầu có thể là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp, đánh trống ngực… Nặng hơn là mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, chuột rút, khó thở… Nếu không được can thiệp đúng và kịp thời, say nắng nặng có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như ngất, hôn mê, trụy tim mạch và tử vong, nhất là ở nhóm đối tượng nguy cơ (người lớn tuổi, có bệnh lý tim mạch, tiểu đường). Trẻ em cũng là đối tượng nhạy cảm với thời tiết nên cũng dễ bị say nắng.
Các bác sĩ khuyến cáo trong những ngày nắng nóng, tia UV cao, nên hạn chế ra đường vào thời điểm nắng gắt, nhiệt độ cao trong ngày. Nếu phải ra đường thì cần chống nắng bằng mũ, nón, áo khoác, dù…, mang theo nước để uống bù khi bị đổ mồ hôi.
Bình luận (0)